Clip về hành vi đại náo sân bay Tân Sơn Nhất của bà Lê Thị Hiền hôm 11-8 được đưa lên mạng xã hội đang khiến dư luận phản ứng.
Cục Hàng không Việt Nam đã ra quyết định cấm bay 12 tháng (từ ngày 27/8/2019 đến hết ngày 26/8/2020) đối với nữ đại uý Lê Thị Hiền, cán bộ Công an quận Đống Đa, Hà Nội. Sau thời hạn đó, nếu có nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, bà Hiền phải chịu sự kiểm tra trực quan bắt buộc 12 tháng tiếp theo tính từ ngày 27/8/2020 đến hết ngày 26/8/2021.
Là phụ nữ, là sĩ quan công an nhân dân nhưng bà Hiền lại hành xử hung hăng, thiếu văn hóa, hoàn toàn trái ngược với cái tên cũng như danh phận của mình.
Gần nửa năm trôi qua sau ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng nhưng quy định vẫn chưa thể sửa, và chuyện đại náo sân bay Tân Sơn Nhất của nữ cán bộ công an Lê Thị Hiền lại diễn ra. |
Hành vi của bà Hiền không khác gì hành vi của những kẻ côn đồ, những tay anh chị ngoài xã hội. Xét về tính chất, mức độ là hết sức nghiêm trọng, đe dọa an ninh, trật tự khu vực nhà ga sân bay, bôi xấu hình ảnh người cán bộ công an.
Thế nhưng ngay sau khi vụ việc bị phanh phui, công an sân bay Tân Sơn Nhất lại ra quyết định xử phạt hành chính 200.000 đồng theo điểm b, khoản 1, điều 5, Nghị định 167. Trong khi với vụ này, đúng ra là cần áp dụng Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Khoản 4, điều 26 Nghị định 162 quy định, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi ghi ở điểm a: Gây rối, kích động, lôi kéo người khác gây rối làm mất an ninh, trật tự tại cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự”; điểm h: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách hoặc người khác tại cảng hàng không, sân bay.
Việc bà Hiền chỉ bị phạt 200 ngàn đồng khiến dư luận thêm một lần nữa không thấy thoả đáng. Bởi trước đó, đã từng có những vụ vi phạm đình đám khác nhưng cũng chỉ bị phạt 200 ngàn như vụ Đỗ Mạnh Hùng cưỡng hôn nữ sinh trong thang máy ở Hà Nội, vụ Nguyễn Bình Triệu ở Quảng Trị “xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác” khiến dư luận cười ra nước mắt. Sự nghiêm minh của luật pháp bỗng trở nên trò đùa.
Để khắc phục tình trạng xử phạt bất cập nói trên, hồi tháng 3 năm nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã ký văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình: "Trường hợp các quy định pháp luật hiện hành có liên quan chưa đủ nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn các hành vi tương tự, Bộ Công an khẩn trương đề xuất, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp".
Gần nửa năm trôi qua sau ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng nhưng quy định vẫn chưa thể sửa, và chuyện đại náo sân bay Tân Sơn Nhất của nữ cán bộ công an Lê Thị Hiền lại diễn ra.
Mức xử phạt chỉ như gãi ngứa, không đủ sức răn đe chính là kẽ hở, tạo nên hiệu ứng ngược, “khuyến khích” những hành vi côn đồ trong xã hội.
Với mức độ vi phạm của bà Lê Thị Hiền, dư luận chỉ còn biết trông chờ vào sự nghiêm minh của ngành, nơi bà Hiền đang công tác. Hàng ngũ công an không thể chấp nhận một cán bộ, một sĩ quan ứng xử hung hăng, vô văn hóa như vậy.
Nguyễn Duy Xuân