Sau khi qua đời, nhiều bệnh nhân quyết định để tại phần lớn tài sản cho các y tá, bác sĩ từng chăm sóc mình những ngày tháng cuối đời. Tuyến bài "Khi nhân viên y tế trở thành người thừa kế của bệnh nhân" là những câu chuyện thực tế của các y bác sĩ nước ngoài.
Trong di chúc, một số bệnh nhân neo đơn đã quyết định trao lại phần lớn tài sản của mình cho các bác sĩ, y tá. Điều này có vẻ hợp lý khi đó là những người gần gũi, chăm sóc họ suốt thời gian cuối đời. Tuy nhiên, khoản tiền thừa kế quá lớn có thể gây ra những vụ kiện tụng kéo dài từ người thân của các bệnh nhân đã mất, thậm chí nảy sinh nghi ngờ đạo đức của các bác sĩ.
Một trong những vụ án dai dẳng và phức tạp liên quan tới nữ y tá người Australia - Abha Anuradha Kumar nhận thừa kế hơn 1 triệu AUD (16,7 tỷ đồng) từ ông Lionel Cox.
Ông Cox qua đời vào tháng 8/2015 ở tuổi 92, nguyên nhân gây suy nội tạng do viêm phổi. Bà Kumar đã tham dự đám tang của ông cùng với một số người thân và bạn bè.
Trong di chúc, ông Cox trao toàn bộ tài sản cho bà Kumar, người quản lý cơ sở chăm sóc người già Cambridge House, nơi nam bệnh nhân đã sống những ngày cuối đời. Bà Kumar nhận được ngôi nhà trị giá 1 triệu AUD (16,7 tỷ đồng), 36.000 AUD (hơn 600 triệu đồng) tiền mặt cùng các vật phẩm khác.
Theo News, một bản sao di chúc của ông Cox cho thấy người đàn ông 92 tuổi này gặp khó khăn thực sự khi điền các thông tin cơ bản nhất. Ông gạch xóa tên họ của mình, địa chỉ, mã bưu chính nhưng khi ghi tên của Abha Kumar và khu dưỡng lão, ông không mắc sai sót nào.
Một người hàng xóm tên John không tin rằng ông Cox để lại toàn bộ tài sản của mình cho một cá nhân. Trước đó, cụ ông từng bày tỏ mong muốn quyên góp tiền cho một số tổ chức từ thiện.
Hồ sơ tòa án cho hay bà Kumar gặp ông Cox vào tháng 7/2015 tại cơ sở chăm sóc người già Cambridge House. Người phụ nữ biết ông Cox đang trong tình trạng sức khỏe yếu, không có người thân gần gũi, sở hữu bất động sản ở Fitzroy và chưa bao giờ lập di chúc.
Theo The Age, bà Kumar bị cáo buộc đã mua một bộ hồ sơ di chúc trong vòng 3 ngày sau khi ông Cox vào nhà dưỡng lão. Ba tuần sau, bà thuyết phục 2 nhân viên ở đây làm chứng cho bản di chúc viết tay của ông Cox mà không nói với họ rằng bà là người thụ hưởng duy nhất.
Ông Cox qua đời sau một thời gian ngắn chống chọi với căn bệnh viêm phổi vào ngày 9/8/2015. Người ta cho rằng vào hôm đó, bà Kumar yêu cầu nhân viên cấp dưới tìm chìa khóa nhà ông Cox trước khi đưa thi thể ông đến khu tang lễ.
Bà Kumar có giấy chứng nhận di chúc từ Tòa án Tối cao vào tháng 11/2015. Ngôi nhà cũ của ông Cox được bán với giá hơn 1 triệu AUD (16,7 tỷ đồng) vào năm 2016.
Hơn 5 năm sau, bà Kumar nhận được lệnh triệu tập của tòa án tối cao khi đang ở nhà riêng tại ngoại ô phía bắc Melbourne. Theo cơ quan chức năng, di chúc của ông Cox không hợp lệ bởi “vào thời điểm 2 nhân viên làm chứng ký xác nhận, tài liệu được gấp lại và bà Kumar đã dùng tay che để 2 nhân chứng không thể nhìn thấy nội dung”.
Bà Kumar cũng bị cáo buộc đã nói với một nhân chứng rằng ông Cox có cháu trai ở Ireland được nêu tên trong di chúc nhưng cũng nói với người khác rằng ông Cox đã xé di chúc đó trước khi mất.
"Việc để lại toàn bộ tài sản của mình cho một người mà ông Cox chỉ gặp 24 ngày trước khi lập di chúc là không phù hợp với tình cảm tự nhiên của người đã khuất", các luật sư nói.
Đây không phải lần đầu tiên bà Kumar phải đối mặt với sự giám sát về hành vi. Năm 2019, cựu y tá trên đã thừa nhận 3 cáo buộc về hành vi sai trái do Hội đồng Điều dưỡng và hộ sinh đưa ra. Bà Kumar bị chỉ trích là "nhân vật có nhiều khuyết điểm, thiếu sự đáng tin cậy và liêm chính".
Dù không bị thu hồi tài sản thừa kế nhưng bà Kumar đã bị cấm hành nghề y hoặc bất kỳ hình thức chăm sóc người già nào trong 5 năm. Ban đầu, người phụ nữ này tuyên bố sẽ dùng khoản tiền trên để quyên góp từ thiện nhưng cuối cùng đã dùng để trang trải chi phí pháp lý của cá nhân.