- "Nếu ta chỉ tập trung xây một nhà hát thật lớn, thật đẹp như những nhà hát lớn nổi tiếng trên thế giới thì chưa chắc số tiền nửa tỉ đô la ở trên để xây một nhà hát như vậy đã đủ".
Chuyện xây nhà hát ngược đời chỉ có ở VN
Đầu tư vào văn hóa như đầu tư vào lỗ hổng!
Liên quan đến Quyết định 88 với đề án 10.800 tỉ đồng để xây dựng và nâng cấp các công trình văn hóa, tiếp tục mạch bài, Vietnamnet có cuộc trao đổi với ông Phan Đình Tân - Phó Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL.
“Vừa thừa - vừa thiếu”
- Theo Quyết định 88 của Thủ tướng chính phủ về đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa giai đoạn 2012 – 2020” chúng ta sẽ sử dụng 10.800 tỉ đồng để xây dựng và nâng cấp các công trình văn hóa, vậy theo ông việc đầu tư vào lúc này có đúng thời điểm?
- Không phải trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà chúng ta không đầu tư, không làm gì, không có một đất nước nào lại dừng lại và không hoạt động gì trong lúc khó khăn cả. Chính trong lúc khó khăn thì lại càng phải làm việc và hoạt động nhiều hơn.
Việc thủ tướng ra quyết định 88 tôi cho đó là việc làm cần thiết, để đáp ứng và thực hiện theo nghị quyết Trung Ương 5 khóa 8 và nghị quyết 23 của Bộ Chính trị.
Ông Phan Đình Tân |
Tuy nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận tình trạng “vừa thừa – vừa thiếu” đang xảy ra đối với nhiều công trình văn hóa hiện nay. Có những nhà hát đôi khi lại quá tải, có những nhà hát thì lại lãng phí. Nhiều nhà hát hiện nay vẫn chưa khai thác hết được công suất, không đỏ đèn hết được các đêm hoặc có nơi chưa khai thác công năng của nhà hát cho đúng với yêu cầu.
Vì vậy trong bối cảnh khó khăn này chúng ta cũng phải hết sức cân nhắc cái gì cần đầu tư, cái gì cần xây dựng, cái gì cần nâng cấp và đó là một bài toán rất khó cho nhà quản lý, cho bộ văn hóa. Và việc này đã được Bộ trưởng chỉ đạo Vụ kế hoạch hành chính để lên kế hoạch để triển khai.
- 10.800 tỉ đồng để đầu tư cho các công trình văn hóa, theo ông đó có phải là một số tiền quá lớn và tính hiệu quả khi thực thi đề án này liệu có được tính đến?
Không thể nói điều gì là quá lớn hay quá bé ở đây cả. Nếu ta chỉ tập trung xây một nhà hát thật lớn, thật đẹp như những nhà hát lớn nổi tiếng trên thế giới thì chưa chắc số tiền nửa tỉ đô la ở trên để xây một nhà hát như vậy đã đủ.
Trong khi đó số tiền này ở ta được dùng để xây mới 51 và nâng cấp 20 nhà hát, xây mới 57 và nâng cấp 49 rạp phim, xây mới 36 và nâng cấp 30 công trình văn hóa trong thời gian 8 năm từ 2012 đến 2020. Nửa tỉ đô la cho một hệ thống thiết chế văn hóa trải trong 8 năm với số lượng như vậy tôi cho rằng không phải là con số quá lớn.
Tôi hiểu rằng đất nước chúng ta còn khó khăn, một đồng cũng quan trọng, nhưng để một xã hội phát triển thì những tiêu chí của thiết chế văn hóa phải có chuẩn mực. Mình không phải vì đất nước nghèo mà không xây dựng công trình văn hóa nào trong bối cảnh này. Vì bên cạnh đời sống vật chất thì còn nhu cầu đến hưởng thụ đời sống tinh thần.
- Như ông đã nói, thực tế hiện có nhiều nhà hát hiện nay chưa tận dụng hết công suất, thậm chí dùng sai chức năng như tổ chức đám cưới. Vậy có gì đảm bảo những nhà hát và rạp chiếu phim được đầu tư mới sau đề án này sẽ được tận dụng hết công suất và khai thác đúng chức năng? Hay vấn đề ở đây là con người?
Tôi cho rằng 2 việc xây dựng các công trình văn hóa nhằm tạo nên những thiết chế văn hóa và đào tạo, đầu tư con người đều cần và phải đều phải song hành. Không thể đào tạo con người mà không có nơi để người ta thực hành, không có nơi để người ta tham gia vào thực tế.
Bây giờ nếu chúng ta cứ chờ con người có trước, các thiết chế có trước như một bài toán luẩn quẩn con gà với quả trứng cái gì có trước thì không thể làm được gì cả.
Thực tế cho thấy rất nhiều nơi như nhà hát kịch, nhà hát cải lương, nhà hát giao hưởng hiện nay không có nơi để thực hành.
Và chúng ta cũng phải thừa nhận rất nhiều nhà hát sau thời kì chiến tranh trừ một vài nhà hát được bạn bè các nước phát triển trên thế giới hỗ trợ thì những nhà hát chúng ta đã xây vẫn chưa thực sự đạt chuẩn. Rất nhiều nhà hát được thiết kế để cho âm nhạc cổ điển, âm nhạc kinh viện lại được đem sử dụng để phục vụ cho loại hình nhạc khác.
“Vừa thừa - vừa thiếu” là tình trạng chung của các công trình văn hóa mà không dễ để thay đổi trong khi ý thức văn hóa của người dân còn thấp.
Nhà hát lớn Hà Nội là nơi trang trọng chỉ để biểu diễn âm nhạc hàn lâm thì lại bị sử dụng vào rất nhiều mục đích khác vì nhiều đơn vị tổ chức thấy rằng không có nơi nào trang trọng hơn nó. Cuối cùng thì nhiều nhà hát cấp nhỏ hơn thì không sử dụng hết công năng, còn có nơi thì lại quá tải.
Ý thức văn hóa của người dân cũng ảnh hưởng đến việc sống còn của các nhà hát. Đã từ lâu tư duy bao cấp là có vé mời, vé miễn phí thì đi xem còn không thì thôi, việc bỏ tiền mua vé để ủng hộ các nghệ sĩ là điều chưa có trong suy nghĩ của nhiều người khiến nhiều nhà hát dù hoạt động những cũng rất khó khăn để duy trì.
Xu hướng hiện nay là xây những công trình văn hóa đa công năng
- Vậy từ bài học về việc xây dựng rồi bỏ không như đối với Bảo tàng Hà Nội, việc lên kế hoạch cụ thể và xét đến tính hiểu quả cho các công trình trong đề án này đã được tính đến ra sao và như thế nào, thưa ông?
Những đề án được xây dựng đều đã được lấy ý kiến qua các cấp các ngành của các địa phương. Còn đến khi thực tiễn xác thực đến đâu thì cũng là cả bài toán. Biết đâu khi khảo sát là như thế nhưng 5 năm nữa xã hội thay đổi, các loại hình biểu diễn và khoa học công nghệ thay đổi thì nó cũng sẽ thay đổi theo.
Xu hướng bây giờ khi xây nhà hát trừ những nhà hát đặc chủng, đặc biệt thì đa số hiện nay khi xây dựng nhà hát là xây dựng theo kiểu đa công năng để khai thác tối đa hiệu quả và khả năng sử dụng của nhà hát.
Hơn nữa, hiện nay chúng ta đã có quy định rõ ràng đối với những nơi quản lý nhà hát đò là nhà nước đầu tư ra thì anh khai thác như thế nào để mỗi năm phải đóng góp lại thuế cho nhà nước để trả lại tiền đầu tư chứ không phải nhà nước chỉ luôn luôn có đầu tư ra chứ không thu lại gì như trước đây.
- Có rất nhiều công trình văn hóa như viện bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim hiện nay phát triển nhiều loại dịch vụ khác nhau nhằm khai thác triệt để công năng và tính năng của nhà hát nhằm đem lại nguồn thu? Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng việc khai thác dịch vụ lại nằm ngoài công năng và chức năng của nhà hát ?
Như đã nói ở rên các nhà hát bây giờ đều được xây dựng để trở thành những nhà hát đa công năng. Khi người dân đế những nhà hát, đến những rạp chiếu phim đều có nhu cầu sử dụng các dịch vụ bên ngoài đi kèm như giải khát, café… điều này ở các đất nước khác đều có.
Tôi cho rằng có nhiều ý kiến cho rằng một số đơn vị khi khai thác những dịch vụ đó lại cho rằng sai chức năng, không đúng mục đích là chưa thật thỏa đáng.
Đó như một bài toán luẩn quẩn rằng người thì muốn khai thác nhà hát đó một cách tối đa để quay vòng số vốn đầu tư về cho đất nước để tái đầu tư lại các công trình khác thì đó là điều nên làm.
Vấn đề ở đây chỉ là các nhà hát khi khai thác các dịch vụ khác cần phải cân nhắc tới sử dụng dịch vụ nào cho hợp lí, phù hợp với mỹ quan và bối cảnh chung liên quan tới công trình văn hóa đó.
Ví dụ như bảo tàng có thể khai thác kinh doanh văn hóa phẩm, các sản phẩm kỉ niệm, ăn uống giải khát một cách lịch sự và có văn hóa thì là điều rất tốt.
Kỳ cuối: Không có nhà để "hát" từ nhiều năm nay!