“Sẵn lòng yêu thương người dưng vô điều kiện”
Những ngày qua, câu chuyện về người vú nuôi tên Trần Thị Năm (SN 1962) có tấm lòng nhân hậu của chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (TP.HCM) khiến cộng đồng mạng nghẹn ngào, rơi nước mắt. Gia đình chị Ánh thường gọi bà Năm bằng cái tên thân thương là má Năm.
Bà Năm không có họ hàng với gia đình chị Ánh. Bà chỉ là hàng xóm của bố mẹ chồng chị. Thế nhưng sự tử tế và tấm lòng nhân hậu của bà lan tỏa khắp nơi. Ở quê, không ai không thương bà Năm.
Bà nghèo lắm lại còn khổ nữa. Lúc mang thai đứa con trai được 3 tháng, chồng bà qua đời. Thương con, bà không đi bước nữa mà ở vậy, lam lũ nuôi con. Ở quê, đi làm thuê, mỗi ngày, bà Năm chỉ đủ tiền mua ký gạo, ký cá khô, ít nước mắm để sống qua ngày.
Nghèo khó là vậy nhưng bà thương người khó hơn mình vô cùng. Dịp lễ, Tết được mạnh thường quân tặng quà, bà lại đem đi gửi cho người khổ hơn. Bà tử tế đến nỗi khi được những người trong xóm góp tiền, xây tặng căn nhà tình thương, bà cũng từ chối nhận.
Má Năm chăm sóc con của chị Ánh từ lúc bé còn rất nhỏ. |
Bà nói, bà vẫn còn con trai và mình còn đi làm được. Bà xin nhường lại căn nhà cho người cần hơn. Thậm chí, trong lúc tuyệt vọng, cần tiền nhất để chữa bệnh ung thư, bà cũng cố tìm và trả lại số vàng mà mình nhặt được trong lúc đi đường.
Chuyện xảy ra vào năm bà Năm phát hiện mình mắc ung thư thận. Khi biết số tiền điều trị rất lớn, vượt qua khả năng của gia đình, bà tuyệt vọng cùng cực. Giữa lúc ấy, bỗng nhiên bà nhặt được 1 lượng vàng ai đó đánh rơi trên đường.
Thời điểm đó, với số vàng trên, bà hoàn toàn có thể chi trả chi phí cho quá trình điều trị căn bệnh ung thư của mình. Thế nhưng bà lại ra sức tìm kiếm và trả lại số vàng trên cho người bị mất. Cảm động trước tấm lòng của bà, người đánh rơi vàng sau khi được bà trả lại tài sản đã tự nguyện chi trả hết chi phí xạ trị, phẫu thuật cắt bỏ khối u cho bà.
Những tháng ngày đến nhà làm vú nuôi, chăm con nhỏ cho chị Ánh, bà Năm tiếp tục khiến chị cảm động vì sự tử tế, chu đáo của mình. Chị kể: “Má chăm bé từng miếng ăn giấc ngủ, tận tuỵ, yêu thương như chăm cháu ruột của mình. Má cũng yêu thương các thành viên khác trong gia đình tôi”.
“Nhà tôi còn có 1 chị giúp việc. Có lần, thấy chị ấy muốn mua bộ đồ nhưng không đủ tiền, má Năm liền đề nghị với tôi là cùng nhau góp tiền mua tặng chị. Tôi mua bộ drap tốt cho má và con nằm, má cũng xin gửi tiền để tôi đỡ cực... Tôi chưa thấy ai sẵn lòng yêu thương người dưng vô điều kiện như má”, chị chia sẻ thêm.
Chỉ mong sống đến lúc người mới chăm được con cho chủ
Nhân hậu là vậy mà bà Năm luôn đeo mang bạo bệnh. Cách đây nhiều năm, bà Năm lại nổi bướu ác tính. Cái bướu hành hạ khiến bà đau đớn vô cùng.
Đi khám, bác sĩ lắc đầu nói không còn cách điều trị. Bà chỉ có thể ăn kiêng để nuôi hi vọng kéo dài thêm sự sống.
Bà luôn mong được bên cạnh, chăm sóc bé cho đến khi bé lớn lên, đi nhà trẻ. |
Kể từ đó, bà Năm chỉ ăn cơm với nước tương, nước mắm. Lâu lâu, bà mới dám ăn một miếng cá kho bé tí. Má cứ cố gắng như thế để sống cùng con và chờ đợi ngày được ẵm bồng cháu nội. Có lẽ vì thế mà bà thương yêu con của chị Ánh hết mực.
Bà thương đứa bé như thương yêu chính khúc ruột của mình. Bà kiên nhẫn, chăm sóc cho bé chu đáo hơn cả chị Ánh dành tình thương cho đứa con ruột. Chị Ánh kể: “Má thương con tôi đến nỗi luôn cầu mong có sức khỏe để chăm sóc bé đến khi bé đủ tuổi đi nhà trẻ”.
“Má nói đến lúc đó, má xin ở lại chơi với bé lúc chiều tối, chăm bé vào buổi sáng trước khi bé đi học và không nhận tiền lương. Mỗi khi tôi đòi mua máy móc để má chăm bé đỡ cực, má luôn gạt đi. Má nói tôi để dành tiền mà xây nhà. Tôi mua bánh cho má ăn, má cũng giận, nói tôi tiêu hoang. Ẵm bé đi chích ngừa, bé đau, khóc, má cũng nước mắt lưng tròng…”, chị kể thêm.
Chị Ánh nhớ lần đưa con đi tiêm ngừa về bé sốt cao, bà Năm thức thâu đêm chăm sóc. Thương bà, chị Ánh đến giúp liền bị bà đẩy về phòng. Bà lo chị không đủ sức khoẻ để đi làm.
Biết gia đình chị Ánh thương quý mình, nhiều lần bà Năm tình nguyện xin giảm lương và không nhận thêm bất cứ khoản bồi dưỡng nào khác.
Thậm chí vào lễ Giáng sinh vừa qua, khi phát hiện chị Ánh tặng thiệp mừng kèm một số tiền nhỏ cho mình, bà đùng đùng nổi giận. Ban đầu, bà xúc động đến phát khóc và nói, mấy chục năm đi làm thuê, đây là lần đầu tiên bà được tặng thiệp Giáng sinh.
Tuy nhiên, bà chỉ xin nhận tấm thiệp, còn tiền bà nhất định gửi lại cho vợ chồng chị Ánh. “Má nói nếu tôi không nhận lại tiền, má sẽ lấy 1 bộ quần áo của con tôi rồi về quê luôn. Má lấy đồ của con tôi để khi nhớ bé thì lấy ngửi hơi cho đỡ nhớ chứ không ở lại với tôi nữa”, chị Ánh kể.
Má Năm luôn dành tình yêu thương cho mọi người, đặc biệt là trẻ em. |
Cách đây ít ngày, chị Ánh thấy bà Năm khóc. Chị biết căn bệnh quái ác lại hành hạ bà khiến bà khó thở, ngực, đầu đau thắt từng cơn. Thế rồi trong nước mắt giàn giụa, bà Năm nói chị Ánh hãy tìm cho bé người vú nuôi mới. Bà sợ mình không còn cố gắng thêm được nữa.
Chị kể: “Má nói khi tôi tìm được vú mới, má sẽ ở lại với tôi để hướng dẫn, chỉ cho người này biết cách chăm bé. Má nói má ráng thêm vài tháng, đến khi người mới có cảm tình với bé rồi sẽ về quê sống lay lắt những ngày cuối đời. Hôm đó, tôi khóc, má cũng khóc!”.
Bà nói với chị Ánh rằng, phải giao em bé cho người khác chăm, bà tủi thân, đau lòng lắm nhưng không còn cách nào khác. Bà sợ nếu cứ cố chấp, nhỡ mình ra đi bất ngờ sẽ không có ai chăm bé. Má Năm cũng sợ bà vú mới chưa kịp có tình cảm với bé sẽ không tận tuỵ, thương yêu bé như mình nên cứ cố gắng chống chọi với bệnh tật.
Chị Ánh chia sẻ: “Rồi má sợ tôi vì lo lắng, thương má mà không đi làm được, sợ tôi thức đêm chăm con lại kiệt sức... Má là thế. Không thân thích, họ hàng và đang đau đớn đến vậy mà má vẫn một lòng lo nghĩ cho tôi như thế”.
“Giờ tôi chẳng mong gì ngoài việc má khoẻ mạnh. Tôi thương má và xem má như người mẹ thứ ba của mình. Tôi mong má mạnh khoẻ để sống với gia đình tôi, chờ ngày con tôi khôn lớn và báo hiếu cho má. Thương má biết bao nhiêu…”, chị Ánh nói trong niềm xúc động dâng trào.
Bài: Nguyễn Sơn
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chủ nhà quyên góp gần 1 tỷ đồng cho giúp việc chữa bệnh
Một gia đình ở Singapore đã đứng ra kêu gọi quyên góp 120.000 đô la Sing (hơn 2 tỷ đồng) cho người giúp việc chữa bệnh. Đến nay, họ đã nhận được gần một nửa số tiền.