Là học sinh lớp 12 của trường PTTH An Lão, Hải Phòng, Lê Huyền Trang cho biết, em đã từng rất tự ti, sống khép kín, và vô cùng buồn chán khi bố mẹ quyết định mỗi người một nơi…

Tuy nhiên, Trang bảo, đấy là câu chuyện của 5 năm về trước, khi em đang là học sinh lớp 7. Còn bây giờ, đã là học sinh của lớp 12, những câu chuyện buồn cũng đã lùi dần về quá khứ. Vì thế, Trang đã có thể thoải mái hơn để chia sẻ với mọi người những câu chuyện mà Trang đã từng giấu kín ở trong lòng.

{keywords}
Lê Huyền Trang và những trải lòng về câu chuyện gia đình.
 

Trang kể: “Trước khi đi đến quyết định ly hôn, có một thời gian dài, bố mẹ em thường xuyên cãi nhau, giận nhau, rồi không ai nói với ai câu nào. Không khí gia đình căng thẳng, và ngột ngạt đến nghẹt thở.

Thế rồi, vào một ngày, bố mẹ lần lượt tìm gặp em và nói với em rằng, họ sẽ ly hôn, vì họ không hợp nhau, không còn yêu nhau nữa nên không thể tiếp tục sống chung với nhau trong 1 mái nhà.

Em nghe mà sững sờ dù đã xác định từ trước là sẽ có ngày như vậy.

Thế rồi, em khóc rất nhiều, nhưng chỉ khóc những lúc có một mình. Sau đó, em để bố mẹ tự giải quyết vấn đề của mình mà không níu kéo, không than trách bố mẹ vì em biết, tình cảm bố mẹ dành cho nhau đã không còn. Có sống chung dưới một mái nhà thì cũng chỉ toàn là cãi cọ, giận dỗi mà thôi.

Thế nhưng, khi bố mẹ ly hôn xong, mẹ em đưa em trai em đi nơi khác, chỉ còn em sống với bố thì em hụt hẫng lắm, buồn lắm, nhớ mẹ nhớ em lắm.

Càng buồn hơn là khi em đi ra ngoài, người ta nhìn ngó, có người còn cấm con họ chơi với em…

Những lúc như thế, em chỉ tránh đi một chỗ để khóc, hoặc tìm đến một vài người bạn thân của mình để mà khóc nức nở . Ngoài ra, không bao giờ, em để cho bố mẹ của mình biết, em đang buồn đến thế nào?

Sau đó, sau một khoảng thời gian ngắn chìm đắm trong nỗi buồn, em nghĩ, nếu mình cứ tiếp tục u buồn và bỏ bê mọi thứ thế này thì tương lai của em, của bố mẹ em sẽ toàn là những màu đen tối. Vì thế, em đã tự tìm cách vượt qua nỗi buồn đó, lãng quên nó bằng cách vùi đầu vào việc học.

Vì chỉ có lúc bận rộn với việc học, em mới thấy bớt cô đơn. Vậy nên, năm ấy, em vẫn giữ được danh hiệu học sinh giỏi của trường.

{keywords}
"Để vượt qua nỗi cô đơn và buồn chán, em chỉ còn biết vùi đầu vào việc học".

Một năm sau thì em quen dần với việc ly hôn của bố mẹ, vì tuy đã dọn đến một nơi ở mới cách em hàng nghìn km nhưng mẹ em vẫn gọi điện cho em hàng ngày. Mẹ quan tâm đến em, và chia sẻ với em những buồn vui trong cuộc sống. Hơn nữa, ở gần em còn có ông bà ngoại.

Ông bà ngoại thương em vô cùng. Và bố em cũng vậy.

Tuy nhiên, khi em thi lên lớp 10 thì bố em lại quyết định xây dựng ra đình với một người mới. Vậy là, lại thêm một cú sốc lớn đến với em.

Từ đó, mặc dù biết bố thương yêu và lo lắng cho em rất nhiều, nhưng giữa em và bố cứ có một khoảng cách, em không nói chuyện với bố, cũng không muốn tiếp xúc với ai trong gia đình mới của bố.

Hàng ngày, em cứ đi học, về nhà ăn bữa cơm, rồi lại học, hoặc chạy qua chạy lại với ông bà ngoại vì em rất yêu quý và thương ông bà. Hơn nữa, đối với em, ông bà cũng là chỗ dựa tinh thần rất lớn. Động viên em rất nhiều trong cuộc sống, học tập. Giúp em mạnh mẽ hơn để đối diện với mọi đau buồn, mọi nỗi cô đơn.

Vậy nên, cho đến bây giờ, lên lớp 12 rồi, bố em lại chuẩn bị đón em bé chào đời, nhưng em không còn sốc nữa. Chỉ thoáng buồn. Bởi em đã xác định được mục tiêu phấn đấu của mình. Ấy là thi đỗ vào đại học để được trở thành sinh viên, được bước gần hơn đến với những ước mơ của mình và được đến sống cạnh mẹ.

Tuy nhiên, nói thì nói vậy, chứ thỉnh thoảng, nhìn thấy bạn bè có gia đình hạnh phúc, bố mẹ con cái quây quần bên nhau, em vẫn thấy buồn và chạnh lòng lắm. Bởi ai cũng vậy thôi, ai chẳng muốn được ở bên cạnh bố mẹ của mình, và thấy bố mẹ mình vui vẻ.

Nhưng, em cũng không trách bố mẹ em, vì em biết, bố mẹ em không còn tình cảm với nhau nữa, cố sống với nhau vì chúng em thì gia đình cũng không thể vui vẻ mà có khi càng ngày càng căng thẳng hơn. Vì thế, nếu ly hôn sẽ khiến bố mẹ em vui vẻ với cuộc sống hơn thì cũng là việc tốt nên làm”.

Minh Anh

(Ghi)

Bạn có câu chuyện tương tự, hãy kể cho chúng tôi theo địa chỉ email [email protected]! Trân trọng cảm ơn!