Những ngày gần đây, vlogger Nguyễn Thành Nam là cái tên bị nhiều dân mạng kêu gọi tẩy chay, lên án vì thực hiện những clip mang nội dung thiếu ý thức.
Cụ thể, người này thường xuyên thực hiện các thử thách gây ảnh hưởng tới môi trường như: "Làm nhà bằng 5.000 ống hút nhựa", "Làm nhà bằng 5.000 cốc nhựa" (loại dùng một lần) và ngụy biện rằng việc mình làm không hề ảnh hưởng gì đến môi trường vì "khi nào tôi đốt, không khí lên trời thì mới gọi là ô nhiễm".
Là một trong những người sở hữu kênh video có lượng người theo dõi lớn tại Việt Nam, hành động của nam vlogger khiến nhiều người lo ngại sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức, suy nghĩ của người trẻ - đối tượng người xem chủ yếu của kênh này.
Thực tế, không chỉ kênh của Nguyễn Thành Nam, hàng loạt video có nội dung "bẩn" vẫn tràn lan trên YouTube.
Vlogger Nguyễn Thành Nam bị "ném đá" vì làm nhà bằng ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần. |
Tục tĩu, phản cảm, tự hành hạ bản thân
Núp dưới tiêu đề mang tính hài hước, được giới thiệu là mang mục đích "troll", "vui vẻ", nhiều video chứa nội dung gây khó chịu cho người xem khi vô tình click vào.
Được đăng tải ngày 18/7, trong video "Trêu gái ngành sờ ngực, sờ mông free và cái kết", chủ nhân video bắt chuyện với một cô gái hành nghề mại dâm và nói sẽ cho cô một triệu đồng nếu trả lời đúng 3 câu hỏi. Nếu không, cô chỉ nhận được 50.000 đồng và phải cho nam thanh niên "động chạm" vòng một và vòng 3.
Sau khi cô gái trả lời thất bại, nam vlogger thực hiện "giao ước" và rời đi sau khi "khuyên nhủ" cô bỏ nghề.
Cũng có nội dung tương tự, Hoàng Mắc Khén đăng tải video có tên: "Thử thách chạy xe ôm gặp gái ngành và cái kết" hút hơn 160.000 lượt xem.
Dưới các video này, bên cạnh bình luận cợt nhả, cũng có ý kiến cho rằng đây chỉ là "diễn" và không đem lại giá trị gì ngoài sự phản cảm.
Nhiều clip có nội dung tục tĩu được chia sẻ trên mạng. |
Hút tới gần 13 triệu lượt xem, video "Giả vờ tới tháng đèn đỏ thử lòng người yêu và cái kết" của vlogger tên Ngọc Lan khiến nhiều người nhăn mặt khi theo dõi.
Không chỉ vậy, kênh này còn đăng tải màn "troll", giả vờ bị cưỡng bức của một cô gái khác. Vẻ hí hửng, phấn khích của nữ chính trong video khiến nhiều người khó hiểu.
Anh chàng có nickname Bảo Ren lại thường xuyên thực hiện các clip thử thách mang tính nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Người này từng đăng tải đoạn video "Thử thách 24h bò khắp thành phố". Tuy nhiên, khi thực hiện được khoảng 10 tiếng, Bảo Ren đành bỏ cuộc vì quá mệt và chân tay bị xước xát.
Bảo Ren thường đăng tải các clip thử thách có nội dung nguy hiểm đến sức khỏe. |
Một lần, anh chàng cho biết mình đã nhịn đói 3 ngày để thực hiện thử thách ăn 20 chiếc bánh xèo. Tuy nhiên, nam vlogger và một người bạn cũng phải dừng ở con số 16 cái do quá no. Trong một video khác, Bảo Ren lại đun chảy nến rồi đổ lên tay.
Những màn thử thách mang tính nguy hiểm, gây tò mò như: "Thử thách 24h làm động vật", "Ngủ trong quan tài", "Làm mù mắt bằng đèn bàn học"... cũng được nhiều vlogger như Bảo Ren không ngại thực hiện để "câu views".
Giang hồ mạng
Sự xuất hiện của những kênh video như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng… khởi đầu cho trào lưu "giang hồ", thường đăng tải những hình ảnh bạo lực, dung tục. Những người này thậm chí trở thành "thần tượng" của nhiều bạn trẻ, được chào đón mỗi khi xuất hiện.
Đặc biệt, một kênh "giang hồ mạng" tên HAYZOtv đăng các video có nội dung được cho là "hành hiệp trượng nghĩa" như: "Xử lý nhóm côn đồ lừa đảo tống tiền chuyên nghiệp", "Giúp bà mẹ ốm yếu dạy dỗ đứa con bất hiếu"...
Với cách làm "lấy bạo lực để giải quyết vấn đề", HAYZOtv thường chia sẻ hình ảnh phá hoại tài sản và xâm nhập gia cư bất hợp pháp.
Trả lời Zing.vn qua email, HAYZOtv thể hiện sự thiếu thống nhất khi lúc thì cho biết các video là dàn dựng, khi lại nói hoàn toàn có thật. Người tự xưng là đại diện sau phủ nhận phát ngôn của người trước.
Kênh HAYZOtv hút nhiều lượt xem nhờ các video có nội dung "hành hiệp trượng nghĩa". |
Theo nhà báo Chris Stokel-Walker, YouTube hoàn toàn nắm rõ việc các video có nội dung "bẩn" lan tràn trên nền tảng này. Tuy nhiên, những nhà điều hành YouTube có xu hướng bỏ qua các vấn đề trên cho đến khi báo giới phát hiện và dư luận phẫn nộ.
Trong cuộc khảo sát được thực hiện riêng cho cuốn YouTubers, 3/4 người được hỏi cho rằng YouTube có một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm đối với các video được lưu trữ trên nền tảng của mình. Và gần như YouTube không làm hết trách nhiệm.
Cứ mỗi ngày trôi qua, có khoảng 5 tỷ video được xem trên YouTube. Và trong thế giới công nghệ ngày nay, con sóng lớn nhất vẫn còn đang chờ ở phía trước, Stokel-Walker dự báo.
Nhà báo người Anh đúc kết: "Không lẽ phải chờ đến khi các nhãn hàng tẩy chay quảng cáo một lần nữa, YouTube mới chịu xắn tay hành động ngăn chặn và xử lý nội dung xấu?".