- Cô gái chưa đầy 20 tuổi quên con rắn ở dưới chân, tập trung
bắn máy bay Mỹ; một cô gái với dáng hình mảnh khảnh vác quả đạn gần 40 kg chuyển
cho bộ đội khi B52 ném bom Hà Nội... Họ là những nữ dân quân tự vệ anh
hùng.
Các đại biểu dự hội thảo "Dân quân tự vệ VN - Lực lượng vô địch của dân tộc anh hùng" do Bộ Tổng
Tham mưu tổ chức sáng 24/3 tại Hà Nội xúc động nghe
chuyện của các nữ dân quân tự vệ trong những năm tháng cầm súng đánh
giặc, bảo vệ quê hương.
Dùng súng trường bắn rơi F-105 của Mỹ
Bà Ngô Thị Hồng Thương là công nhân, chiến sĩ tự vệ của đội Tu bổ rừng lâm
trường Cẩm Kỳ (Hà Tĩnh).
Năm 1968, đội được biên chế thành một tiểu đội tự vệ,
tổ của bà gồm bà và 2 người khác được biên chế một khẩu súng trường K44. Đội
được giao nhiệm vụ vừa sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ tuyến đường 21 và 22 thuộc
hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, nằm ở phía Nam tọa độ chết Ngã ba Đồng Lộc.
|
Bà Ngô Thị Hồng Thương
|
Qua nhiều phiên canh trực, bà phát hiện ra quy luật cứ mỗi lần bay qua núi Thiên Nhẫn máy bay địch lại sà xuống rất thấp rồi bay dọc
thung lũng theo đường cố định để tìm mục tiêu ném bom. Vì vậy, bà
nghĩ nếu phục kích ở trong eo núi, chờ máy bay địch hạ đến độ thấp thì tầm bắn
của K44 có thể phát huy tác dụng.
Nghĩ là làm. Ngày 20/5/1968, bà đến một vị trí đã chọn trước ở bãi
Hạ Nêu để đón lõng địch, gác nòng súng lên một chạc cây cụt làm điểm tựa. Khoảng
11h thì có tiếng máy bay gầm rú. Một chiếc “con ma” lao tới, bay
rà rà dọc theo đường 21 tìm những chiếc xe của bộ đội ta ngụy trang hai bên
đường. Khi máy bay đi qua đầu lần thứ nhất, bà bắn nhưng trượt, lần thứ
hai bà bình tĩnh bắn 2 phát đạn nữa. Từ đuôi máy bay, một dải khói đen bỗng phun
ra xối xả, bà thấy vật gì đó bật khỏi máy bay. Chiếc máy bay lao được chừng 800m
nữa thì đâm sầm vào núi, một tiếng nổ dữ dội vang lên.
Bà xốc súng, cùng các bạn chạy bám
theo vật thể lạ bật ra khỏi máy bay. Đó là tên phi công nhảy dù, tổ 3 người của bà tiến sát chiếc dù mà tên phi công vẫn
không hay biết, bà rón rén lại gần rồi dí súng vào gáy, bắt hắn giơ tay hàng.
Mặc cho máy bay địch quần thảo và bắn rốc két xung quanh khu vực nhưng mọi người
vẫn không rời tên phi công. Trong lúc đồng đội đang cắt dây dù để trói tên phi
công thì bà phát hiện một chiếc máy vô tuyến đang chạy rè rè, bà nhanh chóng
dùng dao đập nát chiếc máy và cùng mọi người vây bắt tên giặc lại.
Tại hội nghị Quân khu 4 tổ chức rút kinh nghiệm bắn máy bay tầm thấp ngày
24/5/1968, bà được gặp Đại tướng Võ Nguyễn Giáp và được Đại tướng khen "như một
nhà triết học đã phát hiện ra quy luật".
Vác đạn gần 40 kg tiếp viện cho bộ đội
Tham gia lực lượng tự vệ tập trung của nhà máy cơ khí Mai Động (Hà Nội), bà
Phạm Thị Viễn nhớ mãi câu chuyện vào năm 1972 khi máy bay B52 ném bom.
Ban ngày, máy bay quấy phá liên tục. Bà cùng đồng đội thay nhau tiếp đạn cho đơn vị pháo
100 ly ở gần trận địa 14,5 ly.
|
Bà
Phạm Thị Viễn
|
"Có một điều kỳ lạ, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa lý giải được, khi đó mình mảnh
khảnh, bản thân sức khỏe không tốt, vậy mà vác quả đạn 100 ly nặng gần 40
kg cứ đi băng băng, mọi người thi nhau đi nhanh, tăng chuyến để vác được nhiều
đạn cho bộ đội", bà Viễn kể lại.
Ngày 22/12/1972, lực lượng của bà được lệnh chuyển trận địa từ Mai Động đến
Vân Đồn. Tới sẩm tối, máy bay Mỹ đánh vào bệnh viện Bạch Mai, Văn Điển, Giáp
Bát... 21h còi báo động rú vang, máy bay địch xuất hiện, chúng bay thấp dọc theo
sông Hồng, hướng của bà đã đón lõng sẵn. Tình huống diễn ra quá nhanh,
được lệnh của chỉ huy, bà cùng đồng đội cũng chỉ kịp bắn 1 điểm xạ 19 viên. Một
chiếc máy bay Mỹ vút qua đầu, đuôi lóe sáng.
"30 phút sau, Bộ Tư lệnh thủ đô thông báo: Chiếc F111 bay theo hướng 14 bị bắn
rơi tại chỗ. Chúng tôi ôm nhau reo hò mà nước mắt cứ giàn giụa. Đêm đó trận địa không ai chợp mắt", nữ
pháo thủ nhớ lại.
Cô du kích đi vào thơ Tố Hữu
Nhân vật được nhà thơ Tố Hữu nhắc tới trong bài thơ "Tâm sự" của mình là bà Bùi
Thị Vân tại xóm Lai Vu, Kim Thành, Hải Dương.
Khi giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc, cả nước thanh niên có phong trào 3 sẵn sàng,
bà Vân khi đó chưa đầy 20 tuổi đã tình nguyện tham gia và được kết nạp vào trung
đội du kích.
|
Bà Bùi
Thị Vân
|
Năm 1965, ban phòng không xã nhận định địch có thể sẽ bắn phá
cầu Lai Vu và trận địa pháo, bà được giao nhiệm vụ vào phân đội trực chiến bắn
máy bay Mỹ bay ở tầng thấp bằng súng trường K44. Chẳng may trước đó trời mưa,
trong hố của bà có nước và xuất hiện một con rắn, khi người chỉ huy đang
loay hoay tìm cách bắt thì tiếng còi báo động rú lên. Tất cả đều nhảy
xuống hố. Máy bay Mỹ bổ nhào xuống cầu
Lai Vu và trận địa pháo, hết tốp này đến tốp khác dội bom và bắn rốc két khắp
nơi.
Bị quân và dân ta bắn trả quyết liệt, máy bay Mỹ bỏ chạy. Khi được lệnh thu dọn
súng đạn, bà mới nhớ ra có rắn đang ở bên chân mình, máu chân
đã chảy ra lẫn cả bùn.
"Có người hỏi tôi: Mày có sợ rắn không? Trước đó em sợ lắm nhưng khi chiến đấu
em quên hết cả sợ, rắn nó có cắn mình em chịu, chứ giặc Mỹ đem bom bắn phá quê
hương, hại nhiều người nên em bắn máy bay đã", bà Vân nhớ lại.
Sau trận đánh đó bà được giao làm liên lạc cho ban chỉ huy xã. Đầu đội mũ rơm
với lá ngụy trang chạy giữa giao thông hào với bom đạn, rốc két bắn khắp nơi, cô
du kích nhỏ ấy còn được bộ đội đặt tên "con thoi trong tuyến lửa".
Hồng Nhì - Ảnh: Duy Hồng