Sự dũng cảm của nữ sinh Bangladesh trên khi dám công khai việc bị quấy rối tình dục cũng như cái chết của em 5 ngày sau đó, đã khiến công chúng phải đặc biệt chú ý tới sự nguy hiểm mà các nạn nhân của quấy rối tình dục tại quốc gia Nam Á này phải đối mặt. 

{keywords}
Nusrat Jahan Rafi bị thiêu sống vì tố cáo hiệu trưởng quấy rối tình dục

Nusrat, 19 tuổi, ở Feni, một thành phố nhỏ cách thủ đô Dhaka của Bangladesh 160km về phía nam. Em là học sinh của một trường Hồi giáo. Ngày 27/3, Rafi cho biết, hiệu trưởng gọi em vào phòng và liên tiếp có những đụng chạm không đúng đắn. Trước khi mọi việc đi xa hơn, Rafi đã chạy khỏi căn phòng.

Không giống nhiều em gái và phụ nữ trẻ ở Bangladesh thường giữ kín chuyện mình bị quấy rối hoặc lạm dụng tình dục vì sợ bị gia đình và xã hội làm nhục, Rafi không chỉ lên tiếng mà còn tới đồn cảnh sát trình báo những gì đã xảy ra với sự trợ giúp của gia đình.

Tại đồn cảnh sát địa phương, Rafi đã làm bản tường trình và bị một cảnh sát ở đây quay phim toàn bộ việc trình báo. Trong video, Rafi nhìn đầy đau khổ và cố dùng tay che mặt, song viên cảnh sát trấn an và nói cô bỏ tay ra. Tuy nhiên, đoạn video sau đó lại bị chuyển cho giới truyền thông địa phương.

{keywords}
Nhiều người đã đi dự tang lễ của Rafi 

Ngày 27/3, sau khi Rafi trình báo, cảnh sát đã bắt hiệu trưởng. Tuy nhiên, mọi việc trở nên tồi tệ với nữ sinh này. Một nhóm người tụ tập trên đường phố đòi thả hiệu trưởng và không ít người bắt đầu đổ lỗi cho Rafi.

Tới 6/4, khoảng 11 ngày sau khi trình báo cảnh sát, Rafi tới trường để thi. Sau đó, theo lời kể của Rafi, em được một bạn học đưa lên sân thượng của trường học với lý do, một trong các bạn của em đang bị đánh. Khi lên tới nơi, 4 hoặc 5 người, đều trùm khăn burqa kín mặt, bao vây Rafi và yêu cầu em rút đơn kiện hiệu trưởng. Khi nữ sinh này từ chối, họ tưới dầu và thiêu sống em.

Người đứng đầu ban điều tra của cảnh sát là Banaj Kumar Majumder cho hay, những kẻ giết người muốn mọi việc diễn ra như một vụ tự sát. Tuy nhiên, kế hoạch của những đối tượng này đã thất bại khi Rafi được cứu. Trước khi qua đời, Rafi đã kịp đưa ra lời khai.

"Một trong những kẻ giết người đã dùng tay ghì đầu Rafi xuống, vì thế dầu hỏa không chảy xuống đây và đầu nữ sinh này không bị thương", ông Majumder nói với BBC. Tuy nhiên, khi được đưa tới viện, các bác sĩ cho hay, các vết bỏng đã phủ khắp 80% cơ thể của nữ sinh này.

Do không thể cứu chữa, Rafi được chuyển lên bệnh viện trường Y Dhaka. Trên xe cứu thương, do sợ mình không sống được, Rafi đã tường thuật lại mọi chuyện trên điện thoại di động của anh trai.

"Hiệu trưởng sờ soạng tôi, tôi sẽ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng", Rafi nói trong đoạn ghi âm. Nữ sinh này cũng nhận diện được một số kẻ tấn công cô là học sinh trong trường.

Cảnh sát đã bắt giữ 15 người, 7 trong số này được cho là có liên quan tới vụ sát hại Rafi. Trong số người bị bắt, có hai nam sinh đã tổ chức các cuộc biểu tình ủng hộ hiệu trưởng trường.

Thủ tướng Bangladesh Hasina đã gặp gỡ gia đình Rafi ở Dhaka và cam kết sẽ đưa ra tất cả những người phạm tội ra pháp luật.

Cái chết của Rafi đã châm ngòi cho nhiều cuộc tuần hành và hàng nghìn người đã dùng mạng xã hội để thể hiện sự phẫn nộ về vụ việc của Rafi, lẫn cách đối xử mà nạn nhân bị tấn công tình dục ở Bangladesh gặp phải.

Hoài Linh