Ngày xin cơm, đêm nằm trên gạch lạnh

Sáng sớm, ông Nguyễn Văn Song (56 tuổi, Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) thắp nén nhang cho người vợ vừa mất không lâu. Nhìn di ảnh vợ, ông lại rơi vào cảm giác hụt hẫng, cô đơn.

Đúng ngày này cách đây ít tháng, ông còn tất tả đặt xe, gấp quần áo chuẩn bị đưa bà lên TP.Thủ Đức (TP.HCM) hóa, xạ trị ung thư. Nhìn tờ lịch đánh dấu ngày đưa vợ lên TP.HCM chưa kịp xé, ký ức những ngày chăm vợ bệnh trong ông ùa về.

Bất giác, khóe mắt ông cay xè. Ông nói: “Lúc chăm bà ấy trong bệnh viện, buồn lo nhiều, cực khổ cũng không ít nhưng tôi không mấy khi khóc. Vậy mà khi bà ấy ra đi, tôi không cầm được nước mắt”.

W-ung-thu-2.jpg
Ông Song trong lần đưa vợ đến TP.HCM hóa, xạ trị ung thư

Vợ ông, bà Lê Thị Mừng (54 tuổi) phát hiện mắc bệnh ung thư vú từ năm 2019. Trước đó, sức khỏe bà vốn không bình thường như mọi người. Bà hay mệt mỏi và không thể làm việc nặng.

Gia đình không có ruộng vườn để canh tác, bà cũng không đủ sức khỏe đi làm thuê. Thế nên dẫu thuộc hộ cận nghèo, bà cũng chỉ đành ở nhà nội trợ, chăm cậu con trai nhỏ.

Mọi chi phí trong nhà đều trông chờ vào công việc bán vé số dạo của ông Song. Vợ đau ốm triền miên, thu nhập không đủ trang trải khiến ông Song gầy ốm, quay quắt trong trăm mối lo âu.

Dẫu vậy, ông vẫn thương yêu người vợ tào khang, cuộc sống vợ chồng chưa một lần sứt mẻ. Thế rồi năm 2019 vợ ông bất ngờ đau nặng. Ông chạy vạy đặt xe, đưa vợ đến bệnh viện khám rồi bàng hoàng phát hiện bà mắc bệnh ung thư vú.

Ngày cầm tờ kết quả xét nghiệm, ông chao đảo muốn ngã quỵ. Gia cảnh nghèo khó, cơm không đủ ăn, ông không biết bám víu vào đâu để có tiền thuốc thang, chạy chữa cho vợ.

Ông tâm sự: “Tôi buồn lắm vì không hiểu sao bất hạnh lại giáng xuống đời mình. Tôi thương vợ, thương con rồi thương bản thân mình. Cứ thế, nước mắt tôi tự nhiên chảy ra. Nhưng rồi tôi cố giấu nỗi buồn lo của mình.

Tôi cố tỏ ra bình thường để làm chỗ dựa cho bà ấy. Vì lúc biết mình bị ung thư, bà ấy khóc nhiều, sức khỏe vì thế sa sút hẳn. Tôi nói rồi bệnh tình bà sẽ thuyên giảm, chỉ cần bà vui vẻ, chịu khó điều trị. Tiền khám chữa bệnh, tôi sẽ cố gắng xoay xở”.

Biết không thể nói suông, ông Song tìm cách vực dậy tinh thần vợ. Ông túc trực bên cạnh, chia sẻ và luôn cho bà thấy mình yêu thương, sẵn sàng làm mọi thứ vì bà.

Ông chăm sóc vợ, dành làm hết việc nhà. Ông tìm những thông tin tích cực về bệnh ung thư để kể cho bà nghe. Cuối cùng, ông đồng hành cùng vợ trong hành trình tìm kiếm phép màu bằng chuỗi ngày vào viện điều trị.

Ông kể: “Xét nghiệm xong, bác sĩ chỉ định vợ tôi phải phẫu thuật, cắt bỏ khối u. Để có tiền phẫu thuật cho vợ, một mặt tôi vay mượn, mặt khác tôi được nhà hảo tâm hỗ trợ.

Ngày vào viện phẫu thuật, bà ấy lo lắng và khóc rất nhiều. Tôi bên cạnh an ủi, nói rằng chỉ cần có cách điều trị thì sẽ cố gắng lo hết việc còn lại”.

Hai năm đầu tiên trong hành trình chữa bệnh, bà Mừng điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Vì nhà ít người, chỉ có ông Song luôn túc trực chăm sóc vợ trong bệnh viện.

Mỗi ngày, trong bệnh viện, ông đút cơm, cháo cho vợ rồi giặt giũ quần áo cho bà. Mỗi đêm, ông nằm mình trần trên nền gạch dưới chân giường bệnh của vợ.

Túng thiếu, ông chấp nhận việc cố thu vén cho vợ được ăn, uống đủ chất. Còn mình chờ đến thời điểm các đoàn từ thiện đến phát cơm để chạy ra xin về ăn. Những hôm mưa gió hoặc không có người đến phát cơm từ thiện, ông uống nước trừ bữa.

Thương chồng, hiểu hoàn cảnh gia đình, bà Mừng nhiều lúc cố tình ăn ít lại, chừa cho ông ít cơm, cháo trong khẩu phần ăn của mình. Ông Song lại cố nuốt nỗi cay đắng vào lòng để tránh cảnh nước mắt chan cơm trước mặt vợ.

Nỗi đau cuối cùng

Sống bám hành lang bệnh viện ít lâu, ông Song được tin vợ phải chuyển sang Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cơ sở 2 tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) để hóa, xạ trị. Ông lại tay xách nách mang, mò mẫm đưa vợ đến nơi điều trị mới.

Những ngày ấy, khi nhìn thấy các vết sẹo to tướng trên ngực vợ, ông Song rơm rớm nước mắt. Ông càng đau khổ khi biết vợ suy sụp tinh thần, tuyệt vọng đến cùng cực. Phải cố gắng lắm, ông mới thuyết phục được bà chấp nhận việc hóa, xạ trị.

Để kiềm chế khối ung thư, bà Mừng phải hóa, xạ trị 20 ngày/lần. Không có tiền thuê trọ, không thể sống bám bệnh viện, ông Song đành đưa vợ về nhà. Ở quê, sau khi lo cơm nước, thuốc thang xong cho vợ, ông mới đi bán vé số.

W-ung-thu-1.jpg
Trước đây, mỗi khi đưa vợ lên TP.HCM điều trị bệnh, ông Song đều đến tá túc tại nhà một vú vì không đủ tiền thuê phòng trọ

Những ngày đầu sau khi hóa, xạ trị, sức khỏe của bà Mừng có cải thiện khiến ông Song rất đỗi vui mừng. Ông cố gắng nhận nhiều vé số, đi bán nhiều hơn để mong có thêm tiền trả nợ, điều trị bệnh cho vợ.

Không có xe máy lại không biết chạy xe đạp, ông Song đành đi bộ bán vé số dạo. Thời gian vợ bệnh, ông càng phải đi nhiều nên hôm nào về nhà, hai chân ông cũng rã rời, tê mỏi. Dẫu vậy, ông vẫn cố gắng chăm vợ, dìu bà đi lại, cùng bà lên TP.HCM vào thuốc khi đến kỳ hẹn.

Ông chia sẻ: “Những lần đầu, thấy bà ấy tươi tỉnh, tôi cũng cho đi một mình. Nhưng mỗi lần như vậy, bà ấy thường đánh mất đồ đạc cá nhân. Sau này, tôi mới biết, sau khi vào thuốc, bà ấy rất đau đớn, người mệt mỏi đến mức không nhớ, không làm được việc gì.

Sau này, tôi không cho bà ấy đi một mình nữa. Cứ đến ngày bà ấy vào thuốc, tôi lại bỏ mọi việc để đưa bà ấy lên TP.HCM”.

Để kịp ngày hóa, xạ trị cho vợ, ông Song bắt xe đến trước 1 ngày. Đến TP.Thủ Đức, ông đưa bà vào tá túc tại nhà một vú. Đây là căn nhà trọ do bà Nguyễn Thị Phượng (56 tuổi) đứng ra thuê để cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn cuối, có hoàn cảnh khó khăn đến ở miễn phí.

Thời gian tại đây, ông cũng nằm nền gạch, đợi trời sáng đưa vợ vào bệnh viện. Thông thường, các bệnh nhân khác tại đây sẽ cùng nhau vào bệnh viện hóa, xạ trị. Tuy nhiên, ông Song quá thương vợ, lo sợ bà vì nắng nóng mà ngất xỉu giữa đường nên nhất quyết đi cùng.

Sau mỗi đợt hóa, xạ trị, bà Mừng lại trở về trong trạng thái mặt đỏ gay, hai mí mắt sưng phù, cơ thể mệt mỏi, đau nhức toàn thân. Ông Song sau khi dìu vợ về nhà một vú lại chạy vạy vắt nước cam, nước chanh cho bà uống.

Sau này, khi đã quen với cuộc sống và những bệnh nhân khác tại nhà một vú, ông Song học cách xoa bóp cho vợ mỗi khi bà vừa hóa, xạ trị về. Dù lâm bạo bệnh, thời gian ở cõi tạm tính từng ngày nhưng sự tận tình của ông Song khiến bà Mừng hạnh phúc, hãnh diện.

Cách đây 6 tháng, bà Mừng tiếp tục đau nặng. Ông Song tức tốc gọi xe, đưa bà lên TP.HCM. Ông lại nằm nền gạch, luôn nắm lấy tay vợ để chắc chắn bà vẫn ở bên cạnh mình. Thế nhưng cũng chẳng được bao lâu.

Ông Song chia sẻ: “Đêm hôm đó, khoảng 23h, bà ấy bỗng nhiên thổ huyết. Tôi biết thời khắc cuối cùng của bà ấy đã đến nên đưa về nhà. Sáng hôm sau, bà ấy ra đi.

Chưa lúc nào trong đời, tôi đau đớn, buồn khổ và rơi nước mắt nhiều như thế. Bây giờ nhớ lại, tôi thấy khoảng thời gian chăm sóc bà ấy, cùng bà ấy trong bệnh viện dù khó khăn, khổ cực nhưng thật hạnh phúc, ấm áp biết bao”.