Một buổi sáng giáp Tết Nhâm Dần, tiếng chuông điện thoại (video call trên messenger) reo lên từ bên kia bán cầu (ở Mỹ), trước mắt tôi là cô gái có gương mặt thân thiện, nở nụ cười tươi - Xuân Quỳnh cất giọng nói nhẹ nhàng trò chuyện.

Quỳnh chia sẻ, Sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả ở Phú Yên, Trương Nguyễn Xuân Quỳnh (SN 1990) đang theo đuổi ước mơ được hỗ trợ tâm lý xã hội cho người bệnh trong quá trình điều trị.

Hiện Quỳnh đang theo học nghiên cứu sinh ngành Y tế công cộng tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan (đang trong quá trình làm luận án tại Mỹ). Đồng thời nhận học bổng thạc sĩ Fulbright Công tác xã hội lâm sàng tại Đại học Boston, tu nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Mỹ.

Từ được cứu sống đến mong ước hỗ trợ người bệnh

Sinh ra, Quỳnh được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh. Lên 9 tuổi, nữ thạc sĩ chưa đầy 20kg, với số tiền hơn 45 triệu cho một ca mổ tim ở thời điểm năm 1999, gia đình nghẹn đắng vì xoay sở không đủ chi phí.

Tưởng chừng mọi thứ dần tắt đi với nữ 9x thì điều bất ngờ lại đến, Phòng xã hội của bệnh viện Quỳnh điều trị lúc đó có chương trình hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn cho người bệnh mổ tim. 

“May mắn lúc này mình được chọn và được hỗ trợ một nửa chi phí, nửa còn lại được các sơ ở Pháp hỗ trợ cho ca mổ” - Quỳnh kể.

Ca mổ thành công trong niềm vui sướng của gia đình và người thân. Cũng từ đó, Quỳnh mong ước bản thân phải làm được điều gì đó cho những bệnh nhân như mình.

{keywords}
Quỳnh hiện đang học tập và làm việc tại Mỹ

Quỳnh chia sẻ, khi chọn ngành học mình đắn đo lắm, không biết nên phải chọn ngành gì. Cuối cùng mình quyết tâm chọn theo ngành Công tác xã hội lâm sàng để thực hiện mong muốn hỗ trợ tâm lý xã hội cho người bệnh trong quá trình chăm sóc giảm nhẹ...

Đến với ngành Công tác xã hội, cô gái 9x tâm niệm, không chỉ làm những công việc hỗ trợ người gặp khó khăn về mặt vật chất mà còn chăm sóc tinh thần cho những bệnh nhân ngay tại bệnh viện - đó mới giá trị cao nhất mình muốn đạt được.

Quỳnh nói: “Học ngành Công tác xã hội lâm sàng - mình sẽ là người bên cạnh người bệnh và gia đình người bệnh để lắng nghe và tìm hiểu những suy nghĩ và mong muốn của họ, đồng hành, giúp người bệnh và người nhà giảm đi nỗi đau về mặt tinh thần và hỗ trợ thực hiện những ước nguyện của họ. 

Cùng với đó, mình giúp người bệnh hiểu được, tìm thấy ý nghĩa trong đời và cũng có thể tìm thấy ý nghĩa trong cái chết của họ, nếu đó là điều không thể tránh khỏi”.

Thấu cảm

Để hiểu rõ hơn về công việc của mình, nữ 9x kể lại một câu chuyện trong hàng ngàn câu chuyện bản thân đã từng trải qua. Trong cái nắng cháy da ở TP.HCM vào năm 2020, nữ thạc sĩ tiếp nhận một bác trai tên M. ở miền Tây tầm khoảng 60 tuổi bị ung thư giai đoạn cuối.

Cô nàng có một “nhiệm vụ” đó là cùng bác sĩ thông báo cho người bệnh biết bệnh tình của mình. Khi bác sĩ thông báo diễn biến xấu của căn bệnh, Quỳnh là người ngồi lại để tâm sự cùng với chú M. về diễn tiến tiếp theo và thấu cảm những mong muốn của chú.

{keywords}
Nữ thạc sĩ đang thực hiện ước mơ được hỗ trợ tâm lý xã hội cho người bệnh

“Lúc này mình bên cạnh và chuẩn bị tinh thần cho chú sẽ phải đối mặt với sự đau đớn như nào, sốt như nào...để chú không quá lo lắng" - Quỳnh chia sẻ. Ngoài việc chăm sóc, trò chuyện cùng bệnh nhân, bản thân luôn ở bên cạnh bệnh nhân để cùng người nhà thực hiện những mong ước trước lúc qua đời...

Hình ảnh chú cầm đàn guitar hát cùng vợ trong phòng bệnh những giây phút cuối cùng khiến cả căn phòng lặng đi..."Đây là giây phút khiến tôi nhớ mãi và hiểu hơn công việc của mình đang theo đuổi" - Quỳnh chia sẻ.

...Cái cúi chào các bác sĩ người Mỹ khiến họ cảm kích

Quỳnh chia sẻ, khoảng đầu tháng 10/2021, lúc này đang ở Mỹ và tiếp nhận một bệnh nhân nam mắc Covid-19 và ung thư là người Việt Nam. Chú cùng vợ sinh sống tại Mỹ nhưng vợ chú lại không rành tiếng Anh. 

Sau khi tiếp cận nói chuyện, Quỳnh hiểu được tâm niệm của chú được gặp vợ vì sau 2 tháng cách ly điều trị.

“Lúc đó, theo quy định thì sẽ không được vào, tôi đã giải thích rõ cho các bác sĩ ở đây về văn hóa Việt Nam khi người chồng đau thì người vợ muốn đến thăm để trọn nghĩa vợ chồng” - Quỳnh chia sẻ.

{keywords}
Một chuyến tình nguyện của Quỳnh

Được thuyết phục bởi nữ thạc sĩ, các bác sĩ tại Mỹ đã cho phép vợ của chú ở lại chăm sóc chồng và phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.

“Khi chú ra đi, cô đứng khoanh tay và cúi chào các bác sĩ như một lời cảm ơn trân trọng nhất. Nhân viên y tế ở đây cảm thấy ngạc nhiên vì điều đó, họ thán phục hơn nghĩa cử của người dân Việt”, Quỳnh chia sẻ.

Cô gái 9x tiếp tục trải lòng về khó khăn trong công việc này, khó khăn nhất đó chính là việc phải đối diện sự ra đi của người bệnh. Thứ hai, việc tiếp xúc với người bệnh nhiều nên Quỳnh phải hạn chế gặp người khác trong thời gian Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

“Theo đuổi công việc này đòi hỏi người làm phải có tấm lòng bao dung, biết chia sẻ người bệnh” - Quỳnh nói và mong muốn tất cả người bệnh trên thế giới đều được hỗ trợ, được bên cạnh thấu cảm về tinh thần...

Công Sáng

Tâm tư người giữ ‘báu vật’ trên đỉnh Ngọc Linh

Tâm tư người giữ ‘báu vật’ trên đỉnh Ngọc Linh

Anh Nguyễn Mạnh Tuấn đã gắn bó với vườn sâm Tắk Ngo 7 năm nay. Với anh, thời gian ở rừng còn nhiều hơn ở nhà và việc trông giữ cây sâm Ngọc Linh không khác chăm con mọn.