Xuất khẩu còn rất khiêm tốn
Tại hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm: Định hướng và Giải pháp”, ông Lê Thanh Hoà - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho biết, cả nước hiện có hơn 4.200 cơ sở sản xuất nước mắm với sản lượng trung bình năm 2020 đạt gần 380 triệu lít.
Những năm gần đây, nước mắm không chỉ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước, mở ra cánh cửa quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt Nam với bạn bè quốc tế, mang lại lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.
Theo ông Hoà, xuất khẩu nước mắm bình quân cả nước mới đạt tỷ lệ khoảng 12,6% so với tổng sản lượng. Trong đó, thị trường châu Á chiếm hơn 54%, châu Úc hơn 18%, châu Âu hơn 13% và châu Mỹ hơn 13%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nước mắm từ 23,45 triệu USD năm 2020 tăng lên 28,5 triệu USD năm 2021.
“Tiềm năng xuất khẩu của các sản phẩm nước mắm Việt Nam còn rất lớn, nếu các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mạnh về công nghệ sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm đạt được các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế để vào được các thị trường khó tính thì giá trị xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ tăng mạnh”, ông nhận định.
GS. TS Lưu Duẩn - Trưởng ban tư vấn Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam - cho rằng, nước mắm Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt tại các thị trường xuất khẩu. Mặc dù thương hiệu được đánh giá cao, tuy nhiên, thị phần nước mắm Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với Thái Lan.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2021 nếu Việt Nam xuất khẩu nước mắm đạt 28,5 triệu USD thì sản lượng nước mắm xuất khẩu của Thái Lan năm 2019 khoảng 27 triệu lít, thu về tới 70 triệu USD.
Bỏ tư duy cứ cá ươn... mới đem làm nước mắm
Theo GS. TS Lưu Duẩn, việc đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm cần sự hợp sức của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam cũng như các cá nhân, nhà khoa học trong việc kết nối và tìm ra các giải pháp mang tính thực tiễn cao.
Các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nước mắm cần đầu tư kinh phí nhiều hơn để thay đổi công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như HARPC, HACCP, ISO 22000,... nhằm đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, Úc, châu Âu. Ngoài ra, cần đầu tư, nghiên cứu đa dạng mẫu mã, bao bì cho sản phẩm sang trọng, tiện lợi, hấp dẫn.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định tiềm năng xuất khẩu nước mắm của Việt Nam còn rất lớn. Theo ông, sản xuất nước mắm là nghề cha ông ta để lại, có lịch sử lên tới vài trăm năm, sản phẩm nước mắm trên thị trường hiện rất đa dạng, đáp ứng cả nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông cũng nhắc lại câu chuyện khi gieo hạt đã phải tính đến thị trường, nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng từng thị trường để sản xuất ra sản phẩm phù hợp. Từ đó, ông yêu cầu Hiệp hội Nước mắm Việt Nam nên nghiên cứu để khôi phục và phát huy các mô hình, làng nghề chế biến nước mắm; xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu nước mắm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP. Thậm chí có thể xây dựng những mô hình chuẩn ở Phú Quốc để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm nhằm quảng bá thương hiệu.
Còn về phần sản xuất, cần thay đổi tư duy cứ cá ươn, cá không bán tươi, cấp đông, phơi, sấy khô được thì mới đem làm mắm. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cả về số lượng, chất lượng, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam nên nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xây dựng đội tàu chuyên khai thác cá làm mắm, ướp muối ngay trên tàu để đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến nước mắm, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Đồng thời, theo ông Lê Thanh Hoà, cần nghiên cứu thị hiếu, mở rộng thị trường xuất khẩu với sự đa dạng về chủng loại nước mắm; đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các quy định về ATTP của các thị trường. Từng bước xây dựng thương hiệu quốc gia cho nước mắm Việt Nam.
TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, bày tỏ muốn phát triển ngành hàng nước mắm của chúng ta giống như ngành hàng rượu vang của một số nước trên thế giới. Ở đó, có sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa khoa học và truyền thống, giữa tinh hoa lâu đời và thước đo công nghệ chính xác để cho ra hàng triệu chai nước mắm ngon có chất lượng đồng nhất và phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng ở nhiều thị trường.
Tâm An
Có lịch sử 500-600 năm, nhưng DN sản xuất nước mắm chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Các nhà sản xuất cần đổi mới công nghệ sản xuất nước mắm nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng tầm thương hiệu,... thu ngoại tệ về cho đất nước.