Năm 2015, khi được công nhận xã NTM, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang bắt tay vào xây dựng các tiêu chí hướng đến xã NTM nâng cao. Tuy nhiên, do là xã thuần nông, khi đó thu nhập của người dân chỉ hơn 25 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 7%. Xác định 2 tiêu chí này rất quan trọng và khó thực hiện nên xã tập trung thực hiện từ sớm.
Từ 2 tiêu chí khó đạt đến nay đã trở thành niềm tự hào của xã, khi thu nhập bình quân trên đầu người toàn xã năm 2023 đạt 68,599 triệu đồng/người/năm tăng, hơn 43 triệu đồng so năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 2,4%, đạt mức chỉ tiêu quy định. Kết quả trên xuất phát từ nhiều biện pháp giảm nghèo hiệu quả: tăng cường hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xây dựng các mô hình làm ăn hiệu quả, các mô hình đa dạng hóa sinh kế như nuôi bò, mô hình nuôi heo, mô hình nuôi ếch, hỗ trợ cây giống, con giống, chuyển giao kỹ thuật các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao... Đến nay toàn xã chỉ còn có 15 hộ nghèo.
Để có được kết quả này, Đảng bộ và chính quyền xã rất quan tâm giúp người dân đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh liên kết với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay cho các hộ khó khăn, phát triển kinh tế thương mại. Xã Vị Tân xác định phát triển sản xuất là yếu tố cốt lõi, với thế mạnh về phát triển nông nghiệp, thời gian qua địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững cho nông dân, toàn xã có 11 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm như: mô hình trồng cây ăn trái, trồng lúa hữu cơ, chăn nuôi.
Trên địa bàn có 3 hợp tác xã làm ăn có hiệu quả là: Tân Tiến, Tân Thuận và Liên Hiệp Phát, góp phần tăng thu nhập cho người dân, trong đó, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến có hơn 100 thành viên, canh tác 440 ha lúa, 5 năm trước Hợp tác xã được hỗ trợ 10 tỷ đồng từ dự án VnSAT để đầu tư hệ thống lò sấy, nhà kho hiện đại, nhờ vậy giúp các thành viên có nơi chứa lúa an toàn, giảm áp lực tiêu thụ khi thu hoạch rộ, để nâng cao giá trị hạt gạo, vài năm trở lại đây, Hợp tác xã sản xuất theo hướng VietGAP trên diện tích 55 ha, nông dân làm theo hướng liên kết sản phẩm độc nhất bán ra thị trường không bị ép giá. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 68 triệu đồng tăng hơn 43 triệu đồng so với lúc công nhận nông thôn mới lần đầu năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 2,4%.
Điểm sáng trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao của Vị Tân còn thể hiện ở công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số từng bước đi vào chiều sâu 99,5% hồ sơ giải quyết trực tuyến, 82% người dân trong độ tuổi lao động được phổ biến kiến thức về sử dụng máy tính và kỹ năng số, các sản phẩm OCOP của xã được quảng bá trên sàn thương mại điện tử; các điểm sinh hoạt công cộng, nhà văn hóa đều có wi-fi miễn phí, toàn xã hiện không còn nhà dột nát, nhà tạm. Cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư hoàn thiện, 100% đường liên ấp, liên xã được cứng hóa, lộ làng khang trang, bảo đảm ô tô đi lại thuận tiện, người dân trồng thêm hoa, cây cảnh tô điểm cho diện mạo quê hương ngày thêm khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của người dân sung túc ấm no, kết quả này được kết tinh từ ý Đảng lòng dân. Tổng số tiền huy động trong xây dựng nông thôn mới nâng cao được 63 tỷ đồng.