Mới đây, nữ sinh N.T.H (15 tuổi, học lớp 9 ở Thái Nguyên) được chuyển từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) sang Viện Sức khỏe Tâm thần điều trị tâm lý. Bệnh nhân vào viện vì buồn chán, có hành vi tự hủy hoại bản thân và đã uống thuốc diệt chuột.

Gần đây H. thường xuyên buồn chán, ngồi một mình, ít nói, đêm ngủ kém, trằn trọc, không có hứng thú với các sở thích cũ như xem phim, nghe nhạc, dễ cáu gắt vô cớ. Bệnh nhân từng có hành vi dùng dao tự hủy hoại bản thân. 

benh nhan tram cam.png
Bác sĩ trò chuyện với nữ sinh tại phòng điều trị. Ảnh: BSCC.

Sau đó, H. uống thuốc diệt chuột và được gia đình phát hiện kịp thời đưa vào trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi cấp cứu ổn định, các bác sĩ chuyển H. qua điều trị tâm lý. 

Tại Viện sức khỏe tâm thần, qua thăm khám và hỏi bệnh phát hiện trầm cảm, có hành vi tự sát, cảm xúc không ổn định, dễ căng thẳng. Các bác sĩ đã cho sử dụng thuốc chống trầm cảm kết hợp với điều trị tâm lý, phối hợp với gia đình.

Theo Bác sĩ Bùi Văn Lợi - Phó Trưởng phòng Rối loạn cảm xúc và Rối loạn ăn uống (Viện Sức khỏe Tâm thần), thống kê của ngành y tế cho thấy khoảng hơn 20% trẻ em Việt Nam mắc các triệu chứng rối loạn tâm thần.

Vì vậy, bác sĩ Lợi khuyến cáo các gia đình nếu thấy trẻ có dấu hiệu buồn bã, hay khóc; cảm giác vô vọng; cáu gắt, dễ nổi nóng; mất hứng thú với sở thích; cảm giác vô giá trị, tội lỗi; nhạy cảm với lời từ chối; suy nghĩ về cái chết... nên cho con đi khám ngay, điều trị sớm.