Nữ đại gia thua lỗ hơn 55 tỷ đồng sau pha lướt sóng cổ phiếu
Ngày 28/9, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX) đăng tải thông báo về việc bà Trần Duy Kiều đã mua vào 1,77 triệu cổ phiếu TGG của Công ty Cổ phần Louis Capital và trở thành cổ đông lớn của công ty này, sở hữu 6,5% vốn điều lệ công ty.
Thông tin của Doanh nghiệp tiếp thị cho biết, nữ đại gia đã chi tới gần 106 tỷ đồng trong ngày 28/9 để mua 1,766 triệu cổ phiếu của Louis Capital và trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 6,5%, tương đương giá mua là 60.000 đồng/cổ phiếu.
Ngày 13/10, bà Trần Duy Kiều, cổ đông lớn của Công ty cổ phần Louis Capital đã có báo cáo về kết quả giao dịch cổ phiếu TGG của công ty.
Theo đó, bà Trần Duy Kiều đã bán toàn bộ 1,766 triệu cổ phiếu và không còn sở hữu cổ phiếu nào của Louis Capital. Số tiền bà Kiều thu về là 50,5 tỷ đồng, tương đương giá bán 28.600 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, cá nhân này đã lỗ tới hơn 52%, ứng với khoản lỗ hơn 55 tỷ đồng chỉ sau chưa đầy 1 tháng nắm giữ lượng cổ phiếu TGG trên. Sau giao dịch, bà Kiều đã không còn nắm giữ cổ phiếu TGG nào và chính thức rời ghế cổ đông tại công ty.
Nữ đại gia 'lướt sóng' cổ phiếu nóng, lỗ hơn 55 tỷ đồng |
CEO 8X liên tục xuống tiền chi phối tập đoàn nghìn tỷ
Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam - Gelex (GEX) cho biết, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Gelex vừa đăng ký mua vào 8 triệu cổ phiếu GEX theo phương thức thỏa thuận trong khoảng thời gian từ 14-29/10.
Việc ông Tuấn sẽ nhận chuyển nhượng số cổ phiếu trên thực hiện theo nghị quyết ĐHCĐ năm 2021 cho phép ông Tuấn và người liên quan được nâng tỷ lệ sở hữu vượt mức 35% mà không cần phải làm thủ tục chào mua công khai theo quy định.
Nếu giao dịch thành công, ông Tuấn sẽ nâng số lượng cổ phiếu GEX nắm giữ từ 138,4 triệu đơn vị lên thành 146 triệu đơn vị, tương ứng 18,75% vốn điều lệ.
Bà Đào Thị Lơ - mẹ của ông Tuấn đang nắm giữ 24 triệu cổ phiếu GEX (tỷ lệ 3,07% vốn). Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX - nơi bà Lơ đang giữ chức giám đốc cũng đang sở hữu gần 104 triệu cổ phiếu GEX (tỷ lệ 13,3%).
Tổng cộng, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông liên quan tới ông Tuấn hiện đang là 34,09% vốn (hơn 266,3 triệu cổ phiếu). Dự kiến sau giao dịch chuyển nhượng sẽ tăng lên thành hơn 35,1% (hơn 274,3 triệu cổ phiếu) và nắm quyền phủ quyết.
Sau một thời gian dài nắm giữ chức vụ chủ tịch nhưng không sở hữu cổ phiếu, giữa 2020 Nguyễn Văn Tuấn đã liên tục mua vào cổ phiếu Gelex. Hồi 8/2020, ông Tuấn đã rời chức vụ chủ tịch và chỉ còn là thành viên HĐQT kiêm CEO của Gelex. Ông Nguyễn Hoa Cương hiện là chủ tịch.
Chủ tịch bất động sản hoàn tất mua 3,5 triệu cổ phiếu
Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Sunshine Group, đồng thời là Phó tổng giám đốc Kienlongbank (mã CK: KLB) vừa hoàn tất mua 3,5 triệu cổ phiếu KLB, nâng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này lên gần 5%.
Trước đó, vào trung tuần tháng 9/2021, HĐQT Kienlongbank đã bổ nhiệm ông Đỗ Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunshine giữ chức vụ Phó tổng giám đốc ngân hàng từ ngày 20/9/2021 đến 19/9/2022.
Ngay sau khi được bổ nhiệm, ông Tuấn đã lập tức đăng ký mua thêm 3,5 triệu cổ phiếu KLB nhằm nâng sở hữu lên 15,9 triệu cổ phiếu, tương đương 4,913% vốn điều lệ của Kienlongbank.
Trong khi đó, một nhân vật khác có gốc gác từ Sunshine Group là bà Trần Thị Thu Hằng - Chủ tịch HĐQT Kienlongbank đang sở hữu hơn 15,2 triệu cổ phiếu, tương đương 4,72% vốn điều lệ.
Như vậy, hai cá nhân liên quan đến Sunshine Group đang sở hữu trực tiếp 27,6 triệu cổ phần Kienlongbank, tương đương 8,55% vốn ngân hàng này.
HĐQT Kienlongbank vừa có thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền trả cổ tức 2020, tỷ lệ 13% bằng cổ phiếu
Con trai chủ tịch đăng ký mua hơn 2,92 triệu cổ phiếu
Ông Võ Phan Khôi Nguyên, cổ đông lớn và là con ông Võ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Vạn Phát Hưng (VPH) đăng ký mua hơn 2,92 triệu cổ phiếu VPH.
Cụ thể, giao dịch được thực hiện từ ngày 19/10 đến ngày 11/11 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nếu giao dịch hoàn tất, ông Nguyên sẽ nâng sở hữu tại VPH lên 8,16%, tương đương 7,78 triệu cổ phiếu. Hiện tại, ông Nguyên đang nắm giữ hơn 4,85 triệu cổ phiếu, tương đương 5,09%.
Cổ phiếu VPH đang có chuỗi tăng liên tiếp kể từ phiên ngày 7/10. Chốt phiên ngày 14/10, VPH có giá 7.880 đồng/CP. Tạm tính theo mức giá này, ông Nguyên sẽ phải chi hơn 23 tỷ đồng để mua số cổ phiếu đã đăng ký.
Về phía VHP, trong nửa đầu năm 2021, doanh thu hợp nhất của Vạn Phát Hưng đạt hơn 111 tỷ đồng, giảm 31,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế giảm 40% xuống chỉ còn gần 7,1 tỷ đồng.
Cháu đời thứ 3 vào lãnh đạo tập đoàn
Tổng công ty IDICO - CTCP (IDC) bổ sung tài liệu Đại hội cổ đông bất thường, đại hội dự kiến tổ chức ngày 12/10 bằng hình thức trực tuyến. Theo đó, công ty nhận được đề cử ông Nguyễn Duy tham gia hội đồng quản trị công ty nhiệm kỳ 2018-2023. Được biết, ông Duy được đề cử bởi nhóm cổ đông nắm giữ 10,19% vốn điều lệ tại IDICO.
Theo giới thiệu, ông Duy sinh năm 1989, trình độ chuyên môn là Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh và hiện là Tổng Giám đốc CTCP Thương mại Kova, thành viên HĐQT quỹ khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam.
Ông Duy là đời thứ 3 của Tập đoàn Sơn Kova, Sơn Kova được thành lập bởi bà Nguyễn Thị Hòe những năm 1992-1994 và hiện tại bà Hòe là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc là ông Ngô Sỹ Quang.
Trước đó, IDICO dự kiến trình cổ đông nâng kế hoạch kinh doanh năm 2021 của công ty mẹ với tổng doanh thu là 1.711,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.032,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 71,8% và 124,3% so với kế hoạch tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021.
Biến động ông lớn ngân hàng kín tiếng
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NVB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng gần 20% so với cùng kỳ lên 211 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần đạt 439 tỷ đồng, tăng hơn 25%. Hoạt động đầu tư chứng khoán gấp 4 lần cùng kỳ lên 55 tỷ đồng.
Cổ phiếu NVB gần đây tăng mạnh, gần gấp đôi trong vòng 3 tháng qua. Vốn hóa của ngân hàng tăng thêm khoảng 5.000 tỷ đồng.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Quốc Dân ghi nhận hàng loạt giao dịch lớn trước thời điểm tăng vốn điều lệ thêm 1.500 tỷ đồng. Gần 62 triệu cổ phiếu của ngân hàng NCB được thỏa thuận với giá 20.000 đồng/cp chỉ trong 2 phiên giao dịch ngày 7 và 8/7, với tổng giá trị hơn 1,2 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 15% số cổ phiếu NVB đang lưu hành.
Cả trăm triệu cổ phiếu NVB đã được giao dịch trong một khoảng thời gian ngắn. Nhóm cổ đông mới sở hữu một tỷ lệ lớn cổ phần của ngân hàng này.
Cổ phiếu NVB tăng vọt ngay sau khi ngân hàng này thông qua việc bầu bà Bùi Thị Thanh Hương (1980) - nguyên là CEO của Sun Group - nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng.
Bảo Anh(Tổng hợp)
Đừng để doanh nhân ngồi dự bị, làm khán giả xem 'phục hồi kinh tế'
Các doanh nhân cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa nhận thấy tổn thất của DN chính là tổn thất của địa phương. Tư duy xin cho, ngăn cấm và sợ trách nhiệm trong mùa dịch vẫn còn.