- Là một trong 7 dự án góp mặt tại Gala “Vietnam’s Young Leader” do Thành đoàn Hà Nội và Trung tâm Ivycation phối hợp tổ chức, lập trình Toán tương tác của Nguyễn Nga Nhi (học sinh lớp 12 Toán 1, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam) gây ấn tượng vì mô hình này cho phép học sinh tự khám phá bài toán một cách trực quan, sinh động. 

Xuất phát từ mong muốn giúp các bạn học sinh còn đang e ngại môn Toán có thể hiểu những bài toán trừu tượng một cách đơn giản, trực quan, Nga Nhi đã cùng với bố của mình là anh Nguyễn Lân Hùng Quân lên ý tưởng và cho ra đời sản phẩm lập trình Toán tương tác. Dự án này đã nhận được nhiều phản hồi rất tích cực của các thầy cô giáo đang giảng dạy bộ môn Toán.

{keywords}

Nguyễn Nga Nhi gây ấn tượng với lập trình Toán tương tác

Với học sinh tiểu học, khi nhận biết về hình lập phương, giáo viên phải sử dụng đến những khối gỗ để giới thiệu. Tuy nhiên, việc trình bày theo dạng thức này rất khó khăn bởi trong một lớp học đông, giáo viên không thể mang khối hộp ấy đến chỗ của từng học sinh.

Do vậy, mô hình của Nga Nhi đã biểu diễn lại khối lập phương lên màn hình theo dạng 3D. Ở đó, học sinh có thể di chuyển xung quanh, quay, lật khối lập phương để nhìn các mặt một cách trực quan. Với mô hình này, Nga Nhi mong muốn rằng, bất kì ai khi tiếp cận cũng sẽ thấy môn Toán không còn đáng sợ.

“Em nghĩ ra ý tưởng này khi đang hướng dẫn các bạn cùng lớp giải toán. Thông thường, cách suy nghĩ của em sẽ là mô hình hóa bài toán và em thấy rất dễ hiểu. Tuy nhiên các bạn lại không suy nghĩ như em. Từ đó em nghĩ rằng, nếu có thể biểu diễn được suy nghĩ của mình lên màn hình thì các bạn sẽ dễ dàng hiểu hơn”.

Với mong muốn ấy, Nga Nhi đã tạo ra một mô hình biến mỗi bài toán trở nên thú vị khi tiếp cận. Ví dụ, với một bài toán đếm hình tam giác cơ bản của học sinh lớp 1, không phải học sinh nào cũng có thể tưởng tượng ra những hình tam giác đôi, tam giác ba,… Vì thế trong mô hình tương tác của Nhi, khi người học muốn đếm hình nào chỉ cần nhấn vào, phần hình tam giác ấy sẽ sáng lên. Từ đó học sinh có thể hiểu rằng, từ nhiều tam giác nhỏ có thể tạo ra một hình tam giác lớn hơn.

{keywords}

Mô hình Toán tương tác cho phép học sinh tự khám phá bài toán một cách trực quan, sinh động.

Để thực hiện dự án này, Nhi cho biết, em đã dành ra 3 tháng để mày mò lập trình cho từng bài toán. Tính đến hiện tại, Nga Nhi đã làm ra hơn 100 sản phẩm với hơn 100 mô hình khác nhau. Đối tượng em hướng tới hiện tại là học sinh cấp 1, cấp 2.

“Đối tượng sử dụng công cụ của em hiện tại là những học sinh nhỏ vì các bài toán cấp 1 khá sơ đẳng. Do đó việc lập trình cũng không quá phức tạp. Đặc điểm của mô hình rất vui mắt nên học sinh cấp 1 khá thích thú với những bài toán này.

Ngoài ra, trong dự án em còn tổ chức ra các lớp hướng dẫn học sinh THCS tự xây dựng mô hình Toán tương tác cho riêng mình” – Nga Nhi chia sẻ.

Tại lớp học này, Nga Nhi sẽ trực tiếp đứng lớp cung cấp cho học sinh cấp 2 những hiểu biết căn bản về lập trình. Từ đó, các em có thể tự mình sáng tạo ra những chương trình tương tác cá nhân.

“Việc giải được một bài toán giống như khi ta vượt qua một bàn chơi gay cấn trong một trò chơi nào đó. Mô hình này sẽ giúp học sinh chủ động hơn trong việc học tập. Các bạn không phải đi theo bất kì con đường nào đã được định sẵn.

Giống như một đứa trẻ, các bạn được tự tìm tòi. Có thể sẽ sai nhưng lâu dần sẽ tìm ra hướng đi đúng. Việc tự làm ra những sản phẩm lập trình khi còn nhỏ, tuy đơn giản nhưng cũng là nguồn cảm hứng giúp các bạn bước đầu tiếp cận đến lập trình ở bậc phổ thông” - Nga Nhi nói.

Dựa trên những điều căn bản về lập trình, những “học viên” có Nhi đã có thể tự rút ra cách thức, tự tìm hiểu và sáng tạo để tạo ra những sản phẩm kế tiếp.

Hiện tại, chương trình Toán tương tác còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Vì thế, Nga Nhi mong muốn rằng, trong tương lai, các giáo viên cũng có thể sử dụng công cụ này để thay thế Powerpoint đơn thuần phục vụ cho việc giảng dạy.

“Mọi người thường nghĩ lập trình rất khó nhưng thực tế, em đã dạy được học sinh lớp 6 sau 3 tiếng đồng hồ có thể làm ra một sản phẩm. Em nghĩ nếu các bạn nhỏ được tiếp cận với mô hình này sớm thì môn Toán sẽ không còn gì đáng sợ nữa”.

{keywords}

Mô phỏng bài toán đếm hình lập phương có sơn 4 mặt. Những khối lập phương có thể di chuyển để học sinh quan sát trực quan (Ảnh cắt từ clip).

Nga Nhi cho rằng, hiện nay các giáo viên thường giảng bài toán theo các bước tuần tự, công thức nên có thể sẽ gây khó hiểu cho học sinh. Nhi mong muốn tìm ra cách nào đó để giải thích chúng một cách đơn giản hơn.

“May mắn khi học toán em có được suy nghĩ hình tượng hóa. Em nghĩ đó cũng là một lợi thế và em mong muốn sử dụng khả năng của mình để giúp mọi người. Việc hình tượng hoá khiến các bài toán thực sự đơn giản và thú vị”.

Với những sáng tạo và tính mới mẻ của dự án, Lập trình Toán tương tác của Nga Nhi đã dành giải Outstanding Award (Giải Nổi bật) trong Gala “Vietnam’s Young Leader 2018 – Nhà lãnh đạo trẻ Việt Nam 2018” do Thành đoàn Hà Nội và Trung tâm Ivycation phối hợp tổ chức.

Ngoài ra, 2 dự án khác cũng đã dành giải Creative Award (Giải Sáng tạo) là dự án Act Voice và giải Impressive Award (Giải Ấn tượng) là dự án Hub Brig.

Act Voice là dự án tổ chức các lớp học tự vệ miễn phí nhằm giúp những người phụ nữ học được kỹ năng tự vệ để bảo vệ chính mình, bảo vệ người khác khi bị tấn công, bạo hành hoặc xâm hại.

Trong khi đó, Hub Bright là dự án nhằm giúp đỡ các nạn nhân và những người trực tiếp tham gia vào kháng chiến chống Mỹ thông qua “Cửa hàng không đồng” với mục tiêu “Ai dư mang đến, ai thiếu mang về”. Ngoài ra, dự án còn trao những suất quà và thư cảm ơn động viên tới các cựu chiến binh. Mục tiêu lâu dài của dự án sẽ tạo ra một bộ tài liệu lưu trữ những mẩu chuyện về chiến tranh, giúp thế hệ sau có cái nhìn chân thực về kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Là cháu nội của chuyên gia Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam, Nguyễn Nga Nhi là một mầm non sáng giá của dòng họ Nguyễn Lân.

Nguyễn Nga Nhi được biết tới là “cô bé vàng” của Toán học trẻ Việt Nam khi đoạt huy chương vàng Toán châu Á Thái Bình Dương tại Singapore năm 2013. Với vị trí xếp hạng thứ 4, Nguyễn Nga Nhi là thí sinh Việt Nam đầu tiên lọt vào Top 10. Năm 2014, Nga Nhi tiếp tục đoạt huy chương vàng trong cuộc thi Toán học trẻ quốc tế tại Hàn Quốc. Năm 2015, em cũng đoạt huy chương bạc trong cuộc thi này.

Em cũng từng được biết tới là thủ khoa đầu vào của ba khối chuyên: chuyên Toán Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm, chuyên Toán Trường THPT chuyên Đại học Khoa học tự nhiên và chuyên Lý Trường THPT chuyên Đại học Khoa học tự nhiên.

 Thúy Nga

Địa chỉ ‘vàng’ của sinh viên khoa học tự nhiên

Địa chỉ ‘vàng’ của sinh viên khoa học tự nhiên

Với nhiều ưu điểm, Khoa Khoa học Tự nhiên trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã và đang là môi trường học tập, rèn luyện mẫu mực cho sinh viên.

2 nữ sinh VN giành giải khoa học kỹ thuật quốc tế

2 nữ sinh VN giành giải khoa học kỹ thuật quốc tế

Đoàn học sinh Việt Nam đã giành 1 giải Ba tại cuộc thi khoa học kĩ thuật quốc tế 2018 tổ chức tại Mỹ và 1 giải Khuyến khích do tổ chức National Institute on Drug Abuse (NIDA) trao tặng.

Dự án của học sinh VN giành giải Ba cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Mỹ

Dự án của học sinh VN giành giải Ba cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Mỹ

Theo thông tin trực tiếp từ lễ trao giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật Quốc tế 2018 (Intel ISEF 2018) tổ chức tại Mỹ, đội tuyển Việt Nam giành được 1 giải Ba lĩnh vực Hóa sinh.

Khoa học và Công nghệ là giải pháp đưa Việt Nam tới CMCN 4.0

Khoa học và Công nghệ là giải pháp đưa Việt Nam tới CMCN 4.0

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, các sản phẩm, dịch vụ KHCN sẽ góp phần giúp Việt Nam xây dựng hệ sinh thái số lớn mạnh, đủ khả năng bắt kịp chuyến tàu CMCN lần thứ 4 của thế giới