Lời toà soạn: Năm học mới bắt đầu chưa được bao lâu, học sinh phải học online trong trạng thái "bình thường mới". Áp lực trường lớp không vì thế mà thay đổi, đặc biệt là việc giao bài tập về nhà có khi nhiều tới mức không cần thiết, đang là một gánh nặng mà nhiều học sinh, ngay từ cấp tiểu học đã gặp phải. Một nữ sinh lớp 10 ở TP.HCM đã bày tỏ quan điểm của mình thông qua bức thư viết cho nhà trường. Dưới đây là nội dung bức thư.
"Kính gửi Ban Giám Hiệu
Con là... lớp 10... trường V...
Đầu tiên, con xin phép được thay mặt các bạn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Thầy, Cô và Ban Giám Hiệu. Con biết rằng nhà trường đã rất cố gắng đem đến cho chúng con trải nghiệm học tập trọn vẹn nhất có thể. Con biết ơn mọi sự hỗ trợ mà con nhận được xuyên suốt thời gian học online.
Con đã muốn viết bức thư này cách đây 1 tuần trước nhưng đã không thể vì con vẫn chưa hoàn thành hết bài tập về nhà. Và đó cũng là lý do con viết bức thư này - bài tập về nhà đang chiếm hết toàn bộ thời gian của chúng con.
Trong bốn tuần học vừa qua chúng con đã bị khủng hoảng với số lượng nhiệm vụ mà nhà trường giao cho.
Con đã phải chạy đua với bài tập ngày từ tuần đầu tiên trở lại trường. Tiến độ của các môn học thật sự làm con bị choáng ngợp, kể cả khi con vẫn dành thời gian học suốt mùa hè (các khóa học trên Edx và Coursera). Vì vậy, không phải vì tụi con chưa quen với bài tập, mà là tụi con không thể quen với số lượng bài tập như thế này.
Lớp con đã thực hiện một khảo sát nội bộ: Mỗi ngày các bạn dành trung bình hơn hai đến ba tiếng đồng hồ chỉ để làm bài tập về nhà. Thống kê số lượng bài tập và thời gian cần để hoàn thành cũng đưa ra kết quả tương tự. Đa số các bạn ngủ sau 11 giờ đêm và chỉ ngủ được 6-8h một ngày, tức là thời gian sử dụng thiết bị điện tử cho mục đích giáo dục còn nhiều hơn.
Con nghĩ rằng việc dành ra 3 tiếng mỗi ngày để làm bài tập là đi ngược lại với giá trị cốt lõi của trường V.
Đầu tiên là ham học hỏi: Áp lực từ các nhiệm vụ trên trường dập tắt niềm vui được đến trường của chúng con. Đáng nhẽ giáo dục phải là một quyền lợi mà con may mắn nhận được, thế mà giờ đây con đang sợ hãi nó. Mỗi buổi sáng thức dậy, con đều cảm thấy lo lắng về buổi học mới với đống bài tập mới. Âu lo đó thậm chí không tan biến kể cả khi con đã đi ngủ, khi con nghĩ rằng liệu mình đã cố hết sức chưa? Liệu bài đó có cách làm khác thông minh hơn không? Liệu cái vòng tròn luẩn quẩn này có hồi kết?
Làm bài tập về nhà không đến từ sự chủ động của chúng con. Chúng con làm bài với tâm thế để có điểm, để không bị quở trách, để không bị bêu xấu trước cả lớp,... chứ hầu như không phải vì tự nguyện. Nếu không bị nhắc nhở, hay trừ điểm thì e rằng sẽ không ai muốn làm bài tập trường giao.
Lượng bài tập tỉ lệ nghịch với thời gian riêng tư của học sinh dành cho sở thích, mối quan tâm cá nhân. Bắt chúng con dành thời gian làm 10 nhiệm vụ mỗi ngày tương tự việc tước đi quyền được làm điều mình thích (bởi vì sau khi học thì chẳng còn thời gian tận hưởng cuộc sống).
Chúng con nhận được rất nhiều bài quiz từ kiểm tra tự học đến kiểm tra sau tiết học, phiếu bài tập, bản báo cáo cần hoàn thành, chủ đề cần nghiên cứu, nhưng nhận được rất ít sự tôn trọng cho vùng tự do của mình.
Hơn nữa, cách thiết kế bài tập về nhà hiện nay không đủ kích thích sự sáng tạo. Dường như nhà trường muốn học sinh hoạt động như một cỗ máy có thể tìm m để tập hợp D có nghĩa, có thể ghi nhớ đặc điểm của người tinh khôn, có thể lí giải vì sao Nhật Bản lại thường xuyên xảy ra động đất, có thể viết một bài văn nêu cảm nhận của em (nhưng chấm theo ý kiến của cô) về bài thơ em chẳng thể nào thấm nổi,... làm tất cả chỉ trong 1 giờ mỗi ngày.
Từ những ý đã nêu trên, con cho rằng lượng bài tập hiện nay là đi ngược lại với mục tiêu giáo dục của V.
Không chỉ vậy, nó còn đi ngược lại với xu thế toàn cầu.
Phần Lan là nước có nền giáo dục tốt nhất thế giới. Tại đây giáo viên giao cho học sinh cực kỳ ít bài tập về nhà, chỉ cần làm khoảng 15-30 phút/ngày. Trong một tuần, học sinh chỉ mất trung bình 2,8 tiếng để làm bài. Thời gian còn lại dành cho gia đình, bạn bè, thể thao hay các hoạt động cộng đồng khác.
Một khảo sát được thực hiện trên 4,317 học sinh trung học của Stanford đã cho thấy những mặt khuất của bài tập về nhà. Trong đó, 56% học sinh cho biết bài tập là nguyên nhân đầu tiên gây căng thẳng và chỉ 1% có ý kiến ngược lại. "Bận rộn làm bài tập về nhà khiến học sinh chán nản với việc học, và chỉ làm bài tập đơn giản để cho xong và để lấy điểm", Denise Pope, một giảng viên cấp cao của trường Stanford và là đồng tác giả của nghiên cứu được đăng trên tạp chí giáo dục Journal of Experimental Education, nói.
Hơn nữa, sử dụng máy tính quá lâu còn dẫn tới nhiều mối nguy hại đến não bộ.
Một nghiên cứu đến từ đại học Y Harvard cho biết màn hình điện tử tác động đến sự phát triển “nghèo nàn" của não bộ.
Ánh sáng xanh từ màn hình cản trở giấc ngủ vì nó ức chế các hormone melatonin. Không ngủ ngon sẽ dẫn đến tình trạng kiệt quệ vào sáng hôm sau và lại khó tiếp thu bài hơn, kết quả học tập kém đi.
Growing Up Digital (GUD) đang thực hiện một nghiên cứu toàn cầu về ảnh hưởng của công nghệ số hóa đến thể trạng, tinh thần và sự hòa nhập xã hội. Nghiên cứu dự kiến sẽ được thực hiện đối với 3000 - 5000 người trẻ, kéo dài trong 10 năm.
Theo con, chúng ta không cần đợi kết quả từ nghiên cứu dài hơn đó, bởi vì chính chúng con đã là một bằng chứng sống của tác hại từ màn hình máy tính. Khó ngủ, nhức đầu, đau mắt, mỏi lưng, đờ đẫn, cáu gắt, kiệt quệ là những gì chúng con đang phải chịu đựng.
Con tin chắc chắn rằng kiến thức không chỉ đến từ nhà trường và bài tập về nhà. Có một thực tế rằng con đã học được rất nhiều điều khi không dành thời gian cho sách vở. Con học về nhân đạo khi tìm hiểu khủng hoảng ở Afghanistan, con học về quyền con người qua luật phá thai gay gắt ở Texas, con nhận ra tác động của một hình xăm từ vụ việc cô phó hiệu trưởng Văn Thùy Dương, con hứng thú với ảnh hưởng của một bộ phim truyền hình đến tỉ lệ tội phạm,... Thậm chí, việc viết nên bức thư này cũng giúp con biết thêm được nhiều thông tin vô cùng quan trọng mà có lẽ con sẽ không có được nếu chỉ ngồi 3 tiếng làm bài tập.
Chúng ta đang đứng ở một thời kỳ đặc biệt, khi mà gần 50% kiến thức về một lĩnh vực bất kỳ sẽ bị “hết hạn" khi học sinh tốt nghiệp. Một thời kỳ mà 65% học sinh tiểu học sẽ làm một công việc mà bây giờ thậm chí chưa tồn tại. Vậy câu hỏi con đặt ra là, bài tập về nhà liệu có chuẩn bị đủ hành trang cho chúng con bước vào thời kỳ đó hay không?
Con cảm ơn nhà trường vì đã dành thời gian cho chúng con".
Trần Khánh An
Dạy học trực tuyến: Một 'liều kiến thức' bao nhiêu là đủ?
Khi đã có máy tính và sóng – những trang thiết bị cần thiết để bắt đầu thực hiện việc dạy học trực tuyến – thì lúc này, sự thay đổi của phương thức dạy và học sẽ quyết định chất lượng dạy học.