Kinh doanh online không hề dễ dàng như nhiều người lầm tưởng, bởi đằng sau đó, người bán gặp không ít phiền toái từ chính “thượng đế”. Hàng loạt những cú lừa, những bài học đắt giá từng được các chủ shop bán hàng online chia sẻ cho thấy nỗi khổ sở khi bán hàng qua mạng.
Có thâm niên bán hàng trên mạng xã hội hơn 1 năm, nhưng chị Nguyễn Thanh Nga (chủ cửa hàng thực phẩm) vẫn rơi vào không ít rắc rối. Nhưng, vì là kinh doanh dịch vụ nên chị đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Chị Nga kể, người bán như chị luôn phục vụ hết lòng để có được nguồn khách hàng ổn định, song bản thân chị từng gặp những vị khách “củ chuối” khiến chị chỉ muốn đóng cửa cho xong.
Chị cho hay, cách đây mấy hôm, hai vợ chồng đang ngủ, tự nhiên điện thoại reo. Chị giật mình tỉnh dậy, lúc đã quá 1 giờ sáng. Thấy số máy lạ chị từ chối, nhưng người gọi lại tiếp tục. Chị nhấc máy nghe thì ở bên kia, một người đàn ông thông báo vừa đặt hai món ăn trên trang facebook của chị.
Chủ shop khổ vì khách hàng mọi lúc (Ảnh minh hoạ) |
Ông yêu cầu chị mang hàng tới luôn vì đang nhậu với bạn bè. Chị Nga từ chối khéo vì đã khuya và không có người chuyển đồ. Người mua lúc này quay sang to tiếng. Ông cho rằng chị coi thường khách hàng nên “chê tiền”. Giọng khách hàng có biểu hiện say rượu và đầy khiêu khích nhưng chị vẫn từ tốn giải thích, nhưng vị khách này không giữ được bình tĩnh, chửi bới linh tinh. Sau khi cúp máy, ông còn liên tiếp gọi lại cho chị.
“Mình buôn bán phục vụ khách hàng nhưng lắm lúc bực không chịu nổi. Khách hàng cứ tưởng mua là muốn nói gì thì nói”, chị Nga bức xúc.
Hay nhiều trường hợp chị Nga gặp phải là tình trạng khách hàng đặt xong nhưng không ưng ý lại cố tình “quỵt” tiền của shipper. Tháng trước, một bà khách đặt của chị hơn 1kg đồ hải sản khô, khi hàng chuyển tới nơi, bà cho rằng không giống như trên facebook nên từ chối nhận.
Sau khi được giải thích, người khách này vẫn khăng khăng không đồng ý. Chưa kể, bà còn mắng người giao hàng và không chấp nhận trả tiền ship mặc dù quy định đã được ghi rõ trên facebook.
Cũng từng gặp phiền toái vì khách hàng, chị Nguyễn Thị Minh (chủ shop kinh doanh trên facebook) mới đây bức xúc vì tình trạng khách hàng đặt tới 10 sản phẩm một lúc. Do cửa hàng tại TP.HCM nên hàng gửi đi phải được gói cẩn thận, sau đó mang tới đơn vị vận chuyển. Với giá trị đơn hàng lên tới gần 10 triệu đồng, chị Minh tưởng chừng đã trúng quả.
Tuy nhiên, một tuần sau, toàn bộ số hàng bị trả về. Chị Minh lên trên mạng để trao đổi lại với khách hàng. Chị ngã ngửa khi biết rằng, người mua chỉ muốn kiểm tra xem cửa hàng chị bán hàng có tốt không, chứ không không nhu cầu mua sản phẩm.
“Không biết tại sao lại có những người rảnh như vậy. Hàng gửi ra Hà Nội tốn bao nhiêu công đóng gói sản phẩm, phí vận chuyển mà họ cứ như đùa”, chị Minh bức xúc. Cũng may cho chị Minh, do đơn vị vận chuyển đang khuyến mãi miễn phí nên chị không bị mất khoản tiền này.
Bán hàng qua mạng không hề đơn giản |
Không chỉ bị khách hàng “bỏ bom”, nhiều chủ shop bán hàng trực tuyến thậm chí còn bị lừa một khoản tiền lớn do cả tin vào những chiêu lừa chuyên nghiệp của “thượng đế”.
Với những "thượng đế" bỗng dưng không lấy hàng vì không thích, chủ shop bán hàng online vẫn còn giữ được hàng và không bị lừa tiền, còn những khách hàng cố tình “lừa đảo” thì họ không chỉ mất tiền mà còn cả uy tín.
Trong cộng đồng mua bán hàng online từng chia sẻ câu chuyện: Sau khi đồng ý mua hàng và hứa hẹn chuyển khoản, khách hàng yêu cầu chủ shop phải đưa ảnh chụp giấy tờ cá nhân để làm tin. Người bán đưa ảnh chụp chứng minh thư và hộ chiếu cho khách hàng, tuy nhiên mấy ngày sau, người mua không thấy đâu.
Người bán dùng những thông tin cá nhân này để giả mạo, lập ra một tài khoản khác để đi lừa người mua hàng. Không ít trường hợp do tin tưởng đã gửi tiền vào tài khoản của chủ shop ảo này. Số tiền được ước tính lên tới vài trăm triệu. Hình ảnh của người bán này lan khắp mạng xã hội và bị cho là kẻ lừa đảo. Chị đã phải trình báo lên công an để giải quyết vụ việc.
Hay như trường hợp một thành viên khác đã trở thành nạn nhân của một trò lừa. Một khách hàng gửi hình ảnh chụp biên lai chuyển khoản nên chủ shop không ngần ngại chuyển đồ, nhưng sau 3 ngày vẫn không thấy thông báo nhận tiền từ ngân hàng. Nhìn lại hình ảnh, chị phát hiện, phần thông tin người được chuyển khoản là ai không rõ. Khi gọi lại thì người mua đã tắt máy, không còn liên lạc được.
Sau những vụ việc xảy ra, người bán hàng chỉ biết rút kinh nghiệm, coi như một bài học để xử lý những trường hợp tương tự. Không ít chủ shop còn kết luận rằng không nên quá chiều các “thượng đế”.
Nam Hải