Khi mới là những thiếu nữ 15, 16 tuổi, họ đã xung phong ở lại Hà Nội để rải truyền đơn, làm giao liên, đưa bộ đội qua sông... tích cực gây dựng cơ sở trong lòng địch.
LỜI TÒA SOẠN:
Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) là sự kiện lịch sử đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), thế hệ cha ông năm xưa dành cả tuổi xanh đầy nhiệt huyết lên đường kháng chiến với lời thề "sẽ có ngày trở về Hà Nội", nay người còn, người mất, nhưng những ký ức vẫn vẹn nguyên cảm xúc đoàn quân từ 5 cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội trong sự chào đón của hàng vạn người dân quần áo chỉnh tề, cờ hoa rực rỡ cùng tiếng hoan hô vang dậy khắp phố phường.
Hà Nội những ngày thu tháng 9, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, trong căn phòng nhỏ ở phố Yên Bái 1 (quận Hai Bà Trưng), bà Nguyễn Thị Thường (96 tuổi, đoàn viên phụ nữ cứu quốc, đội Hoàng Diệu hoạt động nội thành) chầm chậm nhắc về một thời thanh xuân hào hùng.
Có bố, anh trai đều tham gia cách mạng, 15 tuổi, bà Thường chứng kiến cảnh anh trai bị giặc Pháp tử hình ở đình làng Thanh Nhàn. Căm thù giặc, người thiếu nữ chỉ mong nhanh lớn để thay anh làm nhiệm vụ.
Tuổi nhỏ nên bà được giao nhiệm vụ dẫn đường đưa bộ đội qua sông và làm những công việc phù hợp. Khi 18 tuổi (năm 1946), chính thức hoạt động cách mạng trong nội thành, bà được giao làm liên lạc mang tài liệu đến địa điểm tổ chức phân công; tuyên truyền, vận động bà con, phụ nữ tiểu thương trong nội thành ủng hộ cách mạng.
Tài liệu thường được bà giấu kỹ trong người rồi hòa vào đám đông đến chợ. Năm 1948, trong một lần đi làm nhiệm vụ, một tên mật thám đã phát hiện. Bà bị bắt ngay trên phố Hàng Bài.
"Bị đưa lên xe chở thẳng đến Hỏa Lò, tôi lén lấy tài liệu xé nát rồi thả xuống bánh xe phi tang", bà Thường nhớ lại.
Nhập trại, bà Thường trải qua những trận tra tấn dã man với đủ thủ đoạn đánh đập, dí điện vào người, ấn đầu xuống nước... nhưng bà không hé răng nửa lời.
“Có lần, tôi bị chúng tra tấn, cặp điện vào hai bên tai. Điện giật bắn người, một bên kẹp rơi xuống. Tôi liền bảo bọn lính cai ngục: "Này, rơi một bên rồi đấy". Nghe thấy thế, cả nhóm mấy chục lính tây, ta ngán ngẩm thốt lên “con này ghê lắm". Có lẽ do thấy tôi bình thản, không khai bất cứ điều gì nên từ đó chúng không tra tấn nữa.
Không tìm được chứng cứ, chúng đưa tôi về trại An Trí – nơi giam giữ những tù nhân “ngoan cố”, thường tù nhân sẽ phải ở đó đến chết.
Không nao núng, trong trại tôi tích cực tham gia sinh hoạt chi bộ, tuyên truyền về cách mạng cho những bạn tù”, bà Thường nhớ lại.
Trước thời điểm giải phóng ít tháng, nhóm của bà bị áp giải ra Hải Phòng dự kiến đưa lên tàu chở ra khơi rồi thả xuống biển… thủ tiêu. Biết âm mưu của địch, bà cùng đồng đội đấu tranh kiên quyết không lên tàu.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genever được ký kết. “Tôi cùng đồng đội được trả tự do sau khi có lệnh trao đổi tù binh”, bà Thường rưng rưng nói. Trở về Thủ đô, bà cùng chị em phụ nữ chuẩn bị cho ngày đón đoàn quân chiến thắng trở về 10/10/1954.
Nhờ bồ câu rải truyền đơn
Cũng nhiệt huyết như bà Thường, bà Nguyễn Thị Thành Nhân (sinh năm 1932, Trưởng ban liên lạc cán bộ phụ nữ tham gia kháng chiến và tiếp quản Thủ đô) có quãng đời tuổi trẻ gắn với hoạt động cách mạng trong lòng địch.
Năm 1948, Hà Nội tập trung đội tự vệ ở Rạp Chuông Vàng để thành lập đội quyết tử quân. Dù mới 16 tuổi nhưng bà Nhân đã xin tham gia.
“Tuổi còn nhỏ, lại bé như cái kẹo nên tôi không được nhận. Ít ngày sau, Hà Nội thành lập đội tuyên truyền, tôi một lần nữa xung phong và được duyệt, dù chưa đủ tuổi.
Tôi nhận nhiệm vụ đi úy lạo (động viên) chiến sĩ. Đội viên đội tự vệ quyết tử bị thương nằm ở Chèm, Vẽ thì tôi cùng một số chị đến hát cho các anh nghe”, bà Nhân nhớ lại.
Năm 1950, Hà Nội thành lập lực lượng để trở lại hoạt động trong nội thành. Bà Nhân làm nhiệm vụ vận động chị em rải truyền đơn.
“Những người làm nhiệm vụ như chúng tôi luôn phải nhìn trước ngó sau. Tôi đã vận động bà con tiểu thương buộc truyền đơn vào chim bồ câu. Mỗi trưa, chợ Đồng Xuân đóng cửa thì các chị em lại bí mật thả chim mang truyền đơn bay đi”, bà Nhân nhớ lại.
Không chỉ vận động, thuyết phục được bà con tiểu thương tham gia cách mạng, bà Nhân còn cảm hóa một người em ở phía bên kia chiến tuyến tham gia rải truyền đơn.
“Lần ấy tôi nhận nhiệm vụ rải truyền đơn ở khu vực Bách Thảo. Người em biết chuyện cảnh báo tôi đến đó sẽ bị bắt. Dù bị can ngăn nhưng tôi vẫn kiên quyết thực hiện. Có lẽ, trước tin thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của tôi hoặc trong thẳm sâu tâm hồn của người em vẫn là mạch ngầm yêu nước nên cậu ấy đã quyết định thay tôi đi rải truyền đơn. Đây là việc làm thực sự nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự nghiệp, tính mạng của cậu ấy. Nhưng cậu ấy đã âm thầm tham gia cách mạng dưới vỏ bọc của một viên lính… tay sai”, bà Nhân kể lại.
Để chuẩn bị cho ngày 10/10/1954, bà Nhân lại được giao nhiệm vụ huy động chị em phường Đồng Xuân, học sinh, sinh viên đứng ở vườn hoa Chi Lê đón bộ đội trở về.
“Không thể nói hết được sự sung sướng khi Thủ đô được giải phóng. Từ nay, về sau mình sẽ được sống công khai, đi đâu không còn phải lo "đằng trước nó rình, đằng sau nó bắt"”, bà Nhân bùi ngùi.
Thủ đô giải phóng, bà Nhân tiếp tục được giao nhiệm vụ tập huấn về chính sách đối xử với các tầng lớp nhân dân. Khi đó, cả Hà Nội có hơn 300 chị em tham gia cách mạng được chia đều cho 36 phố. Bà Nhân cùng các đồng đội đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, giải thích về chính sách, chủ trương của Đảng.
Với những người phụ nữ hiến trọn tuổi xuân cho công cuộc giải phóng Thủ đô, ký ức những tháng năm hoạt động sôi nổi lại ùa về mỗi dịp này. Họ bình thản kể về những tháng ngày gian khó, nhưng không giấu được sự xúc động khi nhớ lại khoảnh khắc đoàn quân chiến thắng trở về. Thời khắc ấy, đất nước bước sang trang mới.
Nhiều phụ nữ Hà Nội hiến trọn tuổi thanh xuân tham gia giải phóng Thủ đô
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội Lê Thị Kim Anh cho biết, kế thừa khí phách của Bà Trưng, Bà Triệu, phụ nữ Thủ đô đã cùng nhân dân tham gia giải phóng Thủ đô.
Trong không khí sục sôi cách mạng của những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, dù hoàn cảnh hết sức khó khăn, địch khủng bố ráo riết, phụ nữ Hà Nội đã thể hiện lòng căm thù giặc cướp nước, không sợ gian nguy hay bắt bớ tù đày. Họ đã dũng cảm, kiên cường chiến đấu giam chân địch trong suốt 60 ngày đêm trong thành phố, bảo vệ an toàn cho các cơ quan đầu não.
Các bà, các chị vừa tích cực gây dựng cơ sở trong lòng địch, vừa trực tiếp tiêu diệt kẻ thù, tham gia đấu tranh toàn diện trên mọi mặt trận của cuộc chiến tranh nhân dân. Họ hoạt động bí mật, kêu gọi chị em hướng về kháng chiến, tham gia vào các hoạt động quân sự, cũng như đấu tranh kinh tế, chính trị, văn hóa. Họ sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, từ in ấn, cất giấu tài liệu, bảo vệ và nuôi giấu cán bộ, đến tham gia lực lượng tự vệ, nữ dân quân, giao thông liên lạc, tất cả đều nhằm chuẩn bị cho ngày giải phóng Thủ đô.
Gần đến ngày giải phóng, các chị lại vận động nhân dân không di cư, kêu gọi binh lính phản chiến quay về với cách mạng, tham gia canh gác đường phố, bảo vệ tài sản, và cảnh giác trước âm mưu phá hoại của địch. Họ may hàng nghìn lá cờ, chuẩn bị biểu ngữ, khẩu hiệu, và tổng vệ sinh sạch đẹp đường phố, sẵn sàng đón chào đoàn quân chiến thắng trở về.
Với lòng tin tưởng sâu sắc vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ Hà Nội, phụ nữ Hà Nội đã kiên cường, anh dũng, chịu đựng gian khổ, hy sinh. Nhiều người đã không tiếc máu xương, hiến trọn tuổi thanh xuân, giữ vững khí tiết bảo vệ tổ chức, bảo vệ cơ sở cách mạng, nêu tấm gương kiên trung, bất khuất cho các thế hệ mai sau.