Gần 10 năm trước, Hồ Thị Môn (người dân tộc Tà-ôi xã A Ngo, huyện A Lưới) là lớp tri thức trẻ đầu tiên ở TT-Huế tình nguyện về các xã vùng núi, biên giới đặc biệt khó khăn công tác. Cho tới thời điểm này, Môn là nữ chủ tịch xã trẻ tuổi đầu tiên và duy nhất của vùng cao A Lưới.
Hồ Thị Môn – nữ lãnh đạo xã được dân tin, tập thể tín nhiệm |
Học dân trước, làm lãnh đạo sau
Xin bắt đầu chuyện của Môn từ ông Võ Văn Dự, nguyên Chủ tịch UBND huyện A Lưới, người được xem là “cha đẻ” của chương trình đưa trí thức trẻ về xã miền núi đặc biệt khó khăn tỉnh TT-Huế hơn 10 năm trước. Ngày đó, A Lưới là huyện nghèo nhất tỉnh. Với cương vị chủ tịch huyện, ông Dự đau đáu về một cuộc cách mạng trong công tác cán bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng khó khăn.
Sau nhiều cuộc họp, năm 2004, tập thể lãnh đạo huyện A Lưới thống nhất chủ trương đưa trí thức trẻ về làm cán bộ xã. Đây cũng là thời điểm thuận lợi, khi cấp trên có chủ trương tăng thêm biên chế một phó chủ tịch xã cho các địa phương tuyến biên giới miền núi. Danh sách 12 trí thức trẻ tăng cường cho cơ sở đã được huyện gút lại.
“Mới ra trường về công tác ở xã, ban đầu em cũng run lắm chứ anh, chưa biết làm phó chủ tịch xã là như thế nào” - Môn bộc bạch. |
Hồ Thị Môn là người thứ 12 trong số đó, sau khi chị tốt nghiệp ngành Hành chính học, thuộc Đại học Hành chính Quốc gia mở tại Huế. Ít ai ngờ, dù được lựa chọn sau cùng (năm 2005), nhưng Môn lại trở thành một trong những gương mặt nổi bật nhất khi về làm lãnh đạo xã sau này. Ban đầu, chị về làm phó chủ tịch, sau bổ nhiệm chức Chủ tịch UBND xã Hồng Kim. Những cán bộ lãnh đạo xã thời đó cũng rộng mở đón chị. Đó không phải là quê của Môn. Chị người Tà-ôi, còn Hồng Kim là vùng dân tộc thiểu số Pa-kô. “Tôi thấy ở Môn là một nữ cán bộ trẻ, nhiệt huyết, được đào tạo bài bản, không ngừng học hỏi kinh nghiệm người đi trước, luôn bám sát và lắng nghe dân”, ông Dự nhận xét.
Chờ gỡ nghèo cho xã
Dạo Môn mới được tăng cường về làm phó chủ tịch xã năm 2004, Hồng Kim còn đến 215/300 hộ nghèo. Cái khó, cái khổ cứ quây lấy bà con dân tộc thiểu số ở nhiều bản làng. Rừng núi vẫn còn bỏ hoang. Cùng tập thể lãnh đạo địa phương chương trình phát triển kinh tế vườn đồi, thâm canh lúa nước, trồng rừng, sắn, ngô, cao su, chăn nuôi, nâng cao dân trí, đời sống văn hóa, dân số kế hoạch hóa gia đình… lần lượt ra đời, phát huy hiệu quả. Nữ cán bộ trẻ Hồ Thị Môn có đóng góp vào đó không nhỏ. Có được thành quả đó, Môn đã hao tâm tổn trí, đổ mồ hôi, sôi nước mắt theo đúng nghĩa của từ này.
Dân tin, tập thể tín nhiệm
Năm 2011, sau bầu cử HĐND các cấp, Môn trúng chức Chủ tịch UBND xã. Mấy lần lên A Lưới công tác, tôi từng nghe kể câu chuyện về người tiền nhiệm của Môn tự nguyện “nhường” chức cho chị. Bán tín bán nghi, tôi tìm gặp ông Lê Quang Bảy, Chủ tịch UBND xã thời kỳ 2004-2011, để hỏi rõ thực hư. Giờ ông Bảy là Chủ tịch HĐND xã. Vị cán bộ luống tuổi này vui vẻ kể: “Hồi đó cấp trên về lấy phiếu thăm dò, tôi tín nhiệm ngay cô Môn vào vị trí Chủ tịch UBND xã thay cho mình. Tôi thấy mình đã có tuổi nên để lớp trẻ có trình độ tốt hơn lên làm.
Hè rồi lên Hồng Kim tìm hiểu mô hình du lịch cộng đồng thác A Nô, tôi tình cờ gặp già làng Hồ Duy (thôn Việt Tiến). Nghe nhắc đến Môn, già làng Duy gật gù: “Những việc cô ấy làm, dân mình ưa cái bụng lắm. Dân no cái bụng, thêm nhiều cái chữ, có đường đẹp để đi, thóc lúa nhiều, sinh đẻ ít là nhờ có công đóng góp không nhỏ của cô Môn đó”. Rồi ông Duy kể một loạt thành tích của xã Hồng Kim khi Môn làm lãnh đạo. Cả xã giờ chỉ còn 82/465 hộ dân thuộc diện nghèo. Đây là nơi có cụm dân cư được UBND tỉnh tặng bằng khen 5 năm liền không sinh con thứ ba trở lên.
…Hôm rồi, ngồi cà phê sáng vỉa hè thành phố Huế một đồng nghiệp thông tin: “Chị Môn vừa được lãnh đạo huyện A Lưới cất nhắc lên vị trí Phó trường Phòng Nội vụ rồi anh ạ”…
(Theo Ngọc Văn/Tiền Phong)