
Mỗi sáng, tôi uống một ly nước ấm sau khi thức giấc và 30 phút sau uống thêm nước dừa, cho thêm chút muối. Tôi thấy mình giữ được cân nặng, không tăng và giảm. Gần đây, tôi khám sức khỏe các chỉ số rất tốt. Xin chuyên gia tư vấn ai nên uống nước dừa và dùng buổi sáng lâu dài được không? Tôi xin cảm ơn! (Lê Mai, Hà Đông, Hà Nội)
Lương y Đỗ Minh Tuấn - Hội Đông y Hà Nội tư vấn:
Nước dừa chứa carbohydrate tự nhiên dưới dạng đường dễ hấp thụ, giúp cung cấp năng lượng nhanh chóng. Loại nước này còn được coi như điện giải tự nhiên rất giàu kali, magie, canxi và natri giúp cơ thể phục hồi sau vận động, mệt mỏi hoặc mất nước.
Thời điểm uống nước dừa tốt nhất là vào buổi sáng. Ngoài ra, thức uống này được khuyến cáo uống vào trước hoặc sau khi tập thể dục cũng có lợi.
Trong Đông y, nước dừa có tính hàn, vị ngọt có tác dụng vào kinh tỳ, vị, phế, thận, giúp thanh nhiệt, sinh tân dịch, lợi tiểu, giải độc và dưỡng âm. Thức uống này rất thích hợp cho người bị nóng trong, khô miệng, tiểu gắt, háo khát do mất nước hoặc say nắng.
Tuy nhiên, vì nước dừa có tính hàn, nên với những người có thể trạng dương hư, tỳ vị hư hàn như bị lạnh bụng, tiêu chảy, chân tay lạnh cần dùng đúng cách, tránh gây rối loạn tiêu hóa.

Trong y học cổ truyền, buổi sáng là thời điểm kinh tỳ và vị hoạt động mạnh, nước dừa giúp thanh lọc cơ thể, thúc đẩy tiêu hóa. Loại nước này còn chứa các enzyme hỗ trợ chức năng tỳ vị, tránh tình trạng đầy bụng, khó tiêu.
Theo Đông y, nước dừa có tác dụng sinh tân dịch, bổ âm. Những người hay khô họng, nóng trong hoặc mất nước sau một đêm dài sẽ thấy cơ thể dễ chịu hơn khi uống nước dừa vào sáng sớm.
Nước dừa giàu magie và kali, làm dịu hệ thần kinh, hỗ trợ giấc ngủ ngon. Nhiều bài thuốc trong Đông y dùng nước dừa để dưỡng tâm (an thần) và điều hòa khí huyết. Nếu khí huyết lưu thông, cơ thể sẽ khỏe mạnh. Vì vậy, bạn uống nước dừa buổi sáng thấy hợp nên duy trì, không quá lo lắng.
Những người không nên uống nước dừa vào buổi sáng:
- Người có tỳ vị hư hàn hạn chế uống nước dừa khi bụng đói, có thể uống ấm hoặc kết hợp với gừng để cân bằng.
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu hạn chế uống vào buổi sáng vì nước dừa có tính hàn, dễ gây lạnh bụng, ảnh hưởng đến thai nhi.
- Người huyết áp thấp vì thức uống này có tác dụng hạ huyết áp nếu uống vào buổi sáng có thể gây chóng mặt, mệt mỏi.
- Người có nồng độ kali cao hoặc bệnh thận nên tránh uống nước dừa.
Uống nước dừa chuẩn theo lời khuyên của y học cổ truyền:
Không uống ngay khi thức dậy: Hãy uống một cốc nước ấm trước, sau đó mới uống nước dừa để tránh kích thích dạ dày.
Uống ấm tốt hơn uống lạnh: Nếu sợ lạnh bụng, bạn có thể để nước dừa ở nhiệt độ phòng hoặc pha thêm chút gừng.
Không uống quá nhiều: Mỗi ngày chỉ nên uống 150 - 250ml (khoảng 1/2 trái dừa), tránh gây rối loạn điện giải.
Có thể kết hợp thảo dược: Uống nước dừa với mật ong, hạt sen hoặc lá dứa giúp tăng cường lợi ích sức khỏe.


Sự thật tác dụng hạ men gan của chuối và nước dừa
