Chạy 14 tiếng mỗi ngày
Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh tươi cười trong trang phục GoViet |
6h sáng, đồng hồ reo, người phụ nữ 64 tuổi vung chăn màn, xát 2 trái bắp xay chung với sữa rồi cho vào nồi cháo đã cắm từ tối qua, nấu thêm 2 phút. Rửa mặt đánh răng xong, choàng chiếc áo đỏ GoViet, cô múc cháo vào cà men, dắt chiếc Wave RS, lao ra đường đón khách.
9h sáng, hết giờ cao điểm, kiếm một góc mát mẻ, cô mở cà men cháo ra ăn thay cho bữa sáng lẫn bữa trưa. Từ 11h đến 13h chiều, có khách đặt xe thì chạy, không có khách cô lại nhận đơn GoFood giao đồ ăn.
Đó là nửa ngày làm việc của cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh, nữ tài xế “lớn tuổi nhất nhì” của hãng GoViet. Sau đó, từ 2h đến 5h chiều, cô Ánh tất bật với những công việc hàng ngày như nấu cơm, dọn dẹp, giặt giũ, đi chợ, nấu ăn. “Cô tranh thủ từng giây từng phút để chạy đủ điểm, vậy mình mới có tiền thưởng”, cô Ánh cười. Xong đâu đấy, cô tiếp tục bật app (ứng dụng) để chạy giờ cao điểm, cho đến 10h đêm mới về tới nhà.
“Hồi trước cô ham chạy. 10h xong, cô sẽ ngủ đến đúng 12h. Vừa đúng 12h 01 phút, cô bật dậy, chạy tiếp đến 2h sáng, mình trừ hao những ngày mưa gió mà”, vừa ngồi lướt điện thoại xem app, cô vừa kể.
Với giờ giấc như thế, việc ngủ đêm ngoài đường là chuyện đương nhiên. Những hôm nào không tiện đường về nhà, cô ngủ luôn tại trạm xe buýt, vì vậy có lần cô suýt bị cướp. Sau lần đó, cô không ngủ đêm bên ngoài nữa, cố gắng chạy từ sáng đến 10h đêm rồi về nhà ngủ.
Giữa tháng 12 vừa qua, cô Ánh phải đi mổ mắt vì biến chứng đái tháo đường dẫn đến phù nề võng mạc. Chỉ sau một tuần phẫu thuật, cô lại lao ra đường tiếp tục chạy xe dù bác sĩ dặn dò cần để mắt nghỉ ngơi ít nhất 2 tuần. Bụi đường và nhìn điện thoại khiến mắt cô sưng húp chỉ sau 3 ngày chạy, cô lại tìm đến bác sĩ nhưng nói dối mắt sưng do lột vỏ hành. “Cô là dân lao động, làm việc đã quen, nghỉ một hôm là thấy không yên trong người”, cô Ánh chia sẻ.
Từ cõi chết trở về
Cô Ánh tự nhận mình là người thành công nhờ chạy GoViet. Cô có trong tay 01 chiếc ôtô mua trả góp, sắm thêm cho mình 01 chiếc xe tay ga, mua cho con gái tivi và điện thoại… từ thu nhập khi chạy xe.
Tuy nhiên, ít ai biết được câu chuyện đời đầy nước mắt, “chết đi sống lại” mà cô chưa từng hé răng than vãn.
Chồng mất khi con gái mới được 3 tuổi, cô Ánh trở thành mẹ đơn thân với hai bàn tay trắng, cô làm tất cả mọi việc để có tiền lo cho con ăn học. Vốn bản lĩnh, thông minh, những năm thập niên 90, cô bắt đầu tập tành kinh doanh, mở quán ăn và có một số vốn kha khá. Cô tiếp tục mở hết quán này đến quán khác, trả mặt bằng chỗ này thì thuê tiếp chỗ khác, cuộc sống của cô không quá giàu nhưng cũng đủ để cô được nhiều người gọi là “bà chủ”.
Năm 2014, quán ăn gặp biến cố: “Lần đó, mấy trăm triệu cô đầu tư vào mặt bằng và quán coi như mất trắng, cô không còn một xu dính túi”, cô Ánh đăm chiêu nhớ lại.
Đau khổ, cùng quẫn, cô tìm đến cái chết. Cô mua thuốc ký ninh, thuê một khách sạn trên quận 10 vào uống thuốc để tự kết liễu đời mình. Vừa may, bảo vệ nghi ngờ nên báo với khách sạn kiểm tra, cô được đưa đến bệnh viện Trưng Vương trong tình trạng gần như chết lâm sàn, huyết bắt đầu chảy ra ở mũi, miệng và tai, tay chân cứng dần, huyết áp hạ gần bằng 0, tưởng chừng như không thể cứu được.
Cô Ánh không còn nhớ mình đã nằm trong bênh viện bao lâu, cô chỉ nhớ ngày cô tỉnh lại, đứng còn chưa vững, cô vội rút dây chuyền nước biển, tay còn nguyên kim tiêm và băng y tế, cứ thế lết xuống cầu thang trốn khỏi bệnh viện vì “cô không muốn cho ai biết cô tự tử”. Rời khỏi bệnh viện, cô lê la khắp các ngã đường đi ăn mày. Nhưng “cô xin ăn, chứ không xin tiền, vì cô sĩ diện”, ai hỏi cô tên gì, cô đều lắc đầu giả vờ như mình là người điên, dù cô hoàn toàn tỉnh táo và nhớ tất cả.
“Ngày đi xin cơm ăn, đêm ngủ ở gầm cầu, góc chợ”, cuộc đời cô Ánh gần như rơi xuống tận đáy của vũng bùn.
Đến một ngày, người thân vô tình bắt gặp cô đang ngồi ở gầm cầu và đưa cô về. Con gái không cho cô đi nữa, muốn được chăm sóc mẹ khi tuổi đã xế chiều. Cô từ chối vì “cô đã tự nuôi mình, nuôi con suốt mấy chục năm qua, thì giờ, khi sức cô còn, cô vẫn sẽ tự làm để nuôi chính mình”, cô Ánh nói.
Thế là cô đăng ký chạy xe ôm công nghệ. Ban đầu cô chạy xe mượn của một người em họ, sau đó mua xe và điện thoại trả góp để “chính chủ” đứng tên đăng ký xe trên hệ thống GoViet.
Khi được hỏi vì sao không chọn nghề giúp việc, nhẹ nhàng hơn mà vẫn có thu nhập ổn định, cô Ánh thẳng thừng: “cô muốn được làm chủ chính mình, làm chủ thu nhập bản thân”.
Cô Ánh trong lúc ngồi chờ khách |
Đến nay, sự cố gắng và nỗ lực của cô đã được đền đáp bởi những tài sản mà cô có, chiếc ô tô mua trả góp cũng được cô cho thuê để lấy tiền lời mỗi tháng, kiếm thêm thu nhập. Cô cũng chủ động tự học và thi bằng lái ô tô, có thời gian rảnh lại lái xe chở con cháu đi chơi, thăm thú đây đó. Tuy nhiên, cô vẫn chọn đồng hành với xe máy bởi bên cạnh trở ngại chạy ô tô trong điều kiện đường xá đông đúc, chi phí xăng xe cao, cô Ánh còn cho biết: “Cô thích cảm giác được làm chủ tay lái trên đường, được tự do di chuyển, nắng gió một chút nhưng mình được là chính mình, chạy xe máy vẫn vui hơn”.
Cô Ánh còn nổi tiếng trong giới anh em xe công nghệ bởi tính tình thẳng thắn, cương trực, luôn báo cáo gian lận đến hãng. Cô chia sẻ nhiều lần bị khóa áp cũng vì quá thẳng thắn với khách, cô cũng trở thành người bị ghét vì rất nhiều lần báo cáo lên tổng đài những trường hợp gian lận.
GoViet là công việc, cũng là nguồn sống của cô cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cô Ánh cười, đôi mắt ánh lên niềm tin: “Mọi cố gắng nỗ lực đều sẽ được đền đáp, đồng tiền được làm ra bằng chính sức lực của mình là đồng tiền có giá trị nhất”.