Nhưng cuộc sống vẫn phải hy vọng và vẫn phải làm việc phải sống. Tết đến Xuân về, chợt nghĩ đến một năm dịch giã vui buồn, nghĩ đến mất mát là tôi lại chạnh lòng xót xa kiếp người và nghĩ nước mắt mồ côi.
Chẳng biết do trùng hợp hay tạo hóa sắp đặt, ngày 19/11/2021 nước ta làm lễ tưởng niệm đồng bào đã mất trong đại dịch thế kỷ Covid-19 thì nguyệt thực cũng xảy ra.
Tưởng niệm và nguyệt thực. Vũ trụ hà sa và kiếp người hữu hạn. Dường như dịch giã tang tóc đau thương đã làm cho vũ trụ và con người cùng xót thương, thổn thức. Có lẽ sau những mất mát, khổ đau, kiệt quệ thì cũng phải tới lúc “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, cuộc sống mới với trạng thái bình thường cũng sẽ đến với nhân loại trên trái đất này.
Cho đến nay, thế giới đã có hơn 360 triệu người lây nhiễm virus Sars-Cov-2, và gần 6 triệu người chết vì đại dịch thế kỷ Covid-19. Kinh tế đình đốn. Tài chính khủng hoảng. Các chuỗi cung ứng đứt đoạn. Người người thất nghiệp, nhà nhà khó khăn… Đại dịch Covid-19 cũng đã kịp càn quét vào nước ta làm cho hơn 2,3 triệu người lây nhiễm và hơn 38 ngàn người chết.
Trao quà cho trẻ em trong khu cách ly tại Thuận An (Bình Dương). Ảnh: TTXVN |
Những đêm thâu cách ly, những ngày dài phong tỏa, những chặng đường dằng dặc chạy dịch về quê lánh nạn… Ai cũng biết, ai cũng xót thương. Nhưng còn nỗi đau và nước mắt thân phận mồ côi thì mấy ai biết được?
Đến nay, đại dịch Covid-19 đã làm 2.532 trẻ em rơi vào cảnh mồ côi (81 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ). Số trẻ mồ côi tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Nam. Ở TP.HCM có gần 2.000 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, trong đó có 48 trẻ mồ côi cả cha mẹ, người nuôi dưỡng.
Tôi không tưởng tượng nổi các cháu sẽ ra sao khi nhìn thấy bố mẹ mất, khi nghe tin bố mẹ chết. Tôi là người đàn ông đã trưởng thành, đã trải nghiệm, bước chân đi khắp mọi miền đất nước, đi cả ra ngoài biên giới, đi qua khói lửa chiến tranh, chứng kiến đồng đội bị thương, hy sinh, và cũng cận kề cái chết; vậy mà khi biết tin bố mất, mẹ mất còn choáng váng, bàng hoàng, thì những đứa trẻ như con chim non mới ra ràng sẽ ra sao khi bố mẹ chúng ra đi?
Có không ít phận mồ côi thương tâm do đại dịch… Hai anh em Nguyễn Đức Bảo ở phường Tam Phú, TP Thủ Đức nằm trong số đó.
“Cha bị sốt mấy ngày, rồi đột ngột khó thở và mất tại nhà. Lúc này 3 mẹ con em đều dương tính với Covid-19, được đưa đi điều trị. Hơn chục ngày sau, mẹ cũng theo cha". Bảo đang học lớp 11. Anh trai Bảo không may bị hội chứng Down, lúc nào cũng ngơ ngác, ngây thơ như một đứa trẻ không chịu lớn.
Cha mẹ mất rồi, thử hỏi đứa bé học lớp 11 xoay sở thế nào để sống và nuôi người anh tật nguyền? Thật quá sức, gánh nặng chất chồng lên vai một đứa trẻ.
Thân phận mồ côi từ thuở sơ sinh
Không ít người đã chảy nước mắt khi nghe chuyện thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, 36 tuổi, công tác ở Ban chỉ huy quân sự TP Thủ Đức, Bộ Tư lệnh TP.HCM đỡ đầu 3 đứa trẻ mồ côi.
Trưa 8/8/2021, anh Kiên ôm hũ tro cốt của chị Nguyễn Thị Ngọc Nga, 44 tuổi, mất vì Covid-19 mang đến trao cho gia đình chị ở phường Tân Phú. Anh thật bất ngờ, trong căn nhà trọ ọp ẹp chỉ có một cháu bé 4 tuổi. Cháu cũng nhiễm Covid-19 và đang được những người hàng xóm bị F0 tốt bụng chăm sóc.
Vợ chồng Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên đón bé Bảo Châu về ở với bà ngoại và đưa anh chị của cháu đi thắp nhang cho mẹ |
Hỏi, mới biết cháu tên là Phạm Thị Bảo Châu sinh năm 2017. Vợ chồng chia lìa, mẹ cháu bươn trải nhặt ve chai, bán vé số, lần hồi kiếm sống nuôi con nhỏ. Hai mẹ con bị nhiễm Covid-19, phải đi viện. Cháu may mắn nồng độ virus thấp được bệnh viện cho về điều trị tại nhà, nhưng mẹ thì qua đời.
Trong cơn đại dịch càn quét khắp nơi, gây tang tóc thê lương, ở TP.HCM có 257 trẻ sơ sinh có mẹ là F0. Gia đình chưa có điều kiện đón về, các bé được chăm sóc ở Trung tâm Hope - bệnh viện Hùng Vương.
Đến nay, khi dịch giã đã tạm thời ngơi đi, Trung tâm này đã hoàn thành sứ mệnh, các bé cũng đã trở về gia đình; nhưng trong số đó có 16 trẻ mồ côi chưa một lần được cảm nhận hơi ấm người mẹ. Có bà mẹ chỉ được nhìn con qua tấm ảnh sơ sinh quấn tã lót, rồi mãi mãi ra đi. Có bé từ khi lọt lòng đã không bao giờ có cơ hội được nhìn thấy người mẹ của mình. Thân phận mồ côi ngay từ thuở sơ sinh.
Lớn lên, làm sao các bé nhớ nổi mặt cha mẹ. Các bé lớn hơn một chút có thể còn “cố gắng giữ cho ký ức tồn tại bằng cách làm những việc cả nhà từng làm cùng nhau: làm bánh kếp hoặc chơi ghita. Số khác nữa vẫn đang nắm chặt những gì còn lại, một chiếc gối hoặc một bức ảnh, trong hành trình thích nghi với cuộc sống mới ở đó có dì, chú và anh chị em bước vào để lấp đầy khoảng trống”. Có thể nói trong dịch giã Covid và cả sau này nữa, các cháu sẽ thiếu vắng cả vật chất, cả tình cảm cha mẹ, cuộc sống trầm lặng mỗi khi nhớ về cha mẹ.
Chỉ ai sống phận mồ côi mới chia sẻ, mới đồng cảm thực sự với hơn 2.500 bé đang bơ vơ hoặc thiếu cha, hoặc vắng mẹ, hoặc mất cả bậc sinh thành: “Thân con trơ trội giữa đời bơ vơ/ Đường trần không cha vắng mẹ một ngày/ Ai khuyên ai nhủ lo từng giấc ngủ miếng ăn/ Những đêm trở lạnh canh dài/ Còn ai sửa gối kéo mền đắp cho”.
Hy vọng có nhiều cha mẹ nuôi
Bố, mẹ đã ra đi thì cũng đã ra đi rồi. Nước mắt chảy mãi rồi cũng đến lúc cạn. Con người vẫn phải sống, và sống trong hy vọng, hướng về tương lai. Hiện nay, chính quyền và đồng bào đang làm hết mình cả về vật chất lẫn tình cảm để bù đắp nỗi mất mát của các cháu mồ côi trong đại dịch Covid -19.
Nhiều người đã nhận và đang muốn nhận các cháu mồ côi làm con nuôi, làm con đỡ đầu. Làm gì thì làm, cũng nên để các cháu sống trong môi trường gia đình, sống cùng nhau, đừng tách anh một nơi em một nẻo.
Sống cùng người thân trước đã, cùng lắm mới phải thay đổi sống môi trường mới. Quan tâm bù đắp tình cảm thiếu cha vắng mẹ cũng quan trọng như san sẻ, chăm lo vật chất, tài chính phụ giúp các cháu vào đời.
Chẳng hạn việc thiếu tá Nguyễn Trung Kiên ở Ban chỉ huy quân sự TP Thủ Đức chắp mối tìm được anh 10 tuổi, chị 8 tuổi đang sống cùng bà ngoại 87 tuổi của “cháu bé 4 tuổi một mình nhận tro cốt người mẹ” để sum họp một nhà và anh nhận làm cha nuôi đỡ đầu cả 3 đứa trẻ là hợp lý hợp tình, cảm động.
Mong muốn và hy vọng có nhiều cha nuôi, cha đỡ đầu như thiếu tá Nguyễn Trung Kiên. Bởi nước mắt trẻ thơ mất mát cha mẹ không chỉ trong đại dịch Covid-19, mà phận mồ côi là cả đời người.
Tết Nguyên Đán, những đứa trẻ mồ côi rưng rưng nhớ cha, ngóng mẹ đã đi xa, nhưng có cha mẹ nuôi, cha mẹ đỡ đầu thì căn nhà trống vắng sẽ đỡ quạnh hiu, sẽ ấm áp lên nhiều.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh
Nước mắt mồ côi
Tôi không định viết về từng gia cảnh đau buồn mỗi lần đi thăm các cháu mồ côi do Covid vì kể sao cho hết. Nhưng, có những câu chuyện cứ trĩu nặng trong lòng...