Theo nghiên cứu và khảo sát của giáo sư Richard Heeks thuộc trường Đại học Manchester (Anh) thì ước tính hiện nay toàn thế giới có khoảng 500.000 người chủ yếu là từ các nền kinh tế đang phát triển chuyên kiếm sống bằng cách “cày” tài sản ảo trong các game online để bán cho những người chơi khác.
Điều đáng chú ý là lực lượng này ở Trung Quốc đông đảo nhất khi họ chiếm tới 80% tổng số tức khoảng 400.000 người với mức thu nhập khoảng 77 bảng Anh (145 USD) mỗi tháng.
Các hoạt động này càng ngày càng sôi nổi bất chấp nỗ lực của các nhà phát hành game trong việc hạn chế mua bán bằng tiền mặt các vật dụng trong game.
Theo giáo sư Richard Heeks thì hình thức điển hình nhất chính là việc kiếm vàng (tiền) ảo trong game. “Đó đơn thuần chỉ là một nghề hết sức thủ công nhưng bằng sự thủ công đó người ta có thể kiếm được hàng chục ngàn USD”, giáo sư Heeks nói.
Một số “lao động” còn kiếm tiền bằng dịch vụ “tăng cấp” cho nhân vật trong game của người khác. Bằng nhiều thủ thuật nhưng hầu hết đều là thủ công, họ đã đưa cấp độ của nhân vật kia lên cao một cách nhanh chóng mà chủ nhân đích thực của nó không có điều kiện và nhiều khi là không thể làm được.
Các “hoạt động kinh tế ảo” này sẽ đạt doanh thu khoảng 500 triệu USD trong năm 2008. Nhưng cũng theo giáo sư Heeks thì đây chỉ là con số ước tính của ông và các đồng nghiệp bởi lĩnh vực này rất khó tính toán chính xác và trên thực tế ông tin rằng nó còn có thể lớn hơn rất nhiều. ít nhất là gấp đôi.
“Thậm chí nghề “cày” tiền vàng ảo này có thể so sánh được với quy mô của nghành công nghiệp thuê ngoài (outsourcing) của Ấn Độ”, giáo sư Richard Heeks nói, “Năm 2004, số lượng nhân công trong ngành công nghiệp phần mềm của Ấn Độ đã vượt qua mốc 400.000 và hiện nay đang tiến gần đến mốc 900.000 người. Chính vì vậy hoạt động kiếm đồ ảo trong game online không chỉ có thể so sánh được về quy mô mà còn cả về lợi nhuận hay các tiêu chí khác”.
Đây là một thực trạng rất đáng báo động bởi lẽ đã có không ít những hành vi tội phạm nảy sinh như lừa đảo, ăn cắp và kéo theo những hậu quả xấu khác về mặt xã hội. Các “kênh chát” trong game giờ đây tràn ngập những lời lẽ thiếu văn hóa và những đoạn quảng cáo cho các website hacking tiền, vàng.
“Các nhà cung cấp game đang tỏ ra bất lực” Steven Davis – Giám đốc hãng bảo mật game Secure Play phát biểu, “Họ vẫn cố gắng hạn chế các hành vi mua bán vàng ảo hay vật dụng trong game nhưng rất ít hãng dám nói rằng họ đã thành công”.
theo BBC