Theo Chỉ số chuyển đổi năng lượng, trong báo cáo Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng hiệu quả năm 2024 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), các quốc gia đã đạt được những bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, sự biến động kinh tế, căng thẳng địa chính trị gia tăng và thay đổi công nghệ làm chậm quá trình chuyển đổi.

Đứng đầu Chỉ số chuyển đổi năng lượng (ETI) là Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Sĩ, đây đều là những nền kinh tế phát triển. Pháp cũng nằm trong danh sách Top 5 nền kinh tế có điểm số cao do các chính sách hiệu quả về năng lượng.

Theo báo cáo, 10 quốc gia đứng đầu chỉ chiếm 2% dân số toàn cầu và chỉ đóng góp 1% lượng khí thải CO2. Các quốc gia này đều tăng cường an ninh năng lượng thông qua kết hợp đa dạng các nguồn năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng sạch, cơ chế định giá carbon và hỗ trợ môi trường pháp lý.

Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Brazil cũng đạt được những tiến bộ đáng kể. Trung Quốc đã đưa vào sử dụng nhiều công suất quang điện mặt trời (PV) vào năm 2023. Brazil có kế hoạch phát triển thủy điện và nhiên liệu sinh học để thu hút nhà đầu tư.

danh sach cac nuoc.jpg
Danh sách các nước đi đầu về chuyển đổi năng lượng. Nguồn: WEF

Estonia, Ethiopia và Lebanon ghi nhận những cải thiện nhanh nhất trong 5 năm qua nhờ vào ưu tiên năng lượng tái tạo ngoài lưới điện để tăng cường khả năng tiếp cận và tính bền vững.

Các nước đang phát triển dẫn đầu chuyển đổi năng lượng là Lebanon, Ethiopia, Tanzania, Zimbabwe và Nam Phi. Các quốc gia này cam kết giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, phân cấp năng lượng tái tạo và tăng số lượng việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Trong danh sách trên, Việt Nam đứng thứ 32.

Theo báo cáo, động lực chuyển đổi năng lượng chậm lại. Ngoài việc tăng cường áp dụng năng lượng gió và mặt trời, việc tiếp nhận đầu tư vào năng lượng sạch vẫn chưa đạt tốc độ cần thiết để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đặc biệt là về hiệu quả năng lượng, hệ thống điện khí hóa và áp dụng các nguồn năng lượng và nhiên liệu carbon thấp.

Nguyên nhân do lạm phát và lãi suất cao đã dẫn đến thị trường năng lượng thắt chặt hơn và giá cao hơn. Các quốc gia đang phát triển khó đầu tư vào các giải pháp năng lượng bền vững.

Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị đã tác động đến tốc độ chuyển đổi của một số quốc gia. Đơn cử, Đức tăng sản lượng than lên 35% vào năm 2022 để bù đắp cho việc giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Báo cáo cũng cho biết vẫn còn những khoảng cách lớn trong động lực chuyển đổi. Gần 85% đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch diễn ra ở các nền kinh tế tiên tiến.

Ngoài ra, AI cũng đang hỗ trợ các chính phủ và công ty năng lượng. Theo nghiên cứu của Accenture, những sáng kiến của AI có thể tiết kiệm 500 tỷ USD hàng năm. 

Theo WEF