- “Để kiếm được chút tiền gửi về cho gia đình, chúng tôi phải chấp nhận đánh đổi sức khỏe, đánh đổi tình cảm và rất rất nhiều thứ khác...”, anh Nguyễn Khánh Toàn, công nhân ngành CN nặng tại tỉnh Hiroshima, Nhật Bản, tâm sự.

Năm 29 tuổi, anh Toàn rời Việt Nam đi khuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Nhật Bản khi con trai đầu lòng mới tròn 1 tuổi. Đến nay, hơn 3 năm đã trôi qua, anh vẫn nhớ như in cái khoảnh khắc vợ chồng, cha con chia tay bịn rịn.

“Tôi ôm con trong tay mà không nỡ rời xa. Đến khi phải quay lưng đi, vợ khóc, chồng khóc, chỉ có con trai là cười vì chẳng biết bố sẽ vắng nhà trong thời gian dài …”, anh Toàn xúc động kể.

{keywords}
Sự khác biệt về thời tiết, văn hóa, tác phong lao động... khiến nhiều công nhân gặp khó khăn trong thời gian đầu mới sang

Anh cho biết: “Trước khi quyết định nộp hồ sơ đi XKLĐ, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi băn khoăn sau 3 năm, tôi sẽ được gì và mất gì? Cái được đầu tiên và lớn nhất là kinh tế bởi tôi sẽ có một khoản tiền kha khá khi trở về. 

Nhưng 3 năm tôi đi, ở nhà, bố mẹ vợ con tôi sẽ sống thế nào khi vắng tôi? Ở nơi đất khách quê người, ngôn ngữ bất đồng, không bạn bè người thân, tôi sẽ trải qua ra sao? Chưa kể đến vô vàn những khó khăn, rủi ro khác mà tôi chưa mường tượng hết… Nhưng rồi cuối cùng, tôi vẫn quyết định đi”.

Anh chia sẻ tiếp: “Sau khi sang Nhật, chúng tôi được đưa đến vùng nông thôn ven biển thuộc tỉnh Hiroshima, một tỉnh miền Trung của nước Nhật.

Tại đây, chúng tôi làm công việc của một công nhân cơ khí đóng tàu. Đồng lương được trả cùng tiền tăng ca, sau khi trừ chi phí ăn uống, nhà cửa… mỗi người chúng tôi có thể gửi về cho gia đình 20 - 30 triệu/tháng. 

Đây là số tiền hậu hĩnh và có thể nói là cao so với thu nhập nói chung ở Việt Nam hiện tại. Nhưng cái giá để có được số tiền lương đó là không hề rẻ”.

Theo lời anh Toàn, tại tỉnh Hiroshima, anh phải làm việc ngoài trời và địa điểm làm việc gần biển. Mùa hè thời tiết ở đây nắng nóng, còn mùa đông rét khủng khiếp. 

Cái lạnh xuống đến -1, -2 độ C, tuyết rơi cả xuống mặt, xuống đầu nhưng các công nhân vẫn cứ phải hoàn thành công việc. Thậm chí trời mưa, công nhân cũng phải mặc áo mưa để làm chứ không được nghỉ.

“Chỉ khi gió to, bão lớn, công ty sợ ảnh hưởng đến tính mạng con người, họ mới cho công nhân nghỉ”, anh Toàn nói.

{keywords}
Tại Nhật, mọi quy định nơi làm việc đều chặt chẽ và rất nghiêm ngặt

Theo anh Toàn, bên cạnh sự khác biệt về thời tiết khiến nhiều người Việt mới sang bị ốm liên tục thì nguyên tắc làm việc nghiêm khắc, chuyên nghiệp và yêu cầu cao của người Nhật cũng là thử thách rất lớn đối với họ.

“Người Nhật rất chuyên nghiệp, họ yêu cầu mọi thứ phải chỉn chu, ngay cả giờ giấc cũng phải chuẩn đến từng phút. Ở Việt Nam, đến muộn 10 - 15 phút, nhìn thấy sếp có khi chỉ cần cười xòa nhưng ở đây thì khác”, anh Toàn nói.

Anh cho biết, quy định của công ty bắt đầu làm việc từ 8 giờ sáng nhưng đúng 8 giờ kém 10 phút, tất cả các công nhân phải có mặt để chấm công. Những người đi sau giờ này sẽ không được chấp nhận. 

Sau đó, tất cả công nhân cùng tập thể dục trong 5 phút. 8 giờ, người quản lý sẽ đọc công việc phải làm cho từng người trong ngày. 8 giờ 5 phút, cả công ty ai vào việc nấy.

Trong quá trình làm việc, tất cả các công nhân đều phải nghiêm túc, không được tùy tiện ngồi nghỉ như khi làm việc ở Việt Nam.

Tại công ty, bên cạnh hệ thống camera, người quản lý công nhân luôn cầm trên tay cuốn sổ và chiếc máy ảnh loại tốt. Từ xa, người này có thể chụp cận mặt những công nhân đang vi phạm quy định nơi làm việc. 

Sau đó, anh ta chuyển ảnh và thông tin lên phòng quản lý. Hôm sau, phòng quản lý sẽ mời những người vi phạm đó đến giải quyết.

“Tất cả đều rất rõ ràng và chuyên nghiệp nên không ai có thể chối cãi. Cũng vì sự chuyên nghiệp này mà tôi thay đổi tư duy và đã cải thiện năng suất, chất lượng cũng như hiệu quả công việc được rất nhiều”, anh Toàn nói.

Theo VnEconomy, năng suất lao động bình quân của người Việt vẫn đang ở mức rất thấp so với một số nước trong khu vực. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% của Singapore. Như vậy, mỗi người Singapore làm việc có năng suất bằng 23 người Việt cộng lại.

Ngoài ra, năng suất lao động của người Việt cũng chỉ bằng 17,4% của Malaysia, 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Philippines và 48,8% của Indonesia.

Cũng trên VnEconomy, Bà Bùi Thị Hồng Liên, nguyên Giám đốc FPT Japan, Tổng giám đốc FPT Software cho rằng, nếu có quy trình làm việc tốt hơn, chắc chắn năng suất làm việc của người Việt Nam sẽ tăng đáng kể. Với kinh nghiệm đã đưa hàng nghìn lao động Việt Nam sang Nhật, bà Liên đưa ra một phép so sánh: "Cùng một anh kỹ sư đó, khi đưa sang Nhật làm theo quy định giờ giấc và quy trình làm việc chuẩn của Nhật, thì năng suất lao động của anh ta đã tăng gấp 2 - 3 lần, thậm chí cao hơn".

(còn nữa)

Minh Anh (Ảnh: NCVV)