Chị Foteni Sutana có bố là người Hi Lạp và mẹ là người Việt Nam. Năm 4 tuổi, mẹ con chị theo bố về Hi Lạp sinh sống. Ở đó, chị và mẹ sử dụng phần lớn tiếng bản địa, cộng đồng người Việt Nam ít, lại sống rải rác nên khả năng tiếng Việt của chị dần mai một.
Sau này, chị theo đuổi nghề giáo với công việc giảng dạy ngôn ngữ. Từ đây, chị được tiếp xúc, với nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt. Lúc này, những ký ức tuổi thơ sống ở Việt Nam cùng bố mẹ, ông bà ngoại những bài hát thiếu nhi Việt Nam thuở nào như văng vẳng bên tai.
Điều chị đau đáu nhất vẫn là tâm nguyện của mẹ, bà mong mỏi một ngày chị có cơ hội về Tổ quốc, học lại tiếng Việt để kết nối gần hơn với bà con họ hàng. Tâm nguyện của mẹ đeo đuổi chị nhiều năm nhưng chưa có cơ hội thực hiện.
Chị mày mò tự học qua các kênh truyền hình tiếng Việt, kênh youtube thơ ca tiếng Việt app học tiếng Việt như đứa trẻ mới học nói. Khi nhiều chương trình giảng dạy tiếng Việt online mở ra, cơ hội học tiếng bài bản thực sự đã đến với chị. Trong đó có lớp học tiếng của các giảng viên đại học của Việt Nam trực tiếp giảng dạy.

Bằng tình yêu với quê hương mẹ và sự gửi gắm của bà, chị mất khoảng 5 năm để đọc thông, viết thạo và sử dụng thành thục tiếng Việt.
“Dù tôi không còn nhớ rõ về khoảng thời gian lúc nhỏ còn ở Việt Nam nhưng những điệu hát ru, bài hát thiếu nhi vẫn in sâu vào tâm trí khiến tôi bồi hồi, xúc động khi bất chợt nghe thấy, nhờ đó tôi học tiếng Việt khá nhanh. Tôi rất yêu văn hóa Việt, đặc biệt là dịp Tết, được ăn bánh chưng, thưởng thức món cá kho và nhiều món ăn mang đậm nét Việt. Ngày Tết còn là ngày được đoàn viên, sum họp với đại gia đình. Đó chính là sợi dây nối liền tôi với Việt Nam. Trong các bài giảng của mình, tôi cũng hay nhắc đến Việt Nam và tự hào với sinh viên về quê hương của mình”, chị nói.
Để có cơ hội rèn luyện tiếng Việt nhiều hơn, chị chủ động tham gia các cộng đồng, mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài cùng chia sẻ kinh nghiệm học, chia sẻ văn hóa và sở thích.
Nhiều sự kiện do Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức chị đều tham gia tích cực. Năm 2024, chị đã về tham dự Hội nghị người Việt Nam toàn thế giới lần thứ 4”, “Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024” với chủ đề “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước” diễn ra từ ngày 21-24/8, tại Hà Nội với tư cách đại biểu kiều bào.
Chị chia sẻ thêm, cộng đồng người Việt Nam ở Hi Lạp hiện nay không nhiều, phân tán tại nhiều khu vực khác nhau. Tuy nhiên, trong giai đoạn công nghệ số phá triển, việc để họ kết nối, họp tập tiếng Việt không còn là trở ngại. Với thế hệ trẻ, chị cho rằng các gia đình cần quan tâm, chú trọng dạy con tiếng mẹ đẻ song song với ngôn ngữ bản địa.
“Tôi thấy rất mừng vì việc đẩy mạnh công tác dạy và học học tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi trọng bằng việc ban hành những chính sách, đầu tư triển khai một cách thiết thực, hiệu quả, nhằm giữ gìn, củng cố và phát triển ngôn ngữ, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; khơi dậy và phát huy tinh thần hướng về quê hương, đất nước; góp phần quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài”, chị Foteni nói.
Những năm qua, để hỗ trợ cộng đồng duy trì tiếng Việt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, Ủy Ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong các nghị quyết, đề án bằng việc ban hành các văn bản chỉ đạo để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, phát triển, cập nhật chương trình, tài liệu dạy học và tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá năng lực sử dụng tiếng Việt.
Các cơ quan liên quan trong nước luôn phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoài nước và các hội người Việt Nam ở nước ngoài tuyên truyền, nâng cao nhận thức của kiều bào về tầm quan trọng, lợi ích của việc học tiếng Việt. Đồng thời, vận động bà con khuyến khích con em tham gia học tiếng Việt.
Thường xuyên thông tin cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về các hoạt động hỗ trợ, dạy học tiếng Việt được tổ chức ở trong nước. Tổ chức các hoạt động nhằm động viên, khuyến khích các giáo viên, học sinh kiều bào có đóng góp tích cực cho phong trào dạy và học tiếng Việt.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn, biên tập, thiết kế chế bản, in và phát hành các bộ sách, chương trình, giáo trình, tài liệu nhằm đáp ứng nguyện vọng học tập tiếng Việt của kiểu bào ở khắp năm châu, góp phần thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài.