Việc ứng dụng khoa học-công nghệ, thúc đẩy chuyển đối số trong nông nghiệp là nhu cầu tất yếu, bước đầu đã mang lại những kết quả nổi bật tại Phú Thọ.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm tạo ra giá trị phát triển cho nông sản, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã lựa chọn 50 cơ sở sản xuất và sản phẩm OCOP để thực hiện chuyển đổi số. Các cơ sở tham gia chuyển đổi số được cấp mã số, được sơ đồ hóa và định vị GPS cơ sở sản xuất; quản lý và cập nhật đầy đủ quy trình sản xuất, vật tư đầu vào, đầu ra, nhật ký điện tử sản xuất theo thời gian; mã hóa và xuất code tem truy xuất nguồn gốc QR…

W-minhhoa.png
Phú Thọ đã hình thành 450 vùng trồng tập trung với diện tích 19,6 nghìn ha 

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã hình thành 450 vùng trồng tập trung với diện tích 19,6 nghìn ha (trong đó: 157 vùng trồng lúa chất lượng cao với diện tích 9,6 nghìn ha; 70 vùng sản xuất chè chất lượng cao tập trung với tổng diện tích 5,8ha; 166 vùng sản xuất bưởi tập trung với diện tích 2,7 nghìn ha; 33 vùng sản xuất chuối tập trung với diện tích trên 01 nghìn ha; 24 vùng sản xuất rau tập trung với quy mô 430ha); chăn nuôi lợn tập trung chiếm 37,7% tổng đàn; nuôi gà tập trung chiếm 34,3% tổng đàn, chăn nuôi bò tập trung chiếm 4,8% tổng đàn; có 40 vùng sản xuất cây gỗ lớn tập trung với diện tích 4,4 nghìn ha; 65 khu nuôi thủy sản tập trung với diện tích 1,3 nghìn ha.

Tỉnh cũng đã thiết lập, cấp và quản lý được 74 mã số cho 65 vùng trồng với tổng diện tích 32 nghìn ha và 01 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Một số mô hình liên kết sản xuất gắn với vùng sản xuất tập trung đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, áp dụng quy trình kỹ thuật, cơ giới hóa, một số vùng có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Một số sản phẩm nông nghiệp đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, có thương hiệu trên thị trường như: Bưởi Đoan Hùng, chè Phú Thọ, gạo nếp gà gáy Mỹ Lung, thịt chua Thanh Sơn, mỳ gạo Hùng Lô, rau an toàn Tứ Xã,... Đến nay, đã có 151 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có 01 sản phẩm Chè đinh cao cấp Hoài Trung đã được công nhận sản phẩm OCOP hạng 5 sao.

Nhờ đó, trong điều kiện nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng với sự chung sức vượt khó, sáng tạo của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân,... ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Thọ luôn duy trì tăng trưởng ở mức khá cao. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 9.118 nghìn tỷ đồng, đóng góp 18,7% GRDP của tỉnh, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác nông, lâm, thủy sản bình quân ước đạt trên 125,5 triệu đồng/ha, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân, xây dựng nông thôn mới.