Vừa nhận thư báo đỗ kèm học bổng toàn phần 6,5 tỷ đồng từ Stanford - trường ĐH sàng lọc ứng viên ở mức “nghiệt ngã” nhất nước Mỹ, cô gái 18 tuổi Nguyễn Lê Hoài Anh khiêm tốn tâm sự “thực ra vào được Stanford là vượt qua cả những giấc mơ viển vông nhất của em”.
“Tất cả những thứ em có thể làm là nỗ lực hết mình”
Nhỏ nhắn xinh xắn nhưng nội lực vô cùng mạnh mẽ, sẽ không thể nào có thành quả kỳ tích này nếu như nữ sinh Lào Cai không dám ước mơ, quyết tâm vượt bậc tự lực vươn ra thế giới.
Năng động, sở hữu thành tích học tập ngoại khóa ấn tượng, cô gái học tiếng Anh lớp chuyên Anh – Trường THPT Chuyên Lào Cai từng được chọn là 1 trong 5 đại diện Việt Nam tham dự Chương trình Thủ lĩnh Thanh niên Đông Nam Á – Southest Asia Youth Leadership Program (SEAYLP), tổ chức bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kì và Đại học Northern Illinois vào năm 2015. Sau một tháng tham quan, học tập và có những trải nghiệm tuyệt vời ở Mỹ, em đặt quyết tâm trở lại Mỹ để học đại học.
Và đến Stanford để học là giấc mơ Hoài Anh từng nghĩ “viển vông nhất” của mình. Lên kế hoạch cụ thể và cố gắng từng ngày, cô gái Việt đã chinh phục ngôi trường danh giá em mơ ước bằng nghị lực mạnh mẽ, trái tim khát khao nồng cháy và một cá tính chân thực.
Trả lời câu hỏi “Những yếu tố nào khiến em được hội đồng tuyển sinh ĐH Stanford chấp nhận?”, Hoài Anh đáp: “Em nghĩ yếu tố quyết định việc em được nhận vào Stanford là sự quyết tâm”.
“Từ nhỏ tới lớn, em chưa có mong ước nào cháy bỏng hơn là được quay lại Mỹ học đại học. Rất nhiều lúc em buồn, thất vọng, mất hết niềm tin vào bản thân nhưng chưa có một khoảnh khắc nào em lóe lên suy nghĩ sẽ bỏ cuộc không nộp hồ sơ nữa. Tất cả những thứ em có thể làm là nỗ lực hết mình. Em tự nhủ, cứ cố gắng hết sức để ít nhất khi nhìn lại không thấy hối tiếc”, tân sinh viên ĐH Stanford chia sẻ.
Ở tỉnh miền núi Lào Cai, điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội giáo dục không được tốt như các thành phố lớn nhưng điều đó không cản trở được giấc mơ của cô gái nhỏ. Không biết một trung tâm tư vấn du học Mỹ nào ở tỉnh, không được tiếp xúc nhiều với các anh chị du học thành công, Hoài Anh bắt đầu bằng việc tự tìm hướng đi trên Internet.
Thời điểm nước rút đợt nộp hồ sơ Regular Decison cũng là lúc Hoài Anh đang gấp rút ôn thi HSG Quốc gia. Để cùng lúc đảm bảo chất lượng hồ sơ và hoàn thành đầy đủ bài tập đội tuyển, em sắp xếp thời gian sáng, chiều ôn thi và tối viết bài luận đến 2-3 giờ đêm mỗi ngày.
Không quản đường xa, nữ sinh Lào Cai tranh thủ cơ hội xuống Hà Nội tham gia các hội thảo để học hỏi kinh nghiệm, dự thi chuẩn hóa. Có những tháng, em đi đến 3-4 lần. Có lần, đại diện một trường đại học Mỹ sang Việt Nam và biết Hoài Anh đi từ Lào Cai xuống để gặp, cô ấy đã thốt lên rằng “Thật không tin là em đã đi xa thế để gặp cô. Cô có thể thấy em quyết tâm đến thế nào!”
Chính sự vượt khó đã giúp cô gái 18 tuổi tìm được chương trình hỗ trợ định hướng “Mentor-mentee” phi lợi nhuận của tổ chức truyền lửa du học Vietabroader. “Chị Eliza Hoang, sinh viên năm 2 trường Đại học Pennsylvania – người hướng dẫn của em đã giúp đỡ em rất nhiều trong quá trình apply”, Hoài Anh tâm sự.
Lay động hội đồng tuyển sinh bằng trái tim giàu nhiệt tình
Một lần lên Sa Pa, thấy các em nhỏ chỉ có manh áo mỏng trên người giữa mùa đông buốt giá. Bản thân không dư giả gì để có thể thực hiện dự án, với nhiều nỗ lực thuyết phục, Hoài Anh đã huy động được sự giúp đỡ của doanh nghiệp du lịch thành công. Từ đó, vào tháng 11 hàng năm, hàng trăm chiếc áo ấm mới đẹp được trao đến tay các em nhỏ vùng cao qua dự án “Warmth”.
Hoài Anh sáng lập “Hand in Hand project”, dự án phát triển túi giấy bảo vệ môi trường tiếp nối chương trình Thủ lĩnh Thanh niên Đông Nam Á (SEAYLP) em tham gia năm 2015. Sử dụng nguồn quỹ cấp trực tiếp từ Bộ Ngoại giao Hoa Kì và các hoạt động gây quỹ, “Hand in Hand project” trực tiếp cung cấp túi giấy thân thiện với môi trường đến các trường học nhằm giảm lượng tiêu thụ túi nilon. Dự án còn được 4 đại diện SEAYLP còn lại thực hiện ở Phú Thọ, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Một trong các bài luận phụ gửi Stanford của cô gái Việt có chủ đề: “Hãy viết một bức thư gửi đến bạn cùng phòng tương lai của em”. Để thể hiện sự quan tâm đến đa dạng văn hóa, Hoài Anh ngỏ lời muốn bạn cùng phòng tương lai chia sẻ đặc sắc văn hóa đất nước cô ấy và hứa hẹn cũng sẽ chia sẻ văn hóa Việt Nam, một ngày sẽ làm nem cho bạn ăn.
Có đoạn Hoài Anh viết: “Mình tên là Anh Nguyen. Nhưng nếu bạn có thấy khó khăn phát âm từ đó thì gọi mình là Amy. Dù mình biết văn hóa Mỹ rất rộng mở, mình không muốn trở ngại gây ra bởi tên khó phát âm ngăn cản mình hòa nhập vào môi trường này”. Em cũng chia sẻ niềm đam mê với Model United Nations (mô hình mô phỏng Liên Hợp Quốc) và khao khát làm hoạt động thiện nguyện.
Nữ sinh 18 tuổi thú thật: “Em nộp hồ sơ vào Stanford không mong gì hơn là lấy thư từ chối để làm kỉ niệm, để làm bằng chứng là ít nhất mình cũng đã cố gắng hết sức, cũng dám nộp đến Stanford”.
Trước ngày nhận kết quả từ ĐH Stanford là Ivy Day (ngày mà tất cả các trường trong khối Ivy League công bố kết quả), Hoài Anh không vào được trường Ivy nào nên rất buồn. Lần từ chối em nhớ nhất chính là lần trượt trong đợt nộp sớm Early Decision vào ngôi trường nuôi khá nhiều hi vọng. Buồn và sốc khi bị từ chối, em đã khóc rất nhiều. Một lần khác, Hoài Anh bị từ chối bởi một trường mà em hoàn toàn tự tin sẽ được nhận. “Nhận thư từ chối, em thấy hoang mang vì một trường an toàn mà còn trượt thì nói gì đến các trường top đầu”, Hoài Anh kể.
Kết quả từ Stanford đến vào sáng hôm sau ngày Ivy Day khi Hoài Anh đang ở trường, em đã định không mở email ra xem kết quả ngay vì nghĩ sẽ lại là một thư từ chối khác từ Stanford. Nhưng không, kết quả thật ngọt ngào đã đến với cô gái Việt giàu nội lực, lòng nhiệt tình, dám ước mơ và quyết tâm hành động.
Apply với tinh thần “không có gì để mất” và một niềm đam mê thực sự, câu chuyện thành công của nữ sinh Lào Cai minh chứng cho quyết tâm “không gì là không thể”. Sẽ nhập học vào tháng 8 tới, Hoài Anh dự định theo đuổi ngành học Quan hệ quốc tế ở Stanford.
Thầy Nguyễn Trường Giang - Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Lào Cai nhận xét: “Nguyễn Lê Hoài Anh là cô học trò thông minh, tư duy sắc bén, điều đáng quý là em luôn lắng nghe ý kiến đóng góp về điều chưa được của bản thân để điều chỉnh vì thế quá trình tự hoàn thiện rất nhanh.
Ở trường, Hoài Anh học tương đối đều, nổi bật nhất là môn Anh ngữ, em tự học và thi chứng chỉ IELTS đạt 8.0 lần đầu tiên năm lớp 11”.
Nhiều người trong tỉnh Lào Cai và cả nước khi biết tin cô nữ sinh miền núi phía Bắc giành học bổng toàn phần ĐH Stanford đều khá ngạc nhiên; thậm chí có người đã dùng từ “sửng sốt” để biểu lộ cảm xúc, còn thầy Hiệu trưởng và các thầy cô ở trường thì không bất ngờ với kết quả tuyệt vời của Hoài Anh.
Bảng thành tích của Nguyễn Lê Hoài Anh
- Học bổng toàn phần ĐH Stanford trị giá 288.000 USD (tương đương 6,5 tỷ đồng) cho 4 năm.
- 1 trong 5 đại diện Việt Nam tham dự Chương trình Thủ lĩnh Thanh niên Đông Nam Á – Southest Asia Youth Leadership Program (SEAYLP) tại Hoa Kì năm 2015
- 1 trong 4 đại diện Việt Nam tham dự Đối thoại Giáo dục Đông Nam Á tại Thượng Hải và Giang Tô, Trung Quốc
- Giải Nhì Học sinh Giỏi Quốc gia môn Tiếng Anh
- Huy chương Vàng Olympic Tiếng Anh qua Internet cấp Quốc gia (Top 10 điểm cao nhất)
- Huy chương Bạc Tài năng tiếng Anh cấp quốc gia
- Huy chương Bạc trại hè Hùng Vương
- Huy chương Đồng Hội thi học sinh giỏi các tỉnh duyên hải và đồng bằng Bắc bộ
- Người sáng lập Warmth – Dự án cung cấp áo ấm cho trẻ em vùng cao
- Người sáng lập Hand in Hand project – Dự án phát triền túi giấy bảo vệ môi trường
- Người sáng lập Model United Nations tại trường THPT Chuyên Lào Cai
Theo Lệ Thu (Dân Trí)