Dạy tiếng Việt xuất phát từ tình yêu cội nguồn
Tiến sĩ Đào Thị Châu Hà được Bộ Ngoại giao vinh danh là Sứ giả tiếng Việt năm 2023 tại lễ tổng kết “Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023". Hiện, chị sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Những năm qua, với tấm lòng nhiệt huyết, muốn đưa văn hóa, ngôn ngữ Việt phát triển, lan tỏa rộng khắp, đặc biệt là truyền tình yêu tiếng Việt cho các bạn trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên ở Đức, chị đã xây dựng giáo trình riêng dạy cho các em. Chị còn sử dụng nền tảng công nghệ số để đưa tiếng Việt đến gần hơn với kiều bào.
Việc sử dụng công nghệ và cập nhật tiến bộ của truyền thông trong giảng dạy và truyền bá tiếng Việt tại Đức, TS Đào Thị Châu Hà đã tạo nên những sản phẩm sinh động, hấp dẫn cho người học và người xem.
Chị Châu Hà sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghiên cứu về phương pháp dạy ngôn ngữ. Bố chị từng có nhiều chuyến điền dã đến vùng sâu, vùng xa ở Việt Nam để tâm sưu tầm, khảo cứu văn hóa các dân tộc và thu được một số thành công nhất định. Còn mẹ chị là tiến sĩ chuyên ngành về phương pháp dạy tiếng Việt.
Còn chị, sau khi vào đại học, qua đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, chị Châu Hà chọn một chuyên ngành khác. Đó là cán bộ nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Đến khi qua Đức làm nghiên cứu sinh, kết hôn với ông xã là người Đức và có 2 em bé kháu khỉnh, chị đã có bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mình. Đó là quay trở lại với truyền thống gia đình, dạy và nghiên cứu về ngôn ngữ tiếng Việt.
Ban đầu, chị xác định dạy tiếng Việt cho con, để con biết về nguồn cội, văn hóa và quê hương của mẹ. Nhờ sự khích lệ của bố mẹ và kinh nghiệm nghiên cứu của mình, chị tự soạn giáo trình dạy cho các con.
“Có được tiếng Việt - ngôn ngữ cội nguồn, các cháu còn có khả năng học tốt ngôn ngữ nơi chính các cháu đang sinh sống và các ngôn ngữ khác", chị Châu Hà cho hay.
Khi các con đã nói, giao tiếp và viết được tiếng Việt, chị mở rộng dạy cho con của bạn bè, người quen… Dần dần, lớp học của chị ngày càng đông học sinh. Cứ thế, chị trở thành giáo viên dạy tiếng Việt lúc nào không hay.
Chương trình dạy học và tài liệu dạy tiếng Việt mà chị biên soạn cho chính mình, ban đầu chỉ là những giáo án với những kế hoạch giảng dạy ngắn hạn, sau này lại trở thành kế hoạch dài hơi hơn.
Chị kể, lúc đó phương pháp giảng dạy hoàn toàn tự phát, dần sau đó thì trở nên có ý thức hơn trong việc bổ sung, điều chỉnh, cập nhật phương pháp dạy tiếng Việt hiện đại trong nước và thế giới.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, chị còn tham gia khóa đào tạo về tiếng và phương pháp dạy tiếng của các chuyên gia thuộc khoa Việt Nam học và Tiếng Việt - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam.
Qua thực tiễn giảng dạy, chị nhận ra ý nghĩa sâu xa của việc dạy tiếng Việt cho trẻ nhỏ sống ở nước ngoài, yếu tố văn hóa rất quan trọng. "Tôi cần giúp các cháu nhỏ hiểu hơn về văn hóa, nguồn cội của mình. Khi có sự can thiệp của văn hóa thì những bài dạy sẽ có sự hấp dẫn, mới mẻ hơn", TS Đào Thị Châu Hà nói.
Văn hóa trong các bài giảng của chị Châu Hà không phải cái gì quá xa lạ. Có khi chỉ là một bài đồng dao của trẻ nhỏ, một câu chuyện cổ tích loài vật, hay một tình huống ứng xử trong gia đình, và cũng có khi là từ một món ăn, điệu hát quê nhà, trò chơi có lời… Càng dạy, chị càng thấm thía sâu sắc chức năng của ngôn ngữ là giao tiếp, thông tin và thẩm mỹ. Bởi dạy tiếng cho các cháu nhỏ là dạy lời hay, ý đẹp và hơn hết là dạy các cháu về tình yêu Tổ quốc, điều này biểu hiện rất rõ với người Việt nơi xa xứ.
Dùng nền tảng số dạy học
Để chuẩn hóa phương pháp dạy học, đưa tiếng Việt đến gần hơn với mọi người, chị Châu Hà mở rộng và củng cố các hình thức dạy học, dạy qua kể chuyện, dạy trực tiếp, dạy trực tuyến, dạy theo tranh, dạy theo bài hát cũng như kết hợp với các trò chơi dân gian; khai thác tốt các nội dung văn hoá đưa vào bài dạy theo yêu cầu nhẹ nhàng, phong phú và hấp dẫn; xây dựng ngân hàng dữ liệu câu hỏi trắc nghiệm để giúp mình làm tốt hơn nhiệm vụ dạy học trước mắt và lâu dài.
TS Đào Thị Châu Hà đã xây dựng kênh Youtube Ms Chery Bear để chia sẻ các video và audio về văn hóa Việt cùng các bài học tiếng Việt, lập Câu lạc bộ trẻ nói tiếng Việt ở nước ngoài, tổ chức các lớp học tiếng Việt trực tuyến cho con em người Việt Nam ở xa Tổ quốc; ngoài ra, chị còn tham gia dự án Vườn đọc sách (Lesegarten) của HORAMI - Nhà xuất bản sách song ngữ Đức-Việt tại Đức với vai trò người đọc sách và dẫn chương trình podcast.
Hàng tuần, nữ tiến sĩ này còn đọc sách và trò chuyện với các bé trong Câu lạc bộ trẻ nói tiếng Việt ở nước ngoài qua Zoom, đọc sách cho các bé sống ở Việt Nam qua hoạt động của câu lạc bộ đọc sách Những vì sao, sáng tác các bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của tiếng Việt cũng như các bài thơ ngắn, dễ học giúp thu hút các bé học tiếng Việt và xây dựng bộ học liệu tiếng Việt với hệ thống câu hỏi trắc nghiệm về tiếng Việt trên giao diện Quizizz.
Hiện chị có ý tưởng xuất bản một cuốn thơ “Tiếng Việt vui” bao gồm cả những bài trước đây và những bài mới viết của chị, xem như một công trình nho nhỏ làm quà cho các cháu yêu tiếng Việt. Trong đó, có những bài xác định rõ nhiệm vụ dạy các cặp tính từ trái nghĩa, dạy động từ, dạy danh từ chỉ người thân trong gia đình, giới thiệu món ăn, giới thiệu một vài hoạt động gần gũi…
Chị Châu Hà tâm sự, chị rất mong nhận được sự hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài để có một tủ sách tiếng Việt cho cộng đồng. Điều này thực sự quan trọng, do môi trường giao tiếp tiếng Việt và tiếp xúc về văn hóa của trẻ bị hạn chế.