Chị Ngô Tường Vy là doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Doanh nghiệp của chị được chọn xuất khẩu xoài đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ vào năm 2019 và xuất khẩu lô vải đầu tiên sang Nhật vào năm 2020.

Chung tay xây dựng nông nghiệp sạch

Động lực nào thúc đẩy chị ra ứng cử đại biểu Quốc hội?

Tôi sinh ra và lớn lên ở Chợ Lách - vùng đất được mệnh danh “cây lành trái ngọt”, được thiên nhiên ưu đãi, đất đai trù phú, nước ngọt quanh năm, xứ sở của các loại giống cây trồng có tiếng khắp Việt Nam và quốc tế.

{keywords}
Chị Ngô Tường Vy tại Diễn đàn Đầu tư và Thương mại song phương Việt – Mỹ

Tôi đã đồng hành cùng cha mẹ từ những ngày gian khó, chật vật, vượt qua bao trở ngại để lập thân, lập nghiệp, bản thân từng tận mắt chứng kiến những thất bại đến trắng tay, rơi vào bế tắc.

Đó chính là động lực để tôi rèn luyện, phấn đấu vươn lên, quyết tâm vượt qua nghèo khó và cùng với cha mẹ xây dựng sự nghiệp như ngày hôm nay. Những trải nghiệm đó đã trở thành kinh nghiệm sống quý báu và cũng là kinh nghiệm vô giá trong nghề nghiệp mà tôi đã có được.

Qua thực tế hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi mang trong lòng nhiều trăn trở và cũng thật sự muốn có cơ hội đóng góp những trải nghiệm thực tế mà tôi có được với các ngành, các cấp có thẩm quyền, để cùng chung tay xây dựng một nền nông nghiệp sạch, vững mạnh, chất lượng cao nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế vốn có của quê hương Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung.

Đó là những động lực để tôi tham gia ứng cử ĐBQH. Tôi muốn hiện thực hóa ước mơ mang thương hiệu trái cây “made in Vietnam” chinh phục thế giới. Tôi hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với những người đã đồng hành cùng mình trong thời gian qua là nông dân

Rất thành công trong kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp và đồng hành với người dân, chị mong muốn đóng góp như thế nào với chính quyền để xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao?

Trong chương trình hành động, tôi nêu ra những công việc rất cụ thể để đóng vào chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, tạo ra lợi nhuận, nâng cao thu nhập của người nông dân.

Điều tôi trăn trở nhất là thương hiệu “Made in Vietnam”. Chúng ta phải làm thế nào để lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam. Làm sao để trái cây “made in Vietnam” mang tầm quốc tế để tất cả chúng ta cảm thấy tự hào. 

{keywords}
Chị Vy luôn khao khát đưa trái cây ‘made in Vietnam’ ra thế giới

Xây dựng thương hiệu nông nghiệp quốc gia

Trong chương trình hành động của mình, chị trình bày những gì?

Tôi đã đưa ra 6 việc cần xoáy sâu vào chuỗi liên kết và chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp quốc gia.

Tôi sẽ kiến nghị xây dựng lại chuỗi liên kết nông nghiệp mang tính pháp lý rõ ràng, để những người tham gia có đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm. Bổ sung luật Nông nghiệp có tính thực thi cao, để mỗi cá nhân tham gia vào chuỗi liên kết thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình.

Tôi cũng kiến nghị xây dựng chiến lược “Sản phẩm nông nghiệp quốc gia”, lựa chọn những sản phẩm tiềm năng, lợi thế để xây dựng thương hiệu quốc gia, tạo tiền đề phát triển thương hiệu do người Việt Nam tạo ra - “Made in Vietnam” mang tầm quốc tế cho sản phẩm nông nghiệp, để nâng cao giá trị nông sản và hơn hết là lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng.

Tôi sẽ kiến nghị đầu tư hạ tầng cho Bến Tre nói riêng và ĐBSCL nói chung để tạo điều kiện thuận lợi phát huy hết tiềm năng, lợi thế vốn có, giảm chi phí logistics, thu hút đầu tư và nguồn nhân lực để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống người dân vùng nông thôn.

{keywords}
 

Một giải pháp quan trọng nữa là quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để nông dân canh tác thích ứng được với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Chúng ta cần tập trung nghiên cứu các giải pháp công nghệ chế biến tiên tiến từ các nước phát triển, đề xuất các chính sách hỗ trợ từ các nguồn quỹ của Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT hỗ trợ cho DN, nông dân theo đúng nhu cầu thực tế, tạo điều kiện cho các DN Bến Tre nói riêng và DN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam nói chung đủ năng lực cạnh tranh, tiếp cận thị trường thế giới.

Tôi cũng đề xuất chính sách thu hút nhân tài, đánh thức lòng tự hào dân tộc, yêu nước của các bạn trẻ. Đặc biệt là cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam trên khắp thế giới quay về làm việc, đóng góp tri thức, trí tuệ, tài năng để xây dựng đất nước, tập trung chính thức vào ngành nông nghiệp là ngành truyền thống chưa được coi trọng về lực lượng trí thức. Tri thức làm chủ công nghệ và đặc biệt là công nghệ chế biến sâu, nông nghiệp gia tăng giá trị cho người nông dân.

Trách nhiệm với xã hội là điều ý nghĩa trong cuộc sống

Tuổi đời còn trẻ, lại đang là Phó giám đốc một công ty, liệu rằng trên nghị trường chị có thể chất vất quyết liệt những vấn đề cử tri quan tâm, gửi gắm?

Đối với tôi, một doanh nhân khi trở thành ĐBQH phải có sự cống hiến trí tuệ và phải hy sinh về công việc kinh doanh, để góp tiếng nói thực tế đến nghị trường.

Tôi nghĩ nên nhìn ở góc độ doanh nhân đóng góp những kinh nghiệm, trí tuệ, tài năng của họ để thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Bởi, khi doanh nghiệp phát triển mới dẫn dắt được nền kinh tế, và nền kinh tế phát triển thì người nông dân sẽ được hưởng lợi. Vì, doanh nghiệp là người tạo công ăn việc làm, nguồn sinh kế cho người dân. Điều tôi mong muốn nhất đối với các doanh nghiệp là những gì đã nhận được từ xã hội nên hỗ trợ ngược lại, trả về cho xã hội.

Tôi nghĩ tiếng nói của doanh nghiệp trên nghị trường rất quan trọng, để đồng hành cùng Chính phủ, Quốc hội xây dựng hệ thống pháp luật có thể tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế.   

Liệu thời gian tới, vừa chèo lái con thuyền doanh nghiệp vừa tham gia nghị trường chị có đủ thời gian để đảm đương?

Thú thực, trước giờ tôi đã tham gia rất nhiều hoạt động của tỉnh. Trong công việc, tôi cũng đi rất nhiều, thời gian dành cho gia đình rất ít.

Khi được tập huấn, nói về vai trò, trách nhiệm của người ĐBQH tôi cảm thấy “choáng”, mất ngủ mấy ngày liền. Vì trách nhiệm nặng nề của một người ĐBQH, đó là sự tin tưởng, tín nhiệm của nhiều người.

Đối với một doanh nhân như tôi tham gia vào chính trị phải có sự hi sinh cho gia đình, con cái. Tôi định xin rút khỏi danh sách, vì sợ mình làm không đến nơi, đến chốn.

{keywords}
Chị Tường Vy nói trách nhiệm với xã hội, đó là điều ý nghĩa trong cuộc sống này

Tuy nhiên, khi suy nghĩ thêm, tôi thấy ngoài trách nhiệm với gia đình thì mình còn trách nhiệm với xã hội, đó là điều ý nghĩa trong cuộc sống này. Sau cùng, tôi nhận được sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè, và “đại gia đình” công ty của tôi hứa sẵn sàng chia sẻ công việc để tôi yên tâm tham gia ứng cử ĐBQH lần này. Nếu trúng cử ĐBQH khóa này, tôi sẽ thực hiện đúng những gì đã cam kết với cử tri.

Điều tôi muốn nói nhất lúc này là: Đi đến những nước phát triển, tôi mơ ước Việt Nam sẽ được phát triển như vậy. Đi đến những địa phương phát triển, tôi mơ ước Bến Tre sẽ được phát triển như vậy.

Hoài Thanh

Người chất vấn làm ‘sống con tôm’ mong được trở lại nghị trường

Người chất vấn làm ‘sống con tôm’ mong được trở lại nghị trường

Ông Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa 13 mong muốn được trở lại nghị trường Quốc hội khóa 15 để tiếp tục “gỡ khó” cho bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long.