"Nếu không có dự án Nụ hoa Xuân, có lẽ tôi đã không trở thành bác sĩ", cô Tang Lâm Ngọc chia sẻ về một phần ký ức đáng nhớ trong cuộc đời của nữ bác sĩ giỏi giang và giàu lòng nhân ái này.

Tuổi thơ khốn khó

Bác sĩ Lâm Ngọc làm việc tại trung tâm y tế thuộc thành phố Cách Nhĩ Mộc, tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc). Đây cũng là nơi cô trải qua thời thơ ấu và tuổi thiếu niên khốn khó.

Gia đình nữ bác sĩ này gồm có 3 gái và một trai. Vì gia đình đông con trong khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên ngay từ nhỏ, Lâm Ngọc đã sống trong cảnh thiếu thốn. Nữ bác sĩ nhớ lại, khi còn nhỏ, 4 chị em cô hiếm khi được mặc quần áo mới, việc mua đồ chơi hay đồ ăn vặt yêu thích đều trở nên xa xỉ.

"Lúc đó, gia đình chúng tôi chỉ làm ruộng và nuôi 2 con bò. Mỗi ngày, mẹ tôi sẽ vắt sữa bò để gửi ra thành phố bán. Thu nhập của gia đình chỉ trông vào đồng ruộng và tiền bán sữa", nữ bác sĩ chia sẻ.

bac si.jpg
Nữ bác sĩ tích cực học tập, rèn luyện, chữa bệnh cứu người. Ảnh: NVCC

Hai chị gái hơn Lâm Ngọc 2-3 tuổi. Cô nhớ rằng, mỗi ngày, bản thân đều đi bộ theo sau các chị để đến trường. Mặc dù họ đều có thành tích học tập tốt nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, hầu như không đủ trang trải cuộc sống đã trở thành trở ngại lớn trên con đường học tập của họ.

Dự án "Nụ hoa Xuân" thay đổi vận mệnh

Lâm Ngọc cảm thấy mình rất may mắn khi nhận được sự tài trợ từ dự án Nụ hoa Xuân được thực hiện ở tỉnh Thanh Hải dành cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Nhờ sự hỗ trợ này mà cô có thể học trường cấp 3 yêu thích thay vì phải bỏ học giữa chừng.

Khi học cấp 3 tại thành phố, vì ký túc xá của trường không đủ chỗ ở nên Lâm Ngọc phải thuê nhà ở một mình bên ngoài. Nữ sinh 16 tuổi phải tự mình xoay xở chi phí sinh hoạt hằng tháng, tiền thuê nhà...

Vào mùa đông, ở thành phố rất lạnh giá, Lâm Ngọc muốn tiết kiệm chi phí sưởi ấm và đun nấu nên thường xuyên ăn bánh mì để chống đói qua ngày, hằng đêm cô ngủ co ro trong thời tiết rét buốt. Đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, cô vẫn kiên cường chịu đựng. Nhưng đó chưa phải là tất cả khó khăn mà cô phải trải qua.

Vì xuất thân từ nông thôn nên nền tảng tiếng Anh của cô tương đối hạn chế. Dù đã chăm chỉ học tập và lắng nghe các bài giảng trong giờ học, Lâm Ngọc vẫn cảm thấy đuối sức so với các bạn cùng lớp lớn lên ở thành phố.

Khó khăn chồng chất nhưng cô chưa bao giờ kêu ca, phàn nàn với cha mẹ. Cô không muốn cha mẹ phải phiền muộn và vất vả lo nghĩ thêm vì mình. Lâm Ngọc cho biết, mỗi khi cảm thấy áp lực khó khăn, cô đều nghĩ đến sự kỳ vọng của cha mẹ cũng như sự hỗ trợ từ dự án Nụ hoa Xuân để trở thành động lực giúp cô lạc quan tiến về phía trước. Nữ bác sĩ cho biết: "Tôi luôn tự nhủ với mình phải học tập và làm việc chăm chỉ, đừng bao giờ bỏ cuộc".

Trả ơn cho đời

Vào năm 2009, Lâm Ngọc được nhận vào trường đại học mà cô yêu thích, theo ngành y học cổ truyền Trung Quốc. Theo chia sẻ của cô, bác sĩ làm công việc chữa bệnh cứu người, sẽ giúp cô lan tỏa tình yêu thương, sự nhân văn, nhân đạo mà cô đã nhận được từ dự án hỗ trợ học phí. Cô muốn sử dụng khả năng của cá nhân mình để giúp ích cho xã hội.

Ở trường đại học, nhờ thành tích học tập xuất sắc, Lâm Ngọc tiếp tục nhận được tài trợ từ dự án Nụ hoa Xuân, nhờ vậy mà cô không còn phải lo lắng về vấn đề tài chính khi học đại học nữa. Sau khi tốt nghiệp, Lâm Ngọc đã chọn trở về quê hương và làm việc tại một trung tâm y tế gần nhà. Trong khi làm việc rất tận tâm và không ngừng tích lũy kinh nghiệm lâm sàng, cô cũng thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện như giảng dạy kiến ​​thức sức khỏe và khám bệnh miễn phí. Cô mong muốn sử dụng những kiến ​​thức đã học để phục vụ dân làng và đền đáp xã hội.

"Trong khoảng thời gian khó khăn nhất của tôi, sự giúp đỡ của dự án Nụ hoa Xuân đã  giúp tôi khám phá và nhận ra giá trị của bản thân. Tôi cảm thấy nỗ lực của mình không chỉ vì bản thân mà còn có thể giúp đỡ được nhiều trẻ em khó khăn và lan tỏa được tình yêu thương ra khắp mọi nơi", nữ bác sĩ chia sẻ.

Cú điện thoại 45 giây tái sinh cuộc đời bác sĩ trẻ

Cú điện thoại 45 giây tái sinh cuộc đời bác sĩ trẻ

Đón Giao thừa Xuân Ất Tỵ khi phải xa quê, bác sĩ Mạnh chưa thể tin được bản thân đã trải qua một năm đầy ly kỳ, với những đớn đau, mệt mỏi nhưng ngập tràn tình yêu thương, may mắn không ngờ tới như vậy.