Là giảng viên nữ, nhưng cô Vũ Thị Phương (khoa Điện-Điện tử của Trường CĐ Công nghệ và Kinh tế công nghiệp) lại mang trong mình sự mạnh mẽ, cá tính không kém gì các đồng nghiệp nam.
Cô Phương chia sẻ, ngay từ khi còn bé, cô đã bộc lộ cá tính mạnh mẽ và năng khiếu, thiên hướng để học kỹ thuật, đặc biệt thích đấu nối các nguồn điện. “Cũng là nữ giới như các bạn cùng trang lứa nhưng tôi rất mạnh dạn, nổi trội trong các việc liên quan đến kỹ thuật, kể cả sửa chữa hay lắp đặt, thậm chí không kém cạnh các bạn nam. Thậm chí, nhiều bạn nam khi đấu nối để tạo thành một mạch điện có khi không đạt được kết quả tốt như mình”, chị Phương cười tươi.
Cô Vũ Thị Phương (giảng viên khoa Điện-Điện tử của Trường CĐ Công nghệ và Kinh tế công nghiệp) giành giải Nhì tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021. |
Cảm nhận rõ năng khiếu của bản thân, nên khi học xong THPT, chị đã quyết định theo đuổi ngành kỹ thuật.
Thời điểm đó, chị Phương chọn theo đuổi ngành Hệ thống điện của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - ngôi trường mà nam giới chiếm số đông. Chị cũng trở thành nữ sinh viên hiếm hoi của khoa, ngành.
Tốt nghiệp ra trường, chị trở thành giảng viên của khoa Điện - Điện tử của Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp. Ở môi trường mới, sinh viên của chị cũng phần lớn là nam giới.
Cô Vũ Thị Phương tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021. |
Cô Phương thừa nhận cá tính mạnh mẽ nên đôi khi có phần thô cứng, không quá khéo léo.
"So với các bạn cùng trang lứa cùng đi học đại học, các bạn học ngành kinh tế bao giờ cách ăn nói cũng khéo léo hơn tôi, kể cả trong cách ăn mặc. Nhưng điều đó cũng không phải là vấn đề, quan trọng là tôi có sự yêu nghề. Tôi cho rằng dù nam hay nữ nếu đam mê thì mình sẽ cháy và thành công trong nghề đã chọn", cô Phương chia sẻ.
15 năm trong nghề, nhưng nữ giảng viên cho biết, nhiều thế hệ học viên, sinh viên vẫn bất ngờ khi gặp một cô giáo bước vào lớp và giới thiệu sẽ dạy về kỹ thuật.
Nhưng rồi sự bất ngờ hay thậm chí là đôi chút "nghi ngờ" về năng lực đó ngay lập tức bị đánh tan khi trong quá trình học thực tế, các học viên cảm nhận được tình yêu nghề, yêu học trò và niềm say mê với kỹ thuật của cô.
Và cũng chính những điều đó đã giúp chị luôn có nguồn năng lượng dồi dào để là người truyền lửa đầy cảm hứng, người dẫn đường tận tâm cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên trường nghề.
Cô Phương tâm sự, phụ nữ dạy ngành kỹ thuật gặp không ít khó khăn nhưng “với tình yêu nghề, những điều đó không đủ sức cản bản thân cô”.
Thợ sửa điện nước trong nhà
Không chỉ là một nữ giảng viên nhiệt huyết, cô Phương còn rất tháo vát trong các công việc trong gia đình, đặc biệt là chuyên gia phụ trách khâu sửa điện, nước.
“Chồng cô làm về cơ khí nhưng những gì liên quan đến sửa chữa thiết bị điện trong gia đình, từ điện dân dụng đến điện lạnh, điện tử, kể cả chạy đường nước thì đó là việc của tôi", cô Phương cười tươi.
Cô giáo là chuyên gia sửa chữa điện nước trong nhà. |
Trong thời đại phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật, cô Phương cho rằng đó cũng là cách để cô cập nhật, nắm bắt những điều mới mẻ, làm dẫn chứng sinh động cho những bài giảng của mình. Cô Phương cho hay, càng là giảng viên thì sự học càng không dừng lại.
“Giờ đây công nghệ thông tin cũng rất phát triển nên bản thân tôi dù là giảng viên nhưng có những cái cũng không biết. Vì vậy, tôi thường xuyên lên mạng tra cứu, tìm hiểu những vấn đề mới, cập nhật kiến thức, kỹ năng thường xuyên để truyền thụ tốt nhất cho các sinh viên của mình”, cô Phương nói.
Những nỗ lực và khả năng của cô Phương đã được ghi nhận xứng đáng.
Mới đây, tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021, cô Phương vinh dự đạt giải Nhì và được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Hải Nguyên
Màn pha chế ‘bốc lửa’ giúp thầy giáo 9X giành giải Nhất toàn quốc
Nhận được số điểm 90.3/100 với bài giảng về “Pha chế cocktail Flaming Lamborghini”, anh Trương Trí Thông đã giành giải Nhất tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề toàn quốc năm 2021.