Mạng xã hội những ngày qua chia sẻ chóng mặt clip ghi lại cảnh hai nữ sinh liên tục dùng vũ lực ghì một nữ sinh khác xuống đất và cố tình kéo quần áo xem chỗ nhạy cảm. Trong khi đó, nữ sinh bị làm nhục chỉ biết van xin, chống cự yếu ớt.
Các đoạn clip được một nữ sinh khác quay lại. Nữ sinh này có can ngăn hai nữ sinh trên, bảo nên dừng lại, nếu không nạn nhân sẽ bị ngất và bị "đi tù".
Như VietNamNet đã đưa tin, đoạn clip trên được ghi lại tại khu vực vắng người ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Nạn nhân được xác định là em P.H.Y.N. (học sinh lớp 8). Hai nữ sinh đánh Y.N. được xác định là T.N. và H.M., đều học lớp 7, ngụ tại xã Thạch Kim.
Người thân của Y.N. cho biết em bị đánh một lần vào sáng 27/8 và hai lần vào ngày 28/8.
Nguyên nhân khiến Y.N bị đánh là do trước đó em có mượn ốp điện thoại của một trong hai nữ sinh trên, lúc trả lại thì hai nữ sinh cho rằng ốp điện thoại bị hỏng. Y.N. nói mình không làm hỏng ốp điện thoại nhưng vẫn sẽ đền tiền, song các nữ sinh này không đồng ý, dẫn đến đánh Y.N.
Bố mẹ Y.N đã ly hôn, em sống với bà nội. Sau khi bị đánh, làm nhục, Y.N sợ không dám nói với người thân. Vụ việc chỉ vỡ lở khi bà nội của Y.N thấy đầu gối cháu có vết xước. Sau nhiều lần gặng hỏi, Y.N mới dám nói thật. Rất bức xúc, gia đình em đã trình báo với lực lượng chức năng.
Xác nhận sự việc xảy ra trên địa bàn, lãnh UBND xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà cho biết, chính quyền địa phương đã nắm được sự việc và giao cho lực lượng công an xã phối hợp với nhà trường nơi các nữ sinh theo học để xác minh, làm rõ.
Vụ việc này lại tiếp tục gióng lên hồi chuông về nạn bạo lực ở các em trong lứa tuổi học đường. Bởi trước đó ít ngày, ngay tại Hà Nội cũng xảy ra một vụ bạo lực học đường tương tự.
Một nam sinh đã bị mẹ của bạn (từng là giáo viên mầm non) cùng nhiều người khác lao vào đánh hội đồng em.
Qua những vụ việc này, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đó là điều thật đáng buồn.
Theo PGS. TS Trần Thành Nam, câu chuyện bạo lực học đường không còn mới. Trách nhiệm trước hết là của nhà trường, ngành giáo dục. Trong đó, giáo dục kỹ năng, giá trị sống cho học sinh là nền tảng quan trọng để phòng, chống bạo lực học đường.
Theo đó, nhà trường phải phối hợp để hướng dẫn cho các em những kỹ năng để ứng phó khi bị bạo lực học đường, đưa ra một số tình huống thực tiễn để các em tìm cách ứng xử, giải quyết phù hợp.
Nhà trường cũng cần cung cấp những kiến thức, quy định pháp luật về xử phạt đối với các hành vi bạo lực để các em hiểu và tuân thủ.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhấn mạnh việc ngăn chặn bạo lực học đường không thể “giao khoán” toàn bộ trách nhiệm cho ngành giáo dục mà nó có liên quan mật thiết với gia đình học sinh. Theo đó, phụ huynh học sinh phải được tuyên truyền để tránh hành vi bạo lực ở nhà, bởi đây là một vấn đề nền tảng góp phần phòng chống bạo lực học đường.
Đồng thời, phụ huynh phải phối hợp cùng nhà trường để hướng dẫn con em mình kỹ năng ứng phó với hệ lụy do bạo lực học đường. Người lớn phải gần gũi, quan tâm, chia sẻ động viên trẻ biết vượt qua, bản lĩnh hơn để sống và học tập tích cực. Kỹ năng này giúp học sinh cân bằng tâm lý, tránh được trạng thái nổi loạn, ẩu đả gây bạo lực.
Cô Ngô Thị Hường (giáo viên tại thị xã Sơn Tây) cho rằng, nhà trường, đặc biệt là phụ huynh – những người gần gũi với con trẻ nhất cần dạy cho con các kỹ năng kiểm soát cảm xúc, tránh những cơn bốc đồng, thiếu kiềm chế dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, bố mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ kỹ năng xử lý bất thường khi xảy ra bạo lực học đường. Khi trẻ cảm thấy mình có thể gặp nguy hiểm thì biết cầu cứu những người xung quanh để không trở thành nạn nhân của nạn bạo lực học đường và không bao giờ để mình rơi vào nguy hiểm trong những vụ tranh luận, cãi cọ hay ẩu đả.