LTS: Anh tài xế taxi trên người có nhiều vết máu, đang vật lộn với tên cướp trong khi người chiến sỹ công an chỉ đứng cạnh, bình thản gọi điện thoại xin hỗ trợ. Người dân xúm vào giúp đỡ, anh công an ấy chỉ đi đi lại lại?!

Đại úy Nguyễn Văn Lâm - cán bộ Công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội- người hành động thiếu quyết liệt trong trấn áp tội phạm đã phải nhận “án phạt”. Trưởng Công an huyện Thanh Oai đã có quyết định kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển đại úy này về Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện.

Tuy nhiên, một quyết định kỷ luật có đủ xóa đi được vết lem trong bức hình về người chiến sỹ công an nhân dân vốn mưu trí, dũng cảm mà đại úy Lâm đã “vô tình” vấy lên?

Dưới đây là góc nhìn của họa sỹ thiết kế thời trang Nguyễn Quang Huy (Huy Art). Bài viết đã được họa sĩ đăng trên trang cá nhân.

VietNamNet trân trọng giới thiệu tới độc giả:

{keywords}
Họa sỹ thiết kế thời trang Nguyễn Quang Huy (Huy Art)

"Súng không được dùng, võ không chịu tập, thì công an khác gì thầy giáo?" Đó là lời cảm thán của ông anh là thầy giáo dạy mỹ thuật, nhưng cũng là một võ sư Nhất Nam chân truyền, có hàng ngàn môn đệ miền đất hào kiệt Nghĩa Lộ - Yên Bái.

Quả thực, phần lớn các em khoác trên mình bộ cảnh phục, về kỹ năng trấn áp tội phạm, kỹ năng xử lý tình huống tại thực địa, còn rất nhiều điều cần phải bàn.

Súng không có, võ thì không, vậy cái uy vũ còn lại là gì? Có lẽ chính là bộ cảnh phục trên người.

Điều này minh chứng rõ nét trong vụ đại úy Nguyễn Văn Lâm (cán bộ Công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) "vô tình" rơi vào tình huống bạo liệt, cân não khi em Nhật Minh, tài xế taxi G7 bắt sống tên sát thủ đang bị truy nã. Lâm đã "nảy số" quá kém, đưa ra cách xử lý đã máy móc lại còn “cồng kềnh”, non nghiệp vụ, thiếu can đảm và yếu đạo đức nghề nghiệp. Ngoài chuyện cứu người, đây có thể coi là "cơ hội" hiếm có để Lâm lập được đại công. Tiếc cho em và tiếc cho ngành công an.

{keywords}
Đại úy Nguyễn Văn Lâm đứng gọi điện thoại trong khi tài xế taxi vật lộn với tên cướp

Bộ quần áo còn không làm nên thầy tu, nữa là chỉ nửa bộ. Chỉ cần Lâm tỏ ra xăng xái, chủ động, thì với bộ cảnh phục uy nghiêm, có mặt đúng lúc, sẽ trợ giúp sự vững tin của nạn nhân và thúc đẩy dũng khí cho những người xung quanh. Ở chiều ngược lại, Lâm thay nốt cả quần và giày, là đã biến thành một anh xe ôm hoặc người qua đường nhút nhát vô danh nào đó. Tránh rắc rối cho bản thân và sự tủi hổ cho anh em đồng nghiệp.

Trong tình huống nguy cấp, người dân có xu hướng nhìn hành động của công an để làm theo. Người dân bình thường cũng có tâm lý ngại liên lụy. Nhưng thấy công an mạnh mẽ trấn áp tội phạm, dân sẽ làm theo mà không chần chừ nữa. Nếu Lâm, với nửa bộ cảnh phục xông vào, thì dân sẽ ào ào hỗ trợ, chí ít là hò hét thị uy. Đằng này, Lâm đứng như bình vôi, gọi điện xin hỗ trợ khá bình thản, khiến dân chúng hoang mang, không biết phải làm gì. Thành ra, cái thế trận toàn dân chống tội phạm biến thành một tấn bi hài kịch khá đau lòng.

Vì nửa bộ cảnh phục, em làm xấu đi hình ảnh của anh em trong ngành, vốn dĩ cực kỳ "gắt" và không hề nương tay khi trấn áp tội phạm.

Có một thực tế, ngoài anh em các đội hình sự từng trải dạn dày kinh nghiệm, va chạm hàng ngày, có một bộ phận anh em trong lực lượng không được rèn luyện thường xuyên, khuôn mặt mất dần góc cạnh, nặng nề do ít vận động. Ăn mặc đôi khi luộm thuộm, không còn tác phong nhiêm cẩn cần có của người chiến sỹ Công an nhân dân.

Cứ nghĩ đến các anh em hình sự cháy xém da mặt, cả đời không dùng áo chống nắng giữ da lần nào, lăn lộn phá án,cày dép tổ ong mòn đường nhựa, hoá trang mặc đồng phục Grap nhiều đến nỗi bạn bè tưởng chạy xe ôm công nghệ mới là nghề chính, công an là nghề phụ, nhiều đến nỗi, khi tóm được tội phạm, rút nhầm thẻ cào điện thoại trả góp, nhịu mồm hô: "Chúng tôi là Grap, anh đã bị bắt" mà cám cảnh cho anh đại úy Lâm.

Đã đến lúc, ngành công an nên chấn chỉnh tác phong cán bộ trong ngành. Ăn mặc tề chỉnh khi cần, người dân  thấy sự hiện diện của bộ cảnh phục, họ luôn thấy an lòng và vững tin. Khi hoá trang để phá án thì kỹ càng và chu đáo, hòa lẫn vào thế trận lòng dân, luôn chung sức, sát cánh và là mũi nhọn tiên phong trong công cuộc trấn áp tội phạm, giữ sự bình yên trong cuộc sống.

 Thậm chí, đưa các khoá tập huấn rèn luyện thể chất thành tiêu chuẩn bắt buộc. Thực hiện định kỳ và thường xuyên. Trả lại sự uy vũ vốn có của nghề, trả lại sự uy quyền được phó thác, trả lại sự uy nghiêm của hành pháp xã hội chủ nghĩa.

 Người dân luôn đặt trọn niềm tin vào người chiến sỹ Công an nhân dân, liêm chính, uy vũ, cương quyết và không chùn bước trước cái ác. Hàng ngàn chiến sỹ trên mặt trận phòng chống tội phạm vẫn ngày đêm cống hiến công sức của mình, không thể vì một nửa bộ trang phục, trong một khoảnh khắc thiếu đi kỹ năng ứng xử cần thiết mà bị hoen ố.

Xét công bằng, Lâm chỉ thiếu can đảm và chút kỹ năng xử lý tình huống, chứ em không hề trốn tránh, nên để lại danh tính và bị kỷ luật rất nhanh. Đằng sau em còn cả một gia đình và tương lai phía trước. Lâm “được” ra khỏi ngành, trút bỏ nốt 1/2 bộ cảnh phục, về làm người dân, có lẽ là cách tốt nhất cho em.

Nguyễn Quang Huy (Họa sĩ thiết kế thời trang - Huy Art)

Bộ Công an nói về mức kỷ luật đại úy công an đứng nhìn tài xế taxi bắt cướp

Bộ Công an nói về mức kỷ luật đại úy công an đứng nhìn tài xế taxi bắt cướp

Dư luận xã hội cho rằng, mức kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển công tác đối với đại úy công an đứng nhìn tài xế taxi vật lộn với kẻ sát nhân là còn nhẹ, chưa phù hợp.