Quảng Ninh đang tích cực quy hoạch, bảo vệ vùng khoáng sản, cải tạo môi trường các khu vực khai thác lộ thiên, lộ vỉa… trên quan điểm phát triển kinh tế đi cùng bảo vệ tài nguyên môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

Nhiều nguy cơ khi sản lượng cao

Quảng Ninh là một trong số it địa phương sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng như than, đá vôi, đất sét, cát… với trữ lượng lớn. Lợi thế này đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp khai thác khoáng sản tại đây ngày càng phát triển với 243 mỏ và điểm quặng của 33 loại khoáng sản thuộc 6 nhóm khác nhau.

Hàng năm sản lượng khai thác khoáng phục vụ sản xuất công nghiệp ở Quảng Ninh đều tương đối lớn. Sản lượng khai thác đá vôi xi măng khoảng 4,2 triệu tấn; đá xây dựng 2,5 triệu m3; sét gạch ngói 1,3 triệu m3, than đạt trên 44 triệu tấn. Tuy nhiên, đi kèm nhịp độ phát triển nhanh của ngành công nghiệp khai khoáng chính là sức ép về môi trường.

{keywords}

Ngoài nguy cơ đe dọa đến trữ lượng nguồn khoáng sản, hoạt động khai thác và chế biến còn tạo ra ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, khí độc, khí nổ và chất thải ở khu vực khai thác cũng như các địa điểm lân cận. Một số khu vực ở Cẩm Phả, Uông Bí, Mạo Khê hay thậm chí Hạ Long, người dân phải chấp nhận sống chung với bụi.

Bên cạnh đó, tình trạng khai thác trái phép dẫn tới không có sự quản lý, tổ chức kinh doanh đúng quy định, không đủ năng lực quản lý mỏ. Điển hình tại một số vùng than ở Quảng Ninh, hoạt động khai thác trái phép còn khiến một số hồ thuỷ lợi vùng Đông Triều bị chua hoá, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước phục vụ nông nghiệp.

Định hướng khai thác bền vững

Trước bài toán khai thác khoáng sản hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế đi kèm quản lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, Quảng Ninh xác định quan điểm phát triển ngành công nghiệp có thế mạnh như khai thác than, điện, vật liệu xây dựng, cơ khí mỏ... kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

Với định hướng này Quảng Ninh triển khai xây dựng hàng loạt quy hoạch như Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đến năm 2010 tầm nhìn đến năm 2020; quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030...

{keywords}

Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Ninh đề nghị tiếp tục duy trì 5 khu vực cấm và 4 khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản than theo văn bản số 491 ngày 13/5/2002 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời bổ sung thêm 17 khu vực khoanh định cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích trên 181.000 ha, khoanh định 3 khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích gần 40.000 ha.

Tỉnh cũng Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện hàng loạt chính sách “mạnh tay” nhằm lập lại trật tự, giải toả bến bãi chế biến, tiêu thụ than trái phép và quy hoạch đường vận chuyển, cảng bến xuất than. Người dân cũng phối hợp cùng chính quyền và các ngành chức năng giám sát, phát hiện các hoạt động khai thác khoáng sản không được cấp phép.

Ngoài ra, Quảng Ninh còn nỗ lực cải tạo, phục hồi môi trường tại các khu vực khai thác lộ thiên, lộ vỉa. Đồng thời yêu cầu trong hoạt động khai thác cát, DN khai thác đến đâu phải hoàn nguyên đến đó. Còn hoạt động khai thác đá sẽ ưu tiên những DN có công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến.

Hiện đông đảo doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều lên phương án cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, 107 đơn vị cũng đã ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường - kinh phí để khắc phục môi trường nếu doanh nghiệp gây ra ô nhiễm hoặc suy thoái môi trường - với tổng số tiền trên 733 tỷ đồng.

D. An (tổng hợp)