Khi đang làm việc cho một doanh nghiệp nhà nước tại TP.HCM, với mong muốn giúp đỡ đồng bào vùng cao, chị Trương Hải Yến (SN 1983, quê Kiên Giang) cùng một nhóm bạn thành lập một câu lạc bộ từ thiện.
Mỗi năm 4 lần, họ dùng một phần lương của mình để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Đầu năm 2020, cả nhóm nhận ra rằng, sự giúp đỡ đó còn quá ít. Họ cần phải có ý tưởng mới để có thể hỗ trợ cộng đồng một cách bền vững hơn, thay vì những chuyến đi phát quà.
Vấn đề khiến họ quan tâm chính là tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân ở khu vực huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. “Nhiều bà con ở đây không có việc làm ổn định. Mùa cà phê, họ đi thu hoạch cà phê. Khi hết mùa, không có việc làm, họ lên rừng tìm dược liệu.
Cuộc sống của họ khó khăn do “làm được từng nào, ăn hết từng đó, không có tích lũy, đầu tư”, chị nói. Thay vì chỉ phát quà từ thiện như trước, điều mà nhóm chị Yến hướng đến là giúp người dân có công ăn việc làm, nâng cao ý thức về sự tự chủ trong lao động.
Chị Yến từ bỏ phố để về rừng, lao động trên các ngọn đồi. |
Từ mong muốn đó, chị Yến đã bỏ công việc, cuộc sống ở thành phố, cùng những người bạn chuyển hẳn về huyện Đam Rông sinh sống và thành lập một doanh nghiệp xã hội.
Chị cùng 3 người bạn là anh Du Phong, chị Huỳnh Như và anh Tấn Vĩnh mua đất để phát triển trang trại. Trên diện tích đất này, họ thuê người dân tộc Ê Đê trồng cây ăn quả, rau sạch… và xuất ra thị trường.
Sống cùng với một số gia đình đồng bào Ê Đê, M’Nông… nhóm chị Yến cũng dần tìm hiểu và bị hấp dẫn bởi các “bí quyết gia truyền” của bà con.
“Bí quyết để có sức khỏe tốt nằm ở thảo dược họ dùng hàng ngày. Theo đó, mỗi sáng trước khi lên rừng, họ cắt một lát thổ phục linh cho vào bình, hãm thành nước uống. Nước uống này giúp họ khỏe hơn, làm việc cả ngày không biết mệt mỏi. Chúng tôi muốn nhân rộng bí quyết này cho cộng đồng nên nghiên cứu, tạo ra loại trà thảo mộc”, chị Yến kể.
Bên trong xưởng sản xuất trà. |
Trà sản xuất từ thảo mộc do người Ê Đê tìm trong rừng. |
Nhóm của Yến bắt đầu động viên bà con cùng hợp tác để sản xuất các sản phẩm trà thảo mộc, phân phối rộng rãi ra thị trường.
Vì vậy đầu năm 2020, xưởng sản xuất trà đã được xây dựng tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Các loại trà đều từ thảo mộc, dược phẩm quý trong đông y như: trà dây san tuyết, giảo cổ lam, cây thổ phục linh (hay còn gọi trà khúc khắc)… giúp ngủ ngon, tiêu hóa tốt và giảm đau khớp. Ngoài ra, xưởng còn sản xuất nhang (hương) từ thảo mộc, túi bao bố được sản xuất từ bao bì bỏ đi tại các công trường xây dựng.
Các hoạt động này giúp người bản địa có công ăn việc làm và có thêm thu nhập. “Hiện, chúng tôi đã tạo việc làm cố định và đều đặn cho 20 nhân công ở xưởng và trang trại. Ngoài ra, rất nhiều người dân cũng có việc làm từ việc thu gom dược liệu và việc làm ngắn hạn (bón phân cho cây, tưới nước, làm cỏ… )”, chị Yến chia sẻ.
Vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, việc kinh doanh của xưởng sản xuất trà và hương đang dần tốt hơn. Doanh thu của xưởng khoảng 300-400 triệu đồng/tháng. Họ chinh phục các thị trường TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng… Ngoài ra, đại lý và nhà phân phối đã đưa sản phẩm do chính tay người dân Ê Đê sản xuất ra thị trường Mỹ và nước một số nước khác.
Túi bao bố - một sản phẩm tái sản xuất từ rác thải. Dự án túi bao bố là mô hình phát triển sinh kế cho bà con sống gần rừng, giảm săn bắt động vật hoang dã. |
Doanh thu từ xưởng sản xuất trà, nhang thảo mộc, nhóm chị Yến dùng để đầu tư trở lại cho cộng đồng. 3 tháng/lần, họ tổ chức một chuyến từ thiện bằng cách liên hệ chính quyền địa phương xin danh sách hộ nghèo và cận nghèo, để tặng quà: gạo, mắm muối, nhu yếu phẩm… Với trẻ em, nhóm cũng phát quà là cặp sách, sữa… hỗ trợ các em đến trường. Nhóm từ thiện của chị Yến cũng lồng nghép thông điệp giáo dục, nâng cao nhận thức cho trẻ.
“Hoạt động từ thiện hình thành từ năm 2013. Nhưng lúc trước, chúng tôi làm theo hình thức cá nhân, giờ chuyển sang hình thức doanh nghiệp xã hội. Nhờ vậy, số tiền giúp đỡ bà con được nâng lên”.
Theo chị Yến, trước đây, mỗi chuyến đi họ chỉ có thể giúp người dân 100 phần quà, trị giá khoảng 20 triệu đồng. Nay số quà tăng lên 200-300 phần quà trị giá từ 50-70 triệu đồng.
“Điều quan trọng nhất là chúng tôi có thể giúp đồng bào có việc làm tại trang trại, xưởng. Khi nguồn quỹ đủ lớn, chúng tôi dự định xây dựng một mái ấm tình thương để chăm sóc, nuôi nấng những em bé không gia đình”, chị nói.
Trẻ em vùng Tây Nguyên được nhận cặp sách - một hoạt động từ thiện của nhóm chị Yến. |
Không chỉ vậy, nhóm của chị Yến còn có ý tưởng phát triển trang trại trở thành “chốn đi về” cho những người muốn tìm về với thiên nhiên, để cân bằng cuộc sống.
Thay vì cuộc sống ồn ào, áp lực nơi thành phố, họ có thể về đây để hòa mình vào tự nhiên. Đó là môi trường không điện, không internet, không bếp gas. Các thành viên tập thói quen hạn chế tiêu dùng, tái sử dụng đồ cũ để bảo vệ môi trường và dành thời gian lao động trên đồi.
“Bỏ phố về rừng không phải là sự trốn tránh khó khăn, áp lực hay chối bỏ trách nhiệm xã hội. Đó là cách sống gần gũi với thiên nhiên và có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng. Khi về đây, thậm chí, chúng tôi còn lao động nhiều và mệt hơn trước kia. Nhưng tôi hài lòng với sự lựa chọn này”, chị Hải Yến nhấn mạnh.
Một ngày mới của nữ trưởng phòng bỏ phố lên rừng làm việc thiện
Chị Yến từ chối một công việc tốt và cuộc sống đầy đủ ở thành phố để về vùng rừng núi dù bị nói là “khác người”.
Ngọc Trang
Ảnh: NVCC