Ngày nay Hungary ch là mt nước nh 10 triu dân, nhưng là mt quc gia đy t tin và phát trin.

Anh có một khuôn mặt rất đàn ông, mắt sâu mày rậm. Phát âm tiếng Đức của anh chuẩn mực nhưng âm sắc rõ là người nước ngoài.Nghe tên anh là Laszlo, tôi biết ngay anh là người Hungary.

Tôi quen Laszlo trên sân tập bóng chuyền. Anh chơi vững vàng hòa nhã. Bọn chúng tôi chỉ là người lớn tuổi, chơi thể thao kiểu nghiệp dư trong sân tập của thị trấn. Cả Laszlo và tôi lại thuộc loại già nhất, nên có lẽ vì thế mà thân nhau chăng, hay tại chúng tôi là người nước ngoài duy nhất trong bọn.

Riêng tôi thì biết rõ mình mến Laszlo vì một lý do khác, vì Laszlo là người Hungary mà Hungary là nước mà tôi rất muốn trở lại.

Một ngày nọ, tại thủ đô Budapest, chúng tôi đứng trên đồi nhìn ngược sông Danube về phía tây. Trời chiều tối, ánh dương chiếu dòng sông như một dải lụa bạc, sáng rực lên giữa hai bờ Buda và Pest lác đác ánh đèn. Dòng sông tĩnh mịch như tâm tôi lặng yên. Lúc đó tôi biết đây là đoạn sông đẹp nhất mà tôi từng thấy trong đời. Dòng sông sáng lên vào buổi chiều thì Hương Giang quê tôi cũng vậy, nhưng Danube tại Budapest toát nên một vẻ đẹp tráng lệ.

Danube là dòng sông nổi tiếng thế giới. Nhiều người nghe danh Danube qua bài Dòng sông xanh của Johann Strauss soạn năm 1866. Bài nhạc ca tụng đoạn sông Danube tại Vienna, thủ đô của Áo. Tôi đã đến Vienna, đoạn sông này mang một màu nước xanh đậm vô cùng ấn tượng. Thế nhưng sông Danube tại Vienna nằm khá xa trung tâm thành phố, không sao sánh được với Danube tại Budapest. Thế nên Danube tại Budapest vừa ngự trị vừa điểm tô, vừa tráng lệ vừa lãng mạn, một cảnh quan vô song trong các thủ đô châu Âu.

{keywords}

Sông Danube đoạn chảy qua Budapest

Đối với tôi được ngắm nhìn Danube tại Budapest là đủ công khó cho một chuyến đi. Nhưng không, chúng tôi còn được cặp vợ chồng dễ mến người Việt Nam này mời về nhà tá túc. Anh chị là những người thành đạt, sống đã lâu tại Hungary. Nhà của anh ở trên sườn cao của một vùng nhấp nhô núi đồi quanh Budapest. Các con của anh, nói tiếng Hung như người bản xứ, lí nhí chào chúng tôi bằng tiếng Việt giọng Bắc. Chúng có cái đặc trưng của con cái Việt kiều, nói tiếng Việt không trôi nhưng học rất giỏi.

Anh tựtay lái xe đưa chúng tôi đi thăm hồ Balaton, một chiếc hồ nổi tiếng trong ngành du lịch. Hồ dài gần 80km và rất rộng. Điểm đặc biệt của hồ là rất cạn, độ sâu trung bình chừng 3m, chỗ sâu nhất 12m. Do đó mùa hè nước hồ được hâm nóng, có thể lên đến 30°C. Mùa đông lại đóng băng rất sớm và lâu tan, nơi lý tưởng cho môn trượt băng. Hồ Balaton là nơi bảo tồn thiên nhiên, chim muông vô số, làm tổ sinh sống trong vùng nước ngập lấp xấp, bèo xanh mọc đầy.

Hồ Balaton là niềm an ủi cho một nước Hungary không có bờ biển. Chúng tôi đi đường bộ từ Praha, Bratislava đến Hungary. Phía tây là Địa Trung Hải, phía đông là Hắc Hải, muốn có mùi gió biển hẳn phải đi dễ cả hàng trăm cây số. Nằm trong lục địa nhưng Hungary ngày xưa là một dân tộc cường thịnh, từng vươn lên hợp tung với Áo để trở thành đế quốc Áo-Hung, oanh liệt một thời trong thế kỷ thứ XIX.

Ký ức ngày xưa của tôi bỗng nhiên trỗi dậy. Ngày xưa quốc gia xa xôi này mang tên "Hung Gia Lợi" và cái tên lạ lẫm đó thường đi chung với "đoàn cầu". Giọng nói của Huyền Vũ, nhà tường thuật thể thao không thể nào quên của miền Nam hồi trước bỗng quay về rõ mồn một. "Đoàn cầu Hung Gia Lợi" mà Huyền Vũ say mê tường thuật vốn là đoàn cầu nhất nhì thế giới trong suốt 30 năm, từ 1930 đến 1960. Năm 1954 Hung Gia Lợi chỉ chịu thua Đức trong trận chung kết giải "túc cầu" vô địch thế giới.

{keywords}

Hồ Balaton nhìn từ trên cao

Sau 1954 vận nước Hungary đi vào một khúc quanh bi tráng. Sau Thế chiến thứ hai, từ 1949 đến 1953, Hungary thiết lập một mô hình chính trị theo kiểu Liên Xô. Thế nhưng Hungary là nước sớm nhất muốn thoát khỏi ảnh hưởng Liên Xô. Từ 1960 họ lại bắt đầu nới lỏng các định chế kinh tế và chính trị mà thời đó người ta mệnh danh là chủ nghĩa cộng sản theo cách "Goulash". Goulash mà tiếng Hung gọi là Gulyas, là món ăn thịt bò truyền thống của Hungary mà ta có thể tạm dịch là món "thập cẩm".

Năm 1988 khối Đông Âu đứng trên bờ vực phá sản. Tháng 6-1989 hai ngoại trưởng Hungary và Áo cùng nhau cắt đứt hàng rào kẽm gai ngăn cách hai nước. Hàng ngàn người Đông Đức đang nghỉ hè tại Hungary lợi dụng tình thế trốn qua Áo và đi Tây Đức. Đó là tiếng pháo đầu. Gần nửa năm sau, bức tường Berlin sụp đổ.

Trên đất nước Hungary, đọc lại khúc quanh lịch sử của dân tộc này, tôi không khỏi cảm khái về tính chất khác thường của nhân dân họ, cũng như sự đóng góp quyết định của họ vào tiến trình của cả thế giới.

Ngày nay Hungary chỉ là một nước nhỏ 10 triệu dân, nhưng là một quốc gia đầy tự tin và phát triển. Nhất là các nhà khoa học của họ vẫn tiếp tục phát huy tài năng của mình và may thay, ngày nay khi nhớ quê họ luôn luôn có một chốn để về, để ngắm dòng sông Danube hay tắm trên hồ Balaton.

{keywords}

Tôi đi dạo trên cù lao giữa sông Danube. Đây phải là một khu đất vàng để các nhà kinh doanh địa ốc xây dựng trong một thành phố sang trọng và phát triển như Budapest. Nhưng không, chính phủ vẫn giữ hòn đảo này như một khu vực bảo tồn của thiên nhiên. Cù lao xanh um, là chốn nghỉ dưỡng của Budapest, nằm giữa sông như một viên ngọc quý ẩn mình trong nước.

Trên cù lao có nhiều tiệm ăn truyền thống. Dĩ nhiên tôi không bỏ qua món Gulyas trên quê hương của nó.Trời sụp tối khi chúng tôi trở lại trung tâm, tòa nhà Quốc hội sáng lên trong ánh đèn. Tòa nhà này đã chứng kiến nhiều đổi thay lịch sử thông qua những cuộc đấu tranh đầy bi tráng cho một niềm tin không bao giờ phai của dân tộc Hungary. Trên cao kia nữa là lâu đài hoàng gia Buda, được các nhà vua Hungary xây dựng từ thế kỷ thứ XIII, là dấu tích thầm lặng, tuyên bố rằng đất nước này vốn có vua, không dễ cho ai xâm phạm. Phải chăng đó chính là động lực xuyên suốt của người Hungary qua bao cuộc đổi dời?

Tôi say sưa kể cho Laszlo nghe cảm nhận của mình về quê hương của chính anh. Anh cũng là kiều dân bỏ quê hương đi sinh sống ở Tây Âu. Nhưng anh cũng như tôi, cũng hay về lại để thấy dòng sông sáng lên trong ánh chiều, để hít thở một bầu không khí thân tình, để ăn những món ăn quen thuộc, để sống trong quê hương không bao giờ mất.

Một buổi tối nọ, Laszlo gọi tôi với giọng lo âu. Con trai anh, Christian, đang "gặp nạn" tại Việt Nam. Christian vừa tốt nghiệp đại học. Trước khi bắt đầu cuộc đời đi làm, Christian cùng bạn trai khác di du lịch tại Việt Nam. Hai chàng thanh niên thuê hai chiếc xe máy tại Sài Gòn đi chơi và bị tai nạn. Christian không hề hấn nhưng anh kia bị gãy chân. Christian đưa bạn vào bệnh viện, chiếc xe bị lấy trộm mất, anh hết tiền trong túi.

Tôi vội trấn an Laszlo và xin số di động tại Việt Nam của Christian. Tôi gọi ngay một người bạn tại Sài Gòn, nhờ vào bệnh viện tìm cho ra Christian. Sau đó cả hai đi bồi thường chiếc xe bị trộm. Ba ngày sau tôi gọi Christian, tất cả đều ổn. Bạn bị thương đã lên máy bay về Đức chữa trị, còn Christian thì đang nằm phơi nắng tại Nha Trang.

Gần đây tôi gặp lại Laszlo. Anh vẫn chơi bóng chuyền với bọn tôi. Bạn gãy chân hồi trước đã hồi phục nhanh chóng. Christian đã đi làm trong một hãng sản xuất phụ tùng xe hơi. Anh mơ ngày về lại Nha Trang phơi nắng. Còn tôi mơ ngày đi Budapest ngắm lại dòng sông.

Nguyễn Tường Bách (theo DNSG số Xuân)

* Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt lại