Nữ cổ đông lớn loạt doanh nghiệp niêm yết
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), ngày 12/10, bà La Mỹ Phượng đã mua 690.000 cổ phiếu DHA của CTCP Hóa An (Đá Hóa An). Sau giao dịch, bà Phượng nắm giữ hơn 1,38 triệu cổ phiếu, tương đương 9,38%, trở thành cổ đông lớn.
Với giá thời điểm mua vào, bà Phượng có thể đã chi khoảng 35 tỷ đồng cho thương vụ này. Tổng giá trị lô cổ phiếu DHA mà bà Phương nắm giữ ở thời điểm trở thành cổ đông lớn khoảng hơn 70 tỷ đồng. Đây là một phần trong danh mục đầu tư của nữ đại gia này.
Gần đây, bà Phượng nổi lên với hàng loạt thương vụ mua cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn tại nhiều doanh nghiệp niêm yết. Năm 2021, khi thị trường chứng khoán sôi động nhất, bà Phượng đã tham gia mạnh vào kênh đầu tư cổ phiếu. Mỗi lần xuống tiền là bà Phượng mua cả triệu cổ phiếu. Khẩu vị ưa thích là cổ phiếu ngành chứng khoán, xây dựng.
Hồi giữa tháng 9/2021, bà Phượng đã mua vào 1 triệu cổ phiếu VIG của CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên 2,3 triệu đơn vị, trở thành cổ đông lớn của VIG với tỷ lệ sở hữu 6,91% vốn điều lệ.
Trước đó, trong khoảng thời gian tháng 6-8/2021, bà Phượng đã mua gom hơn 1 triệu cổ phiếu ART, nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên hơn 5,8 triệu đơn vị, tương đương hơn 6% vốn điều lệ.
Cũng như tại VIG, bà Phượng là cổ đông cá nhân lớn duy nhất tại Chứng khoán SBS với gần 10 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 6,8%.
Ngoài ra, bà Phượng cũng là cổ đông lớn ở nhiều doanh nghiệp khác như: MCG (6,9%), VNE (gần 7%)…
Bà Phượng đã thoái bớt vốn tại Tập đoàn Nagakawa (NAG), một doanh nghiệp chuyên sàn xuất điều hòa, đồ gia dụng và không còn là cổ đông lớn. Hiện bà Phượng còn nắm 2,54% cổ phần NAG.
Nhìn vào thời điểm mua vào nhiều nhất, thị trường chứng khoán sôi động và giá cổ phiếu ở quanh vùng đỉnh (khi VN-Index đạt 1.500 điểm), bà Phượng đã thua lỗ khá nhiều, mất 30-90% tùy từng mã.
Với Chứng khoán BOS (ART), cổ phiếu này tăng từ mức khoảng 10.000 đồng lúc bà Phượng mua hồi 6-8/2021 lên trên 18.000 đồng/cp hồi đầu năm 2022. ART lao dốc xuống còn 1.300 đồng/cp trước khi bị hủy niêm yết hôm 10/8/2023 do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Cổ phiếu VIG cũng giảm từ đỉnh khoảng 18.000 đồng hồi cuối năm 2021 xuống còn 7.200 đồng/cp như hiện tại. Cổ phiếu SBS giảm từ khoảng 22.000 đồng hồi cuối 2021, nay xuống còn 7.000 đồng/cp.
Bà chủ công ty sơn số 1 Việt Nam
Mặc dù thua lỗ khi đầu tư vào cổ phiếu nhưng có lẽ con số thiệt hại không quá lớn đối với nữ doanh nhân này. Bà La Mỹ Phượng được biết đến là chủ nhiều doanh nghiệp, trong đó có công ty sơn lớn nhất Việt Nam 4 Oranges.
Theo giới thiệu, 4 Oranges là công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài thuộc tập đoàn Asia Leader International Investment. Đây là doanh nghiệp sở hữu nhiều thương hiệu sơn đang được bán chạy tại Việt Nam như Mykolor, SPEC, SonBoss, EXPO…
Trong năm 2004, 4 Oranges đã đầu tư dây chuyền với công suất sản xuất 100 triệu lít sơn và 60.000 tấn bột trét/năm, kinh phí 14,5 triệu USD tại Khu Công Nghiệp Đức Hòa 1, tỉnh Long An. Đây là một trong ba nhà máy sản xuất sơn lớn nhất Đông Nam Á. Hiện doanh nghiệp này có 5.000 trung tâm phân phối và pha màu trên toàn quốc.
Doanh nghiệp này nhập nguyên liệu sản xuất từ những tập đoàn hóa chất nổi tiếng của Mỹ, Pháp, Australia...
Bên cạnh nghiên cứu, phát triển sản phẩm, 4 Oranges cũng hợp tác kỹ thuật, mua các phát minh mới từ nước ngoài, chủ yếu là Mỹ và châu Âu để có các sản phẩm chất lượng mới, phù hợp với môi trường khí hậu Việt Nam.
Hiện 4 Oranges do bà Phượng và ông Smit Cheancharadpong (1958) là đại diện pháp luật.
Theo Vietimes, bà còn gián tiếp sở hữu 49% vốn của 4 Oranges thông qua công ty TNHH MTV La Nguyên, doanh nghiệp mà bà Phượng là người sở hữu toàn bộ.
4 Oranges có lợi nhuận trên dưới 1.000 tỷ đồng/năm, vượt trội so với những tập đoàn sơn đa quốc gia khác đang hiện diện tại Việt Nam như Akzo Nobel, Jotun hay Nippon Paint...