Hội trại APT JSO được thành lập từ năm 2012 và được tổ chức thường niên nhằm tìm kiếm và ươm mầm các thiếu niên tài năng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Hội trại APT JSO tập trung chủ yếu vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, đồng thời phát triển kỹ năng làm việc theo nhóm và kỹ năng trình bày thông qua thực hiện các dự án hợp tác cho các tài năng khoa học độ tuổi thiếu niên.
Mục đích của cuộc thi là tạo cơ hội trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm cho các học sinh tài năng khoa học; phát triển khả năng nghiên cứu và sáng tạo cho học sinh tài năng khoa học; tìm kiếm nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ trong ASEAN và các nước đối tác.
Thùy Dương chia sẻ đây là lần thứ tư mình tham gia vòng chung kết quốc tế của một kỳ thi khoa học, trải dài từ những năm đầu tiên của cấp 2 đến những năm đầu cấp 3. Tuy nhiên với Dương, lần đi thi APT JSO này lại khác, bởi đây là một cuộc thi có quy mô lớn, chuyên nghiệp và thay vì thi đơn, bạn được ghép đội với hai thí sinh đến từ trường khác.
“Hai anh từ trường Nguyễn Tất Thành đều rất giỏi, vì thế lúc đầu em cũng căng thẳng và có đôi chút lo lắng, hồi hộp. Tuy đây không phải lần đầu được giải ở một vòng chung kết quốc tế, nhưng lần này em vui muốn khóc luôn vì đề thi không chỉ phức tạp mà còn lệch hẳn thế mạnh của mình. Thế nên ngay từ lúc đầu, em đã chuẩn bị sẵn tâm lý là làm hết mình. Rất may mắn là qua 4 ngày thi đấu thì em và 2 anh đã cùng nhau mang được về hai giải Đồng cho tuyển Việt Nam. Em chỉ hơi tiếc một chút vì chưa đổi được màu huy chương cho bản thân và đội” - Thùy Dương chia sẻ.
Thuỳ Dương cho biết, chính niềm đam mê học tiếng Anh đã "dẫn lối chỉ đường" để ngay từ khi còn là học sinh lớp 4, Dương đã có ý định theo đuổi khoa học. Niềm đam mê đó rõ rang và mãnh liệt khi Dương lên cấp 2.
Đến với cuộc thi Nhà Khoa học trẻ Châu Á, nhóm của Thùy Dương lựa chọn đề tài nghiên cứu là “Sự ô nhiễm nhựa của môi trường nước”. Thuỳ Dương chia sẻ, bản thân mình là một người rất đam mê nghiên cứu cơ thể người và sức khỏe cộng đồng. “Nước lại ảnh hưởng trực tiếp đến việc sinh hoạt thường ngày. Vì vậy nếu nguồn nước ô nhiễm thì chất lượng đời sống cũng như là sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Điều này theo em là rất rõ ở Việt Nam, nên em muốn tìm hiểu sâu vấn đề này và giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, Thuỳ Dương chia sẻ.
Quá trình nghiên cứu, dưới góc nhìn cá nhân của mình, Thuỳ Dương nhận thấy đa phần sự ô nhiễm ở Việt Nam từ khá nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng. “Gần đây chúng ta đã chứng kiến rất nhiều những hiện tượng thiên nhiên với cái gốc là ô nhiễm môi trường như: Mưa acid, lũ, hạn hán,...nên theo em thấy thì mức độ ô nhiễm môi trường nói chung ở Việt Nam là khá nghiêm trọng. Về mặt ý thức thì những năm gần đây, người dân đã dần được biết đến những khái niệm về môi trường nên mọi người cũng bắt đầu sống xanh, sạch hơn, bất kể là già hay trẻ. Tuy còn nhiều điều phải sửa đổi và cố gắng, theo em về mặt ý thức thì mọi người đang thực hiện khá tốt, nhất là các bạn trẻ”, Thuỳ Dương nhận xét.
Nghiên cứu đề tài này, Thuỳ Dương mong muốn mọi người sẽ nhận ra tác hại của việc xử lý rác thải sai cách, biết trân trọng tài nguyên thiên nhiên và sức khỏe của mình hơn.
Trong phần dự án nghiên cứu về màu tự nhiên thay thế màu công nghiệp nhằm giảm ô nhiễm nguồn nước, Thùy Dương bày tỏ rằng đã có nhiều lúc gặp khó khăn trong việc đổi mới ý tưởng, bởi màu nhuộm tự nhiên là đề tài đã có từ trước. Tuy nhiên, đội của Thuỳ Dương đã nghiên cứu rất nhiều về mức tiêu thụ nước, khả năng bám màu cũng như cách để đa dạng hóa màu sắc.
Dương cho biết đây là phần phần hay nhất của dự án khi mình đã tìm ra được nhiều cách mới để ứng dụng dự án vào đời sống thường nhật. Hiện tại, Dương và đồng đội vẫn đang cố gắng phát triển và tiếp tục tìm hiểu để có thể nhuộm được nhiều màu hơn, với các họa tiết bắt mắt phù hợp hơn với ngành công nghiệp thời trang.
Trong quá trình thực hiện dự án, Thùy Dương đã có những kỷ niệm đáng nhớ với đồng đội. “Có lần chúng em sử dụng nghệ để thử nhuộm màu vàng-cam (vì em và hai anh đều thích màu áo polo của trường), cả ba anh em đều quên không đeo găng tay lúc thái nghệ, sau đó thì tay của chúng em vàng ươm y như những củ nghệ tươi. Một lần nữa là chúng em muốn thử nghiệm giảm và tăng độ pH của dung dịch nhuộm, với mong muốn sẽ điều hòa được các sắc của màu, trong lúc lấy acid acetic để pha vào dung dịch, em làm đổ một chút lên người, thế là cả ngày hôm đó em được gọi là Dương “Giấm” vì cả người em toàn mùi acid acetic (giấm).
Sau hơn hai tháng được làm việc cùng các anh và các chuyên gia, em cảm thấy mình đã học hỏi được rất nhiều, cả về cách giải quyết một bài toán khoa học, kiên trì theo đuổi một ý tưởng và kiểm soát cảm xúc khi gặp những vấn đề cần sự bình tĩnh và kiên định”, Thuỳ Dương chia sẻ.
Kết thúc cuộc thi, Thuỳ Dương lại vội vã với những chuyến thiện nguyện. Cô cho biết, bình thường mình rất bận, thậm chí có rất ít thời gian để tận hưởng những niềm vui nho nhỏ. Vì vậy những chuyến đi từ thiện này đối với Thuỳ Dương cũng là cách để e, tìm được bình yên ở trong trái tim của mình, sau một năm học vất vả.
“Việc được đi gặp các em nhỏ, các anh chị cùng đoàn là điều rất hạnh phúc mà em nghĩ nó sẽ mang một giá trị lớn hơn nhiều so với 2 chữ "từ thiện". Từ những niềm vui em góp nhặt được, em sẽ tìm được nguồn cảm hứng để tiếp tục sống hết mình. Nguồn cảm hứng của em chỉ đơn giản là nhìn mọi người xung quanh em cười”, Thuỳ Dương nói.