LTS: Nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan đã từ trần vào hồi 7 giờ 5 phút, ngày 21/6/2023 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Trong sự nghiệp ngoại giao của mình, ông đã có những đóng góp đặc biệt trong việc mở cửa và hội nhập với thế giới bên ngoài.
Cả cuộc đời học tập, cống hiến, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, dù ở cương vị công tác nào nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng luôn là tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, tinh thần tiên phong đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; có nhân sinh quan mẫu mực, tài đức vẹn toàn, luôn trăn trở, phấn đấu hết lòng vì lợi ích quốc gia-dân tộc, luôn vì cái chung, cái lớn lao hơn những đòi hỏi của cuộc sống vật chất thông thường.
VietNamNet ghi lại một số nét chấm phá trong cuộc đời hoạt động của ông, dưới góc nhìn của những người đồng nghiệp, những người từng công tác, tiếp xúc với ông như: Ban Đối ngoại Trung, Bộ Ngoại giao, Quốc hội…
Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của một nhà lãnh đạo, một nhà ngoại giao, có trí tuệ uyên bác, mẫn tiệp đến những ngày cuối cùng của cuộc đời. Ông là nhà lãnh đạo có bản lĩnh kiên cường, có bộ óc phân tích, tổng hợp sắc sảo hiếm có và năng lực làm việc phi thường.
Nguyên Phó Thủ tướng vừa là người hoạch định chiến lược, vừa là người tổ chức, người trực tiếp thực hiện xuất sắc. Và trên tất cả, ông là một nhân cách lớn, một người đã tận tụy cống hiến hết mình cho đất nước, chỉ biết tới công việc, luôn đau đáu, trăn trở làm sao để đất nước hòa bình và phát triển, để người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga tâm sự: "Đối với những người làm công tác ngoại giao thế hệ chúng tôi, ông không chỉ là người lãnh đạo mà còn là người cha, người chú, người anh, người thầy và là người bạn lớn rất bình dị, gần gũi và thân thiết.
Tại các hội nghị, hội thảo, chúng tôi rất thích và chờ đợi được nghe ông phát biểu bởi những thông tin và cách đặt vấn đề rất mới, cách tư duy logic, được hệ thống rất khoa học, chặt chẽ, cách trình bày gọn gàng, khúc chiết, giản dị, hóm hỉnh mà rất sâu sắc, gợi mở".
Đại sứ Nguyễn Phương Nga kể, ông thường nói: “Phải nhìn hiện tượng, sự việc trong sự phát triển, tức là phải trong trạng thái động, không phải tĩnh; phải nắm bắt, hiểu được quy luật của nó và tìm ra những gì là mới và tác động đến ta”. Chỉ qua vài “câu chuyện” - theo cách nói của ông, là mọi việc đều trở nên rõ ràng, sáng tỏ, rất dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm hơn.
Khi phải giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp, ông luôn xác định rất rõ và kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, song luôn nhắc nhở: Làm ngoại giao trước hết phải chân thành, phải có trái tim nóng nhưng phải giữ cái đầu lạnh. Cần bình tĩnh xem xét mọi khía cạnh của vấn đề.
Trong khi kiên định lập trường nguyên tắc, bảo vệ lợi ích của ta, cần phải tính đến lợi ích chung, lợi ích của đối tác để tìm ra được giải pháp lâu dài, đáp ứng sự quan tâm và lợi ích của các bên.
Đại sứ Phương Nga cho rằng, có lẽ đó là một trong những yếu tố quan trọng trong nghệ thuật đàm phán của ông, làm nên thành công của các đoàn đàm phán do ông trực tiếp chỉ đạo và dẫn dắt trong quá trình giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Là người lãnh đạo, ông rất sâu sát và tỉ mỉ. Bà Nga kể khi còn làm việc ở Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao, lúc đó ông đang là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, những văn bản Vụ Báo chí trình lên, được ông sửa rất tinh tế, sâu sắc, kỹ lưỡng tới từng dấu phẩy, từng chữ, từng từ và nhiều khi chính ông tự mình trực tiếp viết.
"Chúng tôi thường nói với nhau, làm việc dưới sự lãnh đạo của ông “rất sướng” vì học được rất nhiều, vì ông nghiêm khắc nhưng luôn tôn trọng, lắng nghe, không khi nào nặng lời với cấp dưới, không bao giờ đòi hỏi cấp dưới phải phục vụ cá nhân mình", nữ Đại sứ kể.
Làm ngoại giao, làm báo chí thì càng phải đọc
Bà Nguyễn Phương Nga cũng chia sẻ, ông là tấm gương về tình yêu và sự đam mê với công việc, về tinh thần tự học không ngừng nghỉ, ngay cả khi tuổi đã cao. Đối với ông, đọc và làm việc chính là cuộc sống. Ông bảo: “Chú viết là để cho vui”. Trong ký ức của những cán bộ ngoại giao như bà Nga mãi mãi in đậm hình ảnh ông ngồi miệt mài viết với chiếc máy tính.
Ông đặc biệt coi trọng công tác nghiên cứu, đọc rất nhiều, và dù đã có kiến thức rất sâu, toàn diện về lịch sử, kinh tế, luật pháp, ông vẫn không ngừng cập nhật, không bỏ qua những cuốn sách mới nhất, những thông tin mới nhất.
Mới cách đây chưa đầy 3 tháng ông vẫn gửi cho nữ Đại sứ tham khảo bài báo ông viết phân tích những biến chuyển của tình hình thế giới.
Bà Nga nhớ một lần ông dự cuộc họp tổng kết công tác của Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao, ông hỏi: “Các bạn ở Vụ Báo chí có đọc sách không?”. Tôi đánh liều thưa với ông: “Chúng cháu bận quá, Vụ Báo chí phải xử lý rất nhiều các công việc, sự vụ hằng ngày, gần như không có thời gian để đọc, nghiên cứu”.
Ông nói: “Thế thì không được. Vụ Báo chí bận thật. Chú hiểu và thông cảm, nhưng không thể nói bận thì không đọc. Bận mấy cũng phải đọc, làm ngoại giao, làm báo chí thì càng phải đọc”.
Ông là cả một kho tàng về tri thức và kinh nghiệm, luôn quan tâm chia sẻ, dìu dắt, hướng dẫn các thế hệ sau. Công việc bận rộn nhưng ông luôn dành thời gian cho lớp trẻ.
Khi Bộ Ngoại giao mở các lớp bồi dưỡng cán bộ trẻ, có triển vọng, ông đã nhiệt tình làm giảng viên, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình, nhất là về phương pháp nghiên cứu, kỹ năng đàm phán, thương lượng và các khóa bồi dưỡng này đã được các học viên đặt tên một cách rất thân thương và tự hào là “Lớp VK”.
Ông luôn tâm niệm phải xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao có kiến thức, kỹ năng tốt bởi theo ông: “Kỹ năng là cây cầu đưa kiến thức vào cuộc sống”.
Đại sứ Phương Nga còn nhớ như in những lần xin bài viết hay lời khuyên của ông, bao giờ ông cũng rất tận tình hướng dẫn, chỉ bảo, chia sẻ. Ông sống rất giản dị, coi trọng giá trị thực, rất dị ứng với thói xu nịnh, phô trương, hoa mỹ, và đặc biệt hết sức tiết kiệm trong chi tiêu tiền của Nhà nước. Mặc dù vậy, khi cần phải chi cho những việc cần thiết, ông quyết rất nhanh.
Năm 2004, Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Hội nghị có nội dung quan trọng là kết nạp các thành viên mới và nhận được sự quan tâm lớn từ báo chí quốc tế. Vụ Báo chí được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổ chức trung tâm báo chí của hội nghị.
Bà Nga kể lại: "Chúng tôi rất băn khoăn vì số lượng phóng viên đăng ký tác nghiệp tại hội nghị lớn, nhưng ban tổ chức dự kiến chỉ bố trí phần diện tích rất nhỏ để xây dựng trung tâm báo chí, không đủ diện tích để thiết lập các cơ sở trang thiết bị phục vụ việc tác nghiệp của các phóng viên hình và tiếng".
Ông lúc đó là Phó Thủ tướng, đã trực tiếp đến xem xét công tác chuẩn bị cho hội nghị và yêu cầu tôi báo cáo. Sau khi nghe trình bày, ông nói: "Điều kiện của chúng ta còn nhiều khó khăn, cái gì không cần thiết, lãng phí thì không làm, nhưng cái gì cần thì phải làm” và chỉ đạo ngay phải dành thêm diện tích để lập trung tâm báo chí với đầy đủ trang thiết bị cần thiết cho phóng viên tác nghiệp.
Nhờ đó, đã có trung tâm báo chí quốc tế của hội nghị, mặc dù còn khiêm tốn, nhưng hoạt động rất hiệu quả. Giờ đây, mỗi lần đi qua đường Hoàng Diệu, nơi từng là địa điểm của trung tâm báo chí Hội nghị cấp cao ASEM 2004, nữ Đại sứ lại bồi hồi nhớ đến ông.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan rất quan tâm đến công tác đối ngoại nhân dân. Khi Đại sứ Phương Nga chuyển sang công tác tại Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, ông căn dặn nếu Liên hiệp cần gì thì cứ nói, giúp được gì ông sẽ giúp.
Khi mời ông đến nói chuyện với cán bộ, nhân viên cơ quan, mặc dù sức khỏe chưa hoàn toàn hồi phục sau đợt điều trị bệnh hiểm nghèo, ông vẫn rất nhiệt tình, tâm huyết, dành nhiều thời gian chia sẻ và truyền cảm hứng cho chúng tôi bằng những kỷ niệm sâu sắc và cảm động của ông về Bác Hồ.
Không ngờ đây cũng là lần cuối các cán bộ, nhân viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam được đón ông và nghe ông nói chuyện.