{keywords}
Chị Nguyễn Kim Anh hiện là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đài Loan. 

Là một nhà nghiên cứu của Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đài Loan (Trung Quốc), chị Nguyễn Kim Anh đam mê leo núi từ khi còn là cô sinh viên ngành Trắc Địa. Nhờ công việc, chị có nhiều chuyến đi thực địa ở khu vực vùng núi. Từ đó, tình yêu thiên nhiên và bản năng ưa thích khám phá đã dẫn dắt chị đến với đam mê leo núi.

Tính đến nay, chị Kim Anh đã chinh phục khoảng 15 ngọn núi, trong đó chủ yếu là những ngọn núi ở Đài Loan.

Những ngọn núi cao nhất mà chị từng đặt chân lên đỉnh gồm núi Jade (núi Ngọc Sơn) – 3.952m và núi Xue (núi Tuyết) – 3.886m. Đây được xem là 2 ngọn núi cao nhất Đài Loan và cao nhất khu vực Tây Thái Bình Dương. Các ngọn núi khác chị từng chinh phục có độ cao trung bình từ 2.200 – 3.500m.

“Leo núi là một hành trình gian nan, đòi hỏi lòng kiên trì và ý chí quyết tâm. Nhưng khi đã lên tới đỉnh, cảm giác vô cùng tuyệt vời. Mỗi lần chạm tới một đỉnh cao, mình lại cảm thấy đã vượt qua được chính mình, cho chính bản thân thấy rằng mình có thể vượt qua được những chông gai để đến đích”.

Nữ tiến sĩ cũng chia sẻ, thực ra đam mê này rất hữu ích cho công việc của chị. Bởi vì công việc của chị là làm về viễn thám, bản đồ, địa lý và môi trường, giảm nhẹ thiên tai. Vì thế, chị coi việc đi leo núi như những chuyến đi thực địa để nghiên cứu về môi trường, rừng núi. “Những kiến thức đó giúp tôi rất nhiều trong nghiên cứu”.

Hơn nữa, chị cho rằng người làm nghiên cứu rất cần đi ra ngoài thực tế, bởi vì đây là một cách thư giãn để cân bằng với cuộc sống trong phòng thí nghiệm.

{keywords}
Chị Kim Anh chinh phục đỉnh núi Tuyết cao 3.886m.

Trước mỗi chuyến đi, chị đều chuẩn bị rất kỹ lưỡng cả về tư trang lẫn sức khoẻ. Lưu ý đầu tiên là phải giảm tối thiểu trọng lượng cho đôi vai. Đồ ăn mang theo là những thứ nhiều năng lượng và có thể để ngoài trời, dễ bảo quản khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh.

Trang phục nên là đồ chuyên dụng, nhẹ để giúp thoát mồ hôi, giữ nhiệt, thích ứng với sự thay đổi thời tiết do độ cao. Đặc biệt, người leo núi cần phải rèn luyện thể lực thường xuyên và nghiên cứu kỹ lộ trình.

Trong các chuyến chinh phục của mình, chị Kim Anh cũng gặp không ít trường hợp người leo bỏ cuộc giữa chừng vì không đủ sức khoẻ, nhất là phụ nữ.

Ở Đài Loan, các ngọn núi nổi tiếng đều có ban quản lý và trước khi đi, người leo cần lên website của họ để đăng ký và chờ được duyệt. Đó cũng là một yếu tố hơi khác với leo núi ở Việt Nam – thường là do cá nhân tự tổ chức và quyết định ngày đi về. “Ở Đài Loan, ban quản lý sẽ nắm mọi thông tin cá nhân, người liên lạc và hành trình leo của bạn để liên lạc và giảm tối thiểu rủi ro khi cần.

Thường thì họ giới hạn người leo trong ngày, cho nên để đăng ký được vào ngày mình đi, họ sẽ tiến hành bốc thăm. Nhiều khi may mắn thì mình được chọn vào thời gian mình mong đợi, còn không nhiều người cũng bị trượt và phải đăng ký lại nhiều lần”.

Kể về kỷ niệm chinh phục đỉnh Ngọc Sơn cao 3.952m, chị cho biết mình đã có nhiều cảm xúc đẹp trong chuyến đi này. Để có được một chỗ ngủ trên Paiyun Sơn Trang – nơi nghỉ chân của các tay leo núi đến từ khắp nơi trên thế giới, chị phải đăng ký trước 2 tháng. May mắn, chị được bốc thăm để leo đúng ngày mình đã chọn, bởi vì mỗi ngày có hàng trăm đến hàng nghìn hồ sơ đăng ký leo mà chỗ ngủ chỉ giới hạn cho 116 người.

Với chiếc ba lô nặng 8kg trên vai, dọc đường chị nhiều lần phải tìm một mặt phẳng để nằm nghỉ.

{keywords}
Trên đường chinh phục đỉnh Ngọc Sơn

Khi lên đến Paiyun Sơn Trang, cũng là lúc chị thấm mệt và đôi chân dường như không còn chút sức lực nào. Chị về phòng và chui vào chiếc túi ngủ đặt trên giường không có đệm giữa cái lạnh chỉ khoảng 2 độ C. Càng về đêm, cái lạnh càng tê tái và được cảm nhận rõ ràng hơn. Sự khắc nghiệt của thời tiết và địa hình khiến chị vô cùng ngưỡng mộ những nhân viên phục vụ ở đây – những người phải vận chuyển lương thực, hoa quả, nước uống, các trang thiết bị lên núi hằng ngày bằng chính đôi chân mình để phục vụ nhu cầu của người leo núi.

Sau một đêm khó ngủ, 7h sáng đoàn của chị thức giấc để ăn vội bát mì tôm, tiếp tục hành trình chinh phục đỉnh Ngọc Sơn. Lúc này, ở điểm nghỉ chân cũng có khá nhiều người đã bỏ cuộc vì quá mệt hoặc say độ cao.

Đoạn đường còn lại để lên đến đỉnh chỉ còn khoảng 2,1km nhưng vô cùng khó khăn và gian nan vì độ dốc, mức độ hiểm trở của các vách đá, vực thẳm, cộng với cái lạnh và gió buốt thổi liên tục.

Cuối cùng, với sức mạnh ý chí kiên cường, chị đã đứng trên đỉnh của khu vực Tây Thái Bình Dương sau quãng đường leo gần 13km. Lúc này, chị có thể ngắm nhìn toàn bộ quần thể núi non xung quanh giữa bầu trời xanh cao vời vợi và chuẩn bị cho hành trình xuống núi.

Cảm xúc hạnh phúc vỡ oà vẫn còn lan toả ngay cả khi chị cùng đoàn của mình đã đặt chân trở lại điểm xuất phát trong buổi chiều ngày hôm đó. Với chị, đến với Đài Loan mà không chinh phục Ngọc Sơn sẽ là một thiếu sót đầy tiếc nuối với một người mê leo núi.

“Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình bằng cách chinh phục những đỉnh núi khác bất cứ khi nào có thời gian”, nữ tiến sĩ chia sẻ.

{keywords}
Chị Kim Anh đặt chân lên đỉnh Ngọc Sơn sau gần 13km leo bộ. 

Đăng Dương

Ảnh: NVCC

8X chinh phục 8 ngọn núi trong 18 ngày, cộng đồng leo núi nể phục

8X chinh phục 8 ngọn núi trong 18 ngày, cộng đồng leo núi nể phục

Hành trình chinh phục 8 ngọn núi trong vòng 18 ngày của anh Phan Duy Linh được cộng đồng đam mê leo núi thán phục.