Bàn về nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong giai đoạn mới, GS.TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cùng với hệ thống chính sách đồng bộ về nông nghiệp, nông thôn, đất đai và đầu tư công, vấn đề sống còn mang tính quyết định đến sự thắng lợi của công cuộc phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM trong những năm tới là xác định được “chân dung” và từ đó, hình thành tầng lớp nông dân mới.
Để có tầng lớp nông dân mới, có 2 vấn đề cốt tử nhất, đó là: 1- Đào tạo họ thành các nông dân chuyên nghiệp, thích làm ruộng, biết làm ruộng, hạnh phúc với đồng quê, yêu mến và tôn trọng thiên nhiên và dám làm giàu cho mình và cho cộng đồng từ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; 2- Nhà nước trao quyền cho họ, và cùng họ vận hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo cơ chế thị trường.
Người nông dân mới phải là các nông dân có học và được đào tạo, những con người có văn hóa thì mới mong trở thành người nông dân văn minh theo như Nghị quyết của Đảng.
Người nông dân thiếu gì? Họ thiếu thông tin, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng và thiếu được đào tạo để có thái độ đúng, để có đủ kiến thức và kỹ năng “làm ruộng”.
Các cơ sở giáo dục đại học hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu đào tạo rất lớn và đa dạng; chỉ có “đại học số” mới có thể đáp ứng được số lượng người học khổng lồ và nhu cầu cực kỳ đa dạng của kiến thức và kỹ năng của thời chuyển đổi số. “Đại học số” sẽ góp phần quan trọng để biến các thanh niên nông thôn (và cả thanh niên không ở nông thôn nhưng yêu mến nghề nông) sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 9) thành các “thanh nông trí điền” - các nông dân chuyên nghiệp của thời chuyển đổi số, thay cho lớp “lão nông tri điền” của một thời chưa xa.
Nhà nước cần có các chương trình, các chính sách phù hợp, tập trung và đủ mạnh để đào tạo thanh niên nông thôn và những người thực sự muốn làm nông nghiệp, coi đó là chính sách phát triển, là đầu tư cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, để có các nông dân chuyên nghiệp, đủ sức làm chủ ruộng đồng, làm chủ công nghệ và kỹ thuật, làm chủ thị trường, đủ sức vươn ra quốc tế, kiểu như là “nông dân toàn cầu” vậy.
Trao quyền cho nông dân, cả theo luật định, theo lẽ tự nhiên và theo phạm trù đạo đức, thể hiện qua các khế ước xã hội giữa nhà nước và người nông dân. Trong thời đại hiện nay, trao quyền cho nông dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là động lực chính cho phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM để nông dân thực sự là chủ thể, là chủ và làm chủ ruộng đồng, làm chủ nông thôn. Động lực do đất đai mang lại như thời Khoán 10 không còn nhiều nữa. Trao quyền là tạo ra cơ hội, mở ra cơ hội cho người dân thể hiện quyền làm chủ, phát huy sức mạnh của từng người nông dân, từng hộ nông dân, của cả cộng đồng nông thôn.
Ngày xưa, thời HTX kiểu cũ, người nông dân chỉ được làm chủ mảnh đất 5% mà họ đã làm cho mảnh đất ấy đủ nuôi sống họ bươn chải qua những năm tháng cực kỳ khó khăn. Ngày nay, nếu được làm chủ thực sự, làm chủ toàn diện thì họ sẽ tạo ra sức mạnh “dời non, lấp biển”, tạo ra những bước nhảy vọt trong xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và khi ấy, họ thực sự là những người nông dân thông minh!
Điểm tựa để người nông dân thể hiện và phát huy quyền làm chủ sau khi được trao quyền là thị trường, khoa học - công nghệ và liên kết các hộ nông dân trong các HTX, trong các nghiệp đoàn nghề nghiệp của họ, vì họ, cho chính họ.
Đô thị hóa phải gắn với phát triển nông thôn, đô thị hóa nông thôn. Đô thị hóa nông thôn không phải là đưa mô hình nhà ống, các biệt thự từ phố thị về thôn quê mà là tạo ra các sinh kế mới phi nông nghiệp cho nông dân, tạo ra điều kiện sống như đô thị, tạo cơ hội cho một người dân nông thôn như một người dân đô thị, tạo cơ hội cho mọi đứa trẻ sinh ra ở nông thôn cũng có cơ hội phát triển như một đứa trẻ sinh ra ở đô thị.
Xen lẫn thôn quê, các vùng nông nghiệp, các vùng nguyên liệu là các thành phố, các đô thị xanh hiện đại, văn minh, đẹp chỉ với một vài triệu dân, với các nhà máy chế biến nông sản, trung tâm thu mua nông sản, tạo ra các vùng lõi đô thị trong nông thôn.
Không ít các quốc gia đã trở nên giàu có và hùng cường nhờ biết chọn điểm tựa là nông thôn, nhờ biết chọn khâu đột phá là kinh tế nông nghiệp, đó là nền kinh tế nông nghiệp dựa trên tư duy công nghiệp, tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo “kiểu công nghiệp’, ở đó người ta gọi một ngành sản xuất nông nghiệp nào đó là “công nghiệp nông nghiệp” (agricultural industries), như ngành sản xuất (bao gồm cả chế biến và tiêu thụ) lúa gạo là Rice Industry, ngành sản xuất nho và rượu vang là Grape Industry, hay ngành chăn nuôi lợn là Pig Industry... Sự phát triển của các ngành “công nghiệp” này dựa vào 3 trụ cột chính: 1- Đổi mới sáng tạo được tôn vinh để luôn tạo ra và làm chủ các công nghệ vượt trội; 2- Chuyên môn hóa cao, chuyên nghiệp hóa cao; 3- Quản trị hệ thống tiên tiến.