Chiều cuối tuần không hẹn trước, chúng tôi gặp gỡ nữ luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, Ủy viên ban Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em, tại quán cà phê quen.
Bà vẫn giữ thói quen vùi đầu vào đống hồ sơ, tai nghe điện thoại. Lại một cuộc gọi nữa từ gia đình có trẻ em bị xâm hại. Tôi đoán vậy vì loáng thoáng nghe bà tư vấn cho người gọi đến với tâm trạng trĩu nặng.
Nhiều năm qua, bà trở thành niềm tin, chỗ dựa, lá chắn sống của trẻ em bị xâm hại. 65 tuổi, bà vẫn đi lại như con thoi giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận để bảo vệ trẻ em. Chỉ cần nhận được tin báo có vụ xâm hại tình dục, bạo hành trẻ, bà sẽ tìm mọi cách có mặt, bất kể nắng mưa, xa gần. Bà nói rằng, trước đây, bà từng khóc sau nhiều lần chứng kiến cảnh các bé gái ăn xin, bán vé số… bị quấy rối tình dục, xâm hại.
“Các bé vốn đã rất đáng thương thế mà khi bị xâm hại, các em hầu như không được ai giúp đỡ, bảo vệ. Thấy cảnh tượng ấy, tôi rất đau lòng. Tôi nhận ra mình phải có trách nhiệm, bỏ công sức bảo vệ các bé. Năm 2014, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM quyết định thành lập Chi hội Luật sư để thực hiện công tác bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn, tôi tham gia ngay”, luật sư Ngọc Nữ chia sẻ.
Bà Ngọc Nữ nghe cuộc gọi từ một gia đình có trẻ bị xâm hại. |
Nhiệt huyết và quyết liệt trong việc bảo vệ trẻ em, bà được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM. Như có “bảo kiếm” trong tay, bà và các cộng sự tình nguyện tham gia vào công tác bảo vệ trẻ em tại các phiên tòa miễn phí. Thậm chí, bà liên tục “khui” lại, đưa ra ánh sáng những vụ án xâm hại, bạo hành trẻ em tưởng đã “im hơi lặng tiếng”, bị đình chỉ.
Bà nói: “Tôi thương các bé như con, cháu của mình. Nhìn các bé tuổi còn nhỏ, hồn nhiên nhưng sớm bị kẻ xấu hủy hoại cuộc đời, làm vẩn đục tâm hồn, tôi đau lòng lắm. Thế nên làm được gì để giúp các bé dù là nhỏ nhất, tôi đều không từ bỏ. Không chỉ ở TP.HCM, chúng tôi sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu khi các bé cần giúp đỡ”.
Luật sư Nữ cho biết, bà đã tiếp nhận và hỗ trợ 48 trường hợp là phụ nữ và trẻ em bị bạo hành; chủ động phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố, Hội LHPN tại địa phương, đảm bảo quy trình, các bước bảo vệ các em, các chị phụ nữ được an toàn, công bằng.
Nhiều trường hợp đã được bà can thiệp và hỗ trợ tâm lý sau khi đưa đi giám định pháp y. Hiện, có 2 vụ đã được xem xét lại và khởi tố. Bà cũng giúp đỡ 25 trường hợp trẻ em bị lạm dụng, sàm sỡ và bị bạo hành; 50 trường hợp trẻ em bị bố mẹ bỏ rơi được làm giấy khai sinh; 54 trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường.
|
Luật sư Nữ kể, hành trình đi tìm công lý, bảo vệ trẻ em chưa bao giờ dễ dàng. Hành trình ấy không chỉ có mồ hôi mà còn cả nước mắt. Bởi khi “khui” lại những vụ án cũ, chưa tìm ra thủ phạm, bà thường xuyên đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp.
“Các vụ án xâm hại trẻ em thường có chứng cứ rất yếu. Biết là khó, phải đổ nhiều mồ hôi, công sức nhưng thấy các bé chịu tổn thương về thể xác lẫn tinh thần quá lớn, chúng tôi đều cố gắng đeo bám, tìm lại công bằng cho trẻ”.
“Tôi tin rằng, trẻ con không bao giờ nói dối, nhất là chuyện bị xâm hại. Khi đấu tranh cho những đứa trẻ, tôi phải đánh đổi nhiều thứ khác. Thậm chí, nhiều lần tôi bị hành hung ngay trên tòa, đe dọa tính mạng… ", bà nói thêm.
Nữ luật sư trong buổi "Tuyên truyền pháp luật về kỹ năng tự vệ phòng chống xâm hại trẻ em". |
Một trong những vụ việc khiến bà không thể quên là khi bà giúp đỡ thành công cho gia đình ở miền Tây có bé gái bị xâm hại tình dục.
Bà kể, sau khi bị hại, bé gái 13 tuổi đã đến công an trình báo và được tiếp nhận. Tuy nhiên, sau một thời gian điều tra, công an đình chỉ vụ án với lý do không đủ chứng cứ để buộc tội đối tượng tình nghi.
“Nhận tờ quyết định đình chỉ vụ án, mẹ của bé gái đau đớn đến uất nghẹn. Vì sợ con gái mất niềm tin vào cuộc sống khi nhìn thấy tờ quyết định, chị đã giấu nó đi. Không may sau đó, bé gái vẫn vô tình nhìn thấy và biết vụ án bị đình chỉ. Quá đau đớn, cô bé tự sát”, luật sư Nữ kể.
Không muốn con gái ra đi trong oan khuất, người mẹ lặn lội đến tìm luật sư Nữ với hy vọng bà tìm lại công bằng cho con. Trước việc bé gái mới 13 tuổi phải lấy cái chết để đòi lại công bằng cho bản thân, nữ luật sư quyết định sẽ đưa vụ việc ra ánh sáng. Bà viết đơn gửi tất cả các cơ quan chức năng để có được sự giúp đỡ, nhưng do vụ án đã bị đình chỉ nên gặp không ít khó khăn.
Luật sư Ngọc Nữ và các cộng sự. |
Bà kể: “Trước khi ra đi, bé gái đã để lại lá thư tuyệt mệnh. Trong thư, bé gái viết: “Nếu sự thật này không được phơi bày, tôi chết không nhắm mắt”. Những dòng chữ ấy đã gây xúc động đến người đọc, thậm chí cả những cán bộ cấp cao của Nhà nước.
Cuối cùng, vụ án được khôi phục, điều tra lại và chúng tôi đã tìm ra bằng chứng. Kẻ phạm tội bị trừng trị. Khi phiên toà vừa kết thúc, tôi bị vợ của bị cáo lao đến hành hung. Bà ấy không tin chồng mình đã làm ra những chuyện như vậy nên phản ứng rất dữ dội”. Luật sư Nữ phải trốn ra cửa sau của tòa và không dám dừng xe khi lưu thông từ Cà Mau về TP.HCM.
“Có lần, tôi còn bị người thân bị cáo tấn công hội đồng phải trốn trong nhà vệ sinh cả tiếng đồng hồ. Việc bị gửi tin nhắn chửi bới, đe dọa tính mạng… là chuyện thường ngày”, bà nói. Người phụ nữ này nhấn mạnh, bà không có gì để mất nên vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh tìm lại công lý cho các em.
Bà chỉ sợ và đau lòng khi lực bất tòng tâm, không giúp đỡ, bảo vệ được các em trong các vụ án không đủ chứng cứ. Đó là những giây phút hiếm hoi người ta thấy người phụ nữ can trường ấy rơi nước mắt.
Nữ luật sư tâm sự: “Nhiều trẻ bị xâm hại không có tiền để điều trị vết thương, sang chấn tâm lý. Gia cảnh của trẻ bị xâm hại thường rất nghèo, cha mẹ có trình độ thấp. Thế nên mọi thiệt thòi đều đổ dồn lên các nạn nhân. Chứng kiến những vụ việc như vậy mà giúp không được vì chứng cứ yếu hoặc không có, tôi thấy có lỗi và đau lòng lắm. Tôi bứt rứt, buồn bã không cách nào giải tỏa được”.
Bà kể, vụ án anh rể xâm hại em vợ khiến cô bé chỉ mới 16 tuổi sinh con ở quận 8 (TP.HCM) cũng lấy đi nhiều công sức và nước mắt của bà. Sau nhiều thời gian điều tra, cơ quan CSĐT không khởi tố vụ án nói trên bởi không xác định được thời gian và địa điểm gây án.
“Mỗi khi gặp lại bé gái, tôi đều rất đau lòng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau ấy”, bà tâm sự và nói rằng, để bù lại, bà sẽ cùng xã hội yêu thương, bảo vệ các em bằng cả trái tim.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết, các vụ việc bảo vệ trẻ em bị xâm hại dù thành công hay còn dang dở, bà đều cố gắng hỗ trợ các em trở về với cuộc sống bình thường. Bà giới thiệu cho cha mẹ các trẻ bị xâm hại đến những bác sĩ thân quen, uy tín để các bé được khám chữa miễn phí. Nhiều bé ở xa, hoàn cảnh khó khăn, bà gửi tiền để gia đình có kinh phí đưa con đi thăm khám.
“Đối với các bé khuyết tật như câm, điếc… bị xâm hại, dịp Tết, xin được quà gì, tôi gửi cho các em quà đó hoặc đưa các bé đến trường chuyên biệt. Đối với những bé bị sang chấn tâm lý nặng, khó tái hoà nhập cộng đồng sau khi bị xâm hại, tôi gửi đến ngôi nhà chuyên biệt nuôi dưỡng và chăm sóc tâm lý cho các em. Tuy nhiên, như thế là chưa đủ, để các em không bị xâm hại, mỗi chúng ta cần phải chung tay giúp các em, phụ huynh nhận biết, đề phòng yêu râu xanh”, bà nói.
Theo bà, hiện nay, rất nhiều vụ việc các em nhỏ bị xâm hại tình dục. Điều đau lòng là các nạn nhân bị xâm hại từ chính người thân của mình. Nguyên nhân của việc này là do con người bị ảnh hưởng nhiều từ phim ảnh đồi trụy, thậm chí các loại chất kích thích.
Do vậy theo bà, cơ quan chức năng cần phải tuyên truyền pháp luật và hướng dẫn các em nhỏ có ý thức tự phòng vệ ngay từ khi các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần quan tâm, theo sát con cái, không tạo điều kiện cho kẻ xấu có cơ hội tiếp cận các bé.
“Trước đây, chúng tôi tuyên truyền các em thấy người lạ phải tránh xa. Bây giờ, tôi phải ngậm ngùi thêm chữ “người quen” vào giáo trình tuyên truyền. Tức là, trẻ cần đề phòng cả người lạ lẫn người quen, ngay cả người thân cũng có thể biến thành đối tượng xâm hại con trẻ.
Để hạn chế tình trạng này, các cơ quan đoàn thể cần phối hợp, hợp tác một cách chặt chẽ với chi hội luật sư, tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư trong việc bảo vệ quyền lợi trẻ em. Phụ huynh cũng cần quan tâm, quản lý con em, chú ý cách ăn mặc của con, hạn chế cho con sử dụng điện thoại thông minh”, nữ luật sư nói.
Trong quá trình đấu tranh, bảo vệ trẻ em, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ được nhiều cơ quan, đoàn thể tặng bằng khen. Năm 2018, bà là một trong 96 gương tập thể, cá nhân được tuyên dương “Thầm lặng mà cao cả" do UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức. Năm 2019, bà được nhận giải thưởng KOVA ở hạng mục Sống đẹp. Năm 2020, luật sư Ngọc Nữ tiếp tục nằm trong số 10 cá nhân xuất sắc được Hội LHPN Việt Nam trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2020. |
Nguyễn Sơn
Những phụ nữ Việt bị bán sang bên kia biên giới
Cuộc giải cứu đẫm máu và nước mắt theo lời kể của người cha như thước phim hành động quay chậm, cứa vào tim gan chúng tôi...