Tức Tranh (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) là một ví dụ điển hình cho mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Về đích nông thôn mới từ năm 2015, Tức Tranh đã có kinh nghiệm và nền tảng để thực hiện nông thôn mới nâng cao và là một trong 9 địa phương đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên cán đích đúng hẹn.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã được kết nối đồng bộ; tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa đạt 100%; xây dựng thêm 3 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, 10 trạm biến áp điện; 100% các trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% nhà văn hóa xóm đạt chuẩn theo quy định; hệ thống thông tin truyền thông được đầu tư nâng cấp; xã không còn nhà tạm...
Về phát triển kinh tế nông thôn bền vững: Với lợi thế có 1.145ha chè, trong xã hiện có 15/19 xóm là làng nghề sản xuất chè; 8 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè và 16 tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP, 2 tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ; xã có 7 sản phẩm OCOP; thu nhập bình quân đạt 58,5 triệu đồng/người (năm 2022). Đến nay, xã Tức Tranh có 11/19 xóm NTM kiểu mẫu, trong đó xóm Khe Cốc đạt NTM thông minh. Việc kinh doanh tiêu thụ chè được người dân Tức Tranh ứng dụng linh hoạt thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Từ những thành tựu đã đạt được, xã Tức Tranh trở thành địa phương đầu tiên được tỉnh Thái Nguyên lựa chọn thí điểm xây dựng xã xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử. Số hồ sơ tính đến 5/6/2023 là 2.169/2.180, tương đương 99,4% được giải quyết trực tuyến. Trong quá trình nộp hồ sơ, người dân được đánh giá mức độ hài lòng qua phiếu đánh giá. Công tác điều hành của chính quyền đang thực hiện thông qua hệ thống chính quyền điện tử Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, xã thực hiện công khai thông tin số điện thoại của cán bộ chính quyền xã cho người dân trên địa bàn. Trên địa bàn xã có 19 tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng địa chỉ số. Hiện nay, 100% cán bộ xã, cán bộ xóm sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet, sử dụng ứng dụng Zalo, fanpage, Facebook để chia sẻ thông tin, kết nối, tương tác và nhận phản hồi của người dân.
Tại xã, trà là sản phẩm chủ lực được các hộ kinh doanh, hợp tác xã bán trên kênh thương mại điện tử như Shopee, Lazada… Đặc biệt, xã đã thực hiện mô hình xóm thông minh tại Khe Cốc, người dân tham gia sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến, triển khai mô hình chợ thông minh (chợ không dùng tiền mặt), các nhà trường thu các khoản đóng góp qua tài khoản… Tỉ lệ người dân sử dụng thanh toán trực tuyến hiện đạt 50%.
Hiện xã Tức Tranh có 7 sản phẩm OCOP, các sản phẩm đã được bán trên kênh thương mại điện tử. Ngoài ra, xã cũng có mô hình sản xuất chè hữu cơ đang định hướng phát triển gắn với du lịch sinh thái.
Để có được những kết quả này, thời gian qua xã đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả, thực tế và luôn bám sát hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Thường xuyên cập nhật các văn bản từ các bộ, ngành, các cấp có liên quan để xây dựng mô hình theo đúng định hướng chuyển đổi số.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để tạo ra phong trào đoàn kết xây dựng nông thôn mới thông minh, tạo sức lan tỏa trong nhân dân. Tổ chức tập huấn chuyên sâu về chuyển đổi số cho cán bộ thực hiện và nhân dân trên địa bàn xã, để giúp nâng cao nhận thức về công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng kế hoạch chi tiết (thời gian thực hiện, dự tính nguồn kinh phí, phân công cụ thể cán bộ phụ trách từng chỉ tiêu...), huy động tối đa nguồn lực từ nhân dân đóng góp để xây dựng mô hình.
Đặc biệt, vừa triển khai thực hiện, vừa đánh giá rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến tham gia, góp ý của các đơn vị, các ngành, người dân để kịp thời điều chỉnh mô hình cho phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.