Giữa tháng 6, Vũ Mỹ Linh (16 tuổi, học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ) cùng đồng đội giành được huy chương Vàng nội dung Cờ chớp và Cờ tiêu chuẩn tại giải Vô địch cờ vua trẻ châu Á năm 2024 diễn ra ở thành phố Almaty, Kazakhstan. Mỹ Linh cho biết đây là giải để lại cho em rất nhiều cảm xúc.

Cách đó không lâu, nữ sinh cũng tham gia giải Vô địch cờ vua đồng đội quốc gia và giải Vô địch cờ vua trẻ quốc gia. Ở cả hai giải này, Linh cũng đều giành được huy chương.

“Những thành tích này đối với em là niềm vui lớn và cũng là cột mốc đánh dấu từng bước trưởng thành trên con đường chơi cờ chuyên nghiệp”, Linh nói.

z5597073570175_231ecee398b393eed5d758fc50ea3e06.jpg
Vũ Mỹ Linh, học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ.

Mỹ Linh đến với con đường chơi cờ kể từ khi hơn 3 tuổi. Sinh ra trong gia đình có bà là một vận động viên cờ vua, trước Linh, chị gái hơn em 7 tuổi cũng từng đoạt giải Vô địch cờ vua trẻ quốc gia. Cả bà và chị chính là những người truyền cảm hứng, dạy em những nước đi đầu tiên trên những ván cờ.

Lên 5 tuổi, Linh nhiều lần theo mẹ tới những giải thi đấu của chị. Nhìn chị đứng trên bục nhận huy chương, Linh ngưỡng mộ, tự hào và mong muốn sẽ được thử sức ở các giải đấu quốc gia, quốc tế.

Dưới sự dẫn dắt của bà và chị, lên 6 tuổi, lần đầu tiên Linh tham gia giải Vô địch cờ vua trẻ quốc gia và đoạt huy chương. Nhưng lần ấy vì chưa giành chức vô địch, Linh quyết tâm làm lại ở năm sau.

Những năm tiếp theo, Linh tham gia và liên tiếp vô địch. 8 tuổi, lần đầu tiên Linh được lựa chọn tham gia đánh giải Vô địch cờ vua trẻ châu Á. Năm ấy, Linh giành hai huy chương Vàng với số điểm tuyệt đối. Nhờ nhiều lần vô địch giải quốc gia, giành huy chương Vàng châu Á, Linh được phong danh hiệu Kiện tướng quốc gia vào năm 9 tuổi. 

z5597076540570_eecdb109328c04add2db0e4fb7177564.jpg
Linh trong Giải trẻ Nhanh Chớp thế giới 2018 tại Belaru.

Dù bận mải với các trận đấu, Linh vẫn duy trì “phong độ” với thành tích học tập xếp thứ nhất của lớp. Nhờ vậy lên cấp 2, Linh thi đỗ vào Trường THCS Ngoại ngữ.

Theo Linh, việc chơi cờ đã rèn luyện cho em tư duy và khả năng tích toán. Nhờ vậy, khi áp dụng vào các môn văn hóa, Linh học rất “nhàn” vì hiểu và tính toán nhanh.

Để làm tốt hai việc một lúc, ở mỗi thời điểm, nữ sinh đều phải có mục tiêu ưu tiên. “Chẳng hạn trong năm học, em sẽ tập trung vào việc học văn hóa. Khi rảnh rỗi, em sẽ rèn chơi cờ. Ngược lại vào dịp hè, em sẽ dành nhiều thời gian để tập cờ hơn. Em luôn có kế hoạch ưu tiên một thứ lên hàng đầu trong từng giai đoạn”, Linh nói.

Dẫu vậy, không phải lúc nào kế hoạch cũng diễn ra suôn sẻ. Không ít lần “thất bại” trong việc cố cân bằng giữa việc học và chơi cờ, thành tích thi đấu của Linh đi xuống, thậm chí có giải không nhận được huy chương nào.

“Trận khiến em nhớ nhất là lần tham gia giải Vô địch cờ vua trẻ thế giới ở Belarus năm 11 tuổi. Đó là trận em liên tiếp dẫn đầu trong 5-6 ván với điểm tuyệt đối. Thế nhưng, ở những ván gần cuối, em lại để bị thua “sốc” khiến tâm lý đi xuống, ảnh hưởng đến các ván sau”.

Kết quả trong cuộc thi ấy, từ vị trí thứ 1, Linh tụt xuống vị trí thứ 4 và không đoạt giải. Lần ấy, em buồn bã, chán nản và tuyệt vọng. Linh cho rằng, hành trình chơi cờ đã cho em nhiều cung bậc cảm xúc từ lo lắng, hồi hộp, buồn bã đến vỡ òa hạnh phúc.

“Sau những lần thất bại, em nghĩ bản thân cần phải bình tĩnh, giữ ổn định tâm lý, dù thua cũng không được nản cho đến khi hết các ván cờ. Em cũng dần làm quen với thất bại, không dễ dàng bỏ cuộc, nhờ đó tự tiếp thêm động lực cho bản thân lấy lại phong độ để đi tiếp”.

Hơn 10 năm chơi cờ, quãng thời gian “xa cờ” lâu nhất với Linh là giai đoạn ôn thi vào cấp 3. Khoảng 4 tháng trước ngày thi, Linh quyết định tạm gác lại tất cả. Dốc sức ôn luyện, nữ sinh thi đỗ vào 4 trường chuyên ở Hà Nội gồm: chuyên Anh của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, chuyên Anh của Trường THPT Chu Văn An, chuyên Anh hệ có học bổng của Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm và chuyên Nga của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Sau đó, nữ sinh chọn theo học tại lớp chuyên Anh của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ.

Vẫn ưu tiên cho việc học, lên cấp 3, Linh đầu tư phần lớn thời gian cho việc học văn hóa. Ngoài ra, nữ sinh dành 1 tiếng mỗi buổi tối để luyện tập cờ trên mạng. Tuy nhiên, Linh cho rằng cường độ này vẫn chưa đủ nhiều so với các bạn chơi cờ chuyên nghiệp khác. 

Ấn tượng về Linh, cô Phạm Hoài Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A2, đánh giá, dù bận mải với các trận đấu, Linh vẫn rất chăm chỉ, là một trong những học sinh có thành tích học tập tốt nhất lớp, đặc biệt trong các môn tự nhiên.

“Trong năm lớp 10, Linh đạt điểm trung bình môn Toán là 9,8, cao nhất lớp. Dẫu vậy, con cũng luôn khiêm nhường”, cô Thu nói.

Sau 10 năm gắn bó với cờ vua, Linh giành được khoảng 120 huy chương trong các trận đấu khu vực, quốc gia, quốc tế. Nhưng hơn cả những huy chương, theo Linh, điều hạnh phúc nhất là cờ vua đã cho em một đam mê, rèn cho em tính kỷ luật, bình tĩnh. 

“Khi chơi cờ, em luôn phải đặt mình vào góc nhìn của đối phương để suy xét mọi nước đi cho hiệu quả. Điều này cũng rất hữu ích khi em nhìn nhận các vấn đề trong cuộc sống”, Linh nói.

Gắn bó với cờ vua như một “nghề”, Linh kỳ vọng trong tương lai, em có thể chạm tới danh hiệu kiện tướng quốc tế và có thể theo đuổi con đường chơi cờ vua chuyên nghiệp.