Đã từng xảy ra một “cuộc chiến” giữa các doanh nghiệp tại TP.HCM và các nhà thùng nước mắm Phú Quốc.
Người tiêu dùng thắc mắc không hiểu vì sao gần đây rất ít nhìn thấy nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc trên thị trường, do vậy muốn mua cũng khó. Vậy nước mắm Phú Quốc “biến” đi đâu?
Để tìm câu trả lời, chúng tôi khảo sát nhiều cửa hàng, chợ, siêu thị và nhận thấy nếu trước đây thương hiệu nước mắm này được bày bán rất nhiều thì nay không dễ tìm. Lý do là nếu trước đây, trên chai nước mắm luôn có chữ nước mắm Phú Quốc đi kèm với nhãn hiệu riêng như Hồng Hạnh, Hưng Thịnh, Liên Thành... thì nay trên các chai nước mắm chỉ còn nhãn hiệu riêng của doanh nghiệp (DN), không còn thấy hoặc rất hiếm chữ “Phú Quốc”.
Chỉ còn nhãn hiệu riêng
Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, lý giải, từ tháng 10-2014, quy định về quản lý và sử dụng chỉ dẫn “nước mắm Phú Quốc” của tỉnh Kiên Giang được triển khai áp dụng. Theo đó, DN không đóng chai nước nắm tại huyện đảo Phú Quốc thì phải gỡ bỏ dòng chữ “nước mắm Phú Quốc” khỏi nhãn dán trên chai.
Chính vì vậy rất nhiều DN tại TP.HCM đã gỡ bỏ “nước mắm Phú Quốc” ra khỏi nhãn vì có nhà xưởng đóng chai tại TP.HCM, không đóng chai tại huyện đảo Phú Quốc. Trên chai nước mắm chỉ còn tên riêng của DN mà thôi.
“Nước mắm Hạnh Phúc lấy từ nhà thùng Phú Quốc song đóng chai tại TP.HCM nên không ghi dòng chữ này” - ông Lê Vạn Nam, Giám đốc Nước mắm Hạnh Phúc, nói.
Tương tự, ông Trần Hữu Hiền, Giám đốc Công ty Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bảy Hồng Hạnh, cho hay tùy chiến lược kinh doanh của từng DN mà có thể mở nhà máy đóng chai tại Phú Quốc để sử dụng tiếp tên nước mắm Phú Quốc hoặc chấp nhận bỏ dòng chỉ dẫn này, chỉ dùng tên riêng của DN mình.
Người tiêu dùng chọn lựa nước chấm trong siêu thị. Ảnh nhỏ: Mẫu nhãn chung dùng cho chai nước mắm Phú Quốc. Ảnh: Q.NHƯ |
Bảo vệ danh tiếng
Vậy liệu việc “mất tích” tên nước mắm Phú Quốc có gây khó khăn cho DN, người tiêu dùng và làm cho tên tuổi đặc sản này mai một?
Ông Hiền cho biết công ty ông có một nhà máy sản xuất nước mắm tại Phú Quốc. Song việc mở nhà máy sản xuất chai tại Phú Quốc gặp khó khăn về nhân lực, điện… Huyện đảo Phú Quốc cách xa đất liền nên việc đưa chai rỗng ra đảo để sản xuất đóng chai rồi đưa ngược chai nước mắm thành phẩm về đất liền để tiêu thụ gặp khó khăn trong khâu vận chuyển và tăng chi phí.
Ông Trần Việt Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, nói trên thế giới có một số chỉ dẫn địa lý về rượu cho phép mua thùng nguyên liệu và đóng chai tại nơi khác mà vẫn được mang chỉ dẫn địa lý đó, với sự kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng và danh tiếng.
Ví dụ như rượu Scotch Whisky (Scotland, đã đăng ký và đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam), ngoài vùng đóng chai tại Scotland thì còn cho phép đóng chai tại Singapore vẫn được mang chỉ dẫn địa lý Scotch Whisky. Hoặc như rượu Bordeaux (Pháp) cho phép DN được mua rượu thùng về Việt Nam để đóng từng chai lẻ.
“Việc đóng chai ngoài vùng địa lý luôn được các tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý kiểm soát chặt chẽ. Nếu họ phát hiện DN đóng chai có pha trộn, làm mất chất lượng thì họ sẽ cắt quyền dùng chỉ dẫn địa lý ngay” - ông Hùng nói.
Ít mới ngon?
Theo ông Hùng, quy định đóng chai tại Phú Quốc mới được dùng chữ Phú Quốc đã được đưa ra từ khá lâu, trải qua một “cuộc chiến” giữa các DN tại TP.HCM và các nhà thùng ở Phú Quốc.
Ông Hùng thông tin: “Ngay khi đưa ra bàn bạc ở Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Cuối cùng thì quy định nghiêng về phía Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, bởi đây là đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng chỉ dẫn địa lý này. Họ cho rằng việc đóng chai ngoài huyện đảo Phú Quốc có thể xảy ra tình trạng pha tạp, giảm chất lượng, không kiểm soát nổi”.
Trong khi đó, bà Tịnh cho biết:“Việc siết chặt ghi nước mắm Phú Quốc không có nghĩa là giới hạn số sản phẩm hay thu hẹp thị trường. Chúng tôi làm vậy là để người tiêu dùng có thể mua đúng đặc sản này, không lo mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Có thể người tiêu dùng ít nhìn thấy nước mắm Phú Quốc hơn trước nhưng giá trị của tên tuổi này sẽ vững chắc hơn” - bà Tịnh nêu quan điểm.
Một chuyên gia về chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ phân tích chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu cho người tiêu dùng biết nguồn gốc địa lý của sản phẩm, thông qua đó cũng khẳng định chất lượng của sản phẩm. Ví dụ như cà phê Buôn Ma Thuột, xoài cát Hòa Lộc, cam Vinh, bưởi Đoan Hùng.
“Hầu hết sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đều có hạn chế về số lượng do được trồng, sản xuất trên một vùng địa lý có diện tích giới hạn. Việc phát triển các sản phẩm kiểu này không đặt nặng vấn đề tăng số lượng mà tập trung vào giữ gìn chất lượng và tăng giá trị kinh tế của sản phẩm đó” - vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Bảo vệ các nhà thùng Ý nghĩa sâu xa của việc đóng chai tại vùng có chỉ dẫn địa lý Phú Quốc có lẽ còn nhắm đến việc bảo vệ cho các DN nhà thùng tại đây có thể sống còn với nghề truyền thống. Nếu cho phép đóng chai tại nơi khác thì các DN tại Phú Quốc chỉ có thể bán thùng cho DN khác đóng chai và họ gắn tên riêng vào, còn chính nhà thùng thì không được lợi bao nhiêu. Bài toán này dần sẽ khiến nhà thùng suy yếu về kinh tế, mất nghề và nước mắm Phú Quốc cũng bị mai một dần. Luật sư PHẠM VŨ KHÁNH TOÀN, Trưởng Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh Có tiêu chuẩn, quy trình rõ ràng Theo quy định về quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang, nước mắm mang chỉ dẫn địa lý Phú Quốc có màu cánh gián đậm đặc trưng; mùi thơm nhẹ, không mùi tanh, không mùi amôniac; vị mặn, ngọt đậm, béo tự nhiên, có hậu ngọt béo của đạm tự nhiên và béo của mỡ cá; độ đạm từ 20 gN/lít đến 43 gN/lít.
|
(Theo PLTPHCM)