Thanh Hóa có 11 huyện miền núi nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, điều kiện môi trường sống và đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, việc hiểu biết kiến thức pháp luật hạn chế. Nhờ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở tỉnh Thanh Hóa đã từng ngày đổi thay. Đặc biệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao.
Xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của mỗi người dân
Lang Chánh là huyện miền núi biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, dân số khoảng 52.600 người. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm gần 90% sinh sống ở 78 thôn, bản, khu phố thuộc 10 xã, thị trấn.
Huyện Lang Chánh xác định, xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của mỗi người dân, nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho dân; do vậy, đã tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và chung sức, đồng lòng tham gia.
Huyện đã đầu tư để từng bước hiện đại hóa hệ thống hạ tầng như công sở, nhà văn hóa, trạm y tế, đường giao thông liên bản, liên xã. Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất, triển khai nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện Lang Chánh đạt 27 triệu đồng/năm, gấp đôi so với năm 2010. Huyện đã có 2/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 30/64 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.
Diện mạo ở những thôn bản đạt chuẩn đã thay đổi rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao hơn hẳn so với trước.
Tăng cường các cơ hội tiếp cận pháp luật của người dân
Nằm ở miền núi cao, điều kiện môi trường sống và đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nên việc hiểu biết kiến thức pháp luật của người dân còn rất nhiều hạn chế. Bởi vậy, trong xây dựng nông thôn mới, Lang Chánh tập trung tăng cường các cơ hội tiếp cận pháp luật của người dân, từ đó giúp họ hiểu luật, vận dụng luật trong hành xử (tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2021 - 2025).
Giai đoạn 2022-2026 huyện đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền PBGDPL bằng nhiều hình thức; triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho Nhân dân ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.
Để việc tuyên truyền đạt hiệu quả cao, địa phương đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tuyên truyền PBGDPL có kỹ năng nghiệp vụ tốt, am hiểu pháp luật và biết tiếng đồng bào DTTS.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền PBGDPL, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân được nâng lên, hạn chế những vi phạm pháp luật xảy ra, giúp người dân, các doanh nghiệp tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình khi tham gia vào các quan hệ dân sự, hình sự.
Có thể nói, việc đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào DTTS đã góp phần nâng cao nhận thức, hiệu quả công tác tuyên truyền cho cán bộ thôn, bản, người dân các huyện miền núi Thanh Hóa về các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Từ đó, đoàn kết tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đây là tiền đề để các xã, thôn, bản còn lại phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.