Hơn chục năm nay, người phụ nữ tới từ Mai Châu, Hòa Bình gắn bó với công trường ngổn ngang gạch đá, khói bụi để mưu sinh.
Phụ hồ là một công việc vô cùng vất vả và yêu cầu sức khỏe dẻo dai nhưng được không ít những người phụ nữ nhập cư ở Hà Nội lựa chọn. Họ chấp nhận khó nhọc, chấp nhận môi trường làm việc khói bụi để mong gia đình có được một cuộc sống tốt hơn. |
Hình ảnh người phụ nữ trong các công trình xây dựng mang vác những bao xi măng, những xô cát, trộn hồ hay đứng trên giàn giáo không khó bắt gặp ở Hà Nội hiện nay. Hầu hết những họ đều từ các tỉnh như Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hòa Bình… lên Hà Nội để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. |
Bà Hà Thị Anh, 53 tuổi, người dân tộc Thái từ Mai Châu, Hòa Bình xuống Hà Nội làm việc tại một công trường xây dựng trên đường Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm. Hơn chục năm bà gắn bó với nghề phụ hồ này. |
Bà và chồng thay phiên làm lao động thời vụ ở Hà Nội với công việc chính là phụ giúp trong các công trường xây dựng. "Mỗi công trình tôi làm 3 đến 6 tháng. Đến mùa vụ, tôi về quê chăm ruộng và nuôi chục con lợn. Nghề này mệt nhọc nhưng cũng là một phần thu nhập quan trọng đối với gia đình tôi. Lúc tôi làm ở công trường thì chồng ở quê làm ruộng và chăn lợn hoặc ngược lại”, người phụ nữ này chia sẻ. |
Ở công trường, bà làm tất cả những công việc của một phụ hồ như xúc cát, trộn hồ… |
…và bưng bê, di chuyển vật liệu mà thợ chính cần để làm việc. Bà làm một cách thuần thục và nhanh nhẹn, không một lời than vãn hay để lộ sự mệt mỏi. |
Mỗi ngày bà cùng đồng nghiệp bắt đầu công việc từ 7h sáng tới 11h, nghỉ trưa và quay trở lại công việc tới 17h. Một ngày làm việc bà được trả công 190 - 200 nghìn đồng. Số tiền kiếm được bà dành dụm để lo cho cuộc sống gia đình. Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt ở thành phố, bà ở cùng mọi người tại một khu của công trình. |
Hơn 11 năm gắn bó với công việc vất vả ấy, bà Hà Thị Anh chia sẻ: “Làm việc nặng nhọc về đau lưng, mỏi gối nhưng may mắn tôi chưa từng ốm đau hay bị thương gì". |
Bà Anh bật cười trước một câu chuyện vui của người đàn ông tên Rồng - người thợ hồ đang trát vữa. Những câu chuyện của mọi người cùng làm việc trong công trình chính là niềm vui giúp những người phụ nữ vơi bớt mệt nhọc. |
Công việc vất vả suốt một ngày dài nên hầu như bà cùng các đồng nghiệp không có thời gian riêng cho bản thân. Niềm vui bình dị nhất của bà và mọi người có lẽ là giây phút được ngả lưng nghỉ ngơi. Bà Anh nói: “Sau một ngày làm việc, tôi dành thời gian trò chuyện cùng mọi người, thỉnh thoảng cùng nhau đến những khu chợ sinh viên để mua sắm…”. |
Ngang chợ Dân Sinh, thấy món đồ cũ nhớ cuộc tình đã qua
Có thể nói, không nơi nào bán những món đồ cũ nhiều bằng chợ Dân Sinh. Chỉ khoảng 6 sạp hàng nhưng gần như những vật dụng trong sinh hoạt gia đình và cá nhân của quãng thời gian hơn nửa thế kỷ trước hiện diện đầy đủ nơi đây...
Vị khách trong căn biệt thự khiến người phụ nữ bán ngô ngỡ ngàng
Người phụ nữ đẹp như hoa hậu đứng đợi trước cổng căn biệt thự để mua ngô. Tuy nhiên, sau khi nhận ngô, người phụ nữ này yêu cầu chị Hoa đứng chờ...
Nữ cửu vạn chợ Đồng Xuân oằn mình trong nắng đầu hè
Chợ Đồng Xuân là một trong những khu chợ lớn ở Hà Nội với lượng hàng hóa trao đổi vô cùng lớn. Nơi đây tập trung rất nhiều lao động nữ từ các tỉnh lân cận hành nghề khuân vác hàng thuê.
Đặng Hương