Sự ra đi đột ngột của nữ diễn viên kiêm ca sĩ nổi tiếng Từ Hy Viên đã nhận được sự quan tâm đông đảo của dư luận trong và ngoài nước.

Theo truyền thông Trung Quốc, Từ Hy Viên có tiền sử bệnh tim mạch và từng nhiều lần nhập viện vì biến chứng sức khỏe. Điều này khiến cơ thể cô dễ bị virus tấn công và không đủ sức chống chọi khi bệnh trở nặng. Một người tự xưng là hướng dẫn viên du lịch của gia đình Từ Hy Viên ở Nhật Bản đã tiết lộ, trước khi qua đời, nữ diễn viên bị ho và hen suyễn. Sau khi thăm khám và kê thuốc, bác sĩ tại Nhật Bản cho Từ Hy Viên về khách sạn nghỉ ngơi. Tuy nhiên, tình hình của nữ diễn viên ngày càng trầm trọng hơn và cô đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Tờ Sohu cũng cho biết, trong thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện sau khi bị cúm đã tăng nhanh ở Trung Quốc.

3419136 PH.jpg
Từ Hy Viên qua đời sau khi bị cúm. Ảnh: Weibo

Mới đây, tại Bệnh viện Nhân dân số 2 tỉnh Hồ Nam, Khoa Hô hấp và chăm sóc đặc biệt cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị cúm với các triệu chứng sốt, đau đầu, mệt mỏi và đau nhức cơ thể với số lượng tăng đột biến.

Ông Tăng Tường Bách, Trưởng khoa hô hấp và chăm sóc đặc biệt, cho biết một số bệnh nhân bị viêm phổi, phải nhập viện cấp cứu do bệnh trở nặng, đe dọa đến tính mạng. Hầu hết là người cao tuổi có bệnh nền. 

Bác sĩ Tăng nhấn mạnh, cúm lây lan nhanh và lây nhiễm trên diện rộng, đặc biệt người cao tuổi và trẻ em có sức đề kháng yếu có thể bị nhiễm bệnh bất kỳ lúc nào. Vị bác sĩ này cũng đưa ra một số khuyến cáo cho người dân để phòng và chữa bệnh hiệu quả hơn:

Cúm không phải là cảm lạnh thông thường 

Có 4 loại cúm thông dụng, trong đó cúm A và cúm B là phổ biến nhất. Bác sĩ Tăng cho biết, những bệnh nhân ông tiếp nhận gần đây chủ yếu mắc cúm A (H1N1).

Bệnh cúm có đặc điểm dịch tễ theo mùa rõ ràng, với tỷ lệ mắc cao vào mùa đông và mùa xuân. Đây là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính do nhiễm virus cúm, với các triệu chứng phổ biến như sốt, đau đầu, mệt mỏi và đau nhức cơ. Những trường hợp bị trở bệnh nặng, nếu không được cứu chữa kịp thời có thể tiến triển thành các biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng như sốc nhiễm trùng và suy đa tạng. Trong khi đó, cảm lạnh là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường hô hấp trên do nhiều loại virus gây ra và có thể xảy ra quanh năm.

Rửa tay thường xuyên và chú ý vệ sinh thân thể

Theo bác sĩ Tăng, virus cúm chủ yếu lây truyền qua các giọt bắn, khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, các giọt bắn mang virus được hình thành, gây ra tình trạng lây nhiễm sau khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với miệng, mũi, mắt...

Trong cuộc sống hằng ngày, bác sĩ họ Tăng khuyến cáo người dân cần hình thành thói quen vệ sinh tốt, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, giữ tay sạch sẽ, giữ không khí trong nhà lưu thông và thường xuyên mở cửa sổ để thông gió. Ngoài ra, cần xây dựng thói quen làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tăng cường vận động thể lực, ăn uống lành mạnh, nâng cao sức đề kháng và phòng ngừa cúm.

Nếu sốt kéo dài cần đến bệnh viện 

Các chuyên gia nhắc nhở rằng người mắc cúm nên cách ly tại nhà và giữ phòng thông thoáng. Bệnh nhân cúm nên cố gắng tránh tiếp xúc gần với những người sống cùng. Họ có thể đeo khẩu trang hoặc tự cách ly trong phòng riêng, nghỉ ngơi hợp lý và ăn uống đầy .

Người bệnh dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ và cố gắng dùng thuốc kháng virus  trong vòng 48 giờ đầu. Bệnh nhân cúm có khả năng lây nhiễm cao nhất trong vòng 1-3 ngày đầu. Nếu sốt kéo dài trong 3 ngày mà không cải thiện hoặc sốt lặp lại hay đi kèm với các triệu chứng như lượng nước tiểu giảm, nôn liên tục, phát ban mới, co giật... thì cần nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám và điều trị.