Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn toàn tỉnh Lai Châu (từ năm 2020 - nay) đã tổ chức đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 204 sản phẩm đạt hạng từ 3 sao đến 4 sao. Các sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận tiếp tục duy trì sản lượng, chất lượng sản phẩm.
Theo thống kê, mức tăng bình quân về doanh thu sản phẩm sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt trên 10%, đặc biệt có những đơn vị tăng doanh thu trên 20%... Từ đó khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác được những giá trị tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP đảm bảo về chất lượng, sản lượng cho các năm tiếp theo…
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương Lai Châu đã tổ chức các chương trình, hội nghị hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh. Qua đó, kết nối các chủ thể có sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm vào hệ thống các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn; phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác trong cả nước. Có thể kể đến các sản phẩm trà, hạt mắc-ca khô, mật ong, gạo dâu, thịt trâu sấy khô, thịt hun khói, ruốc cá hồi, chuối sấy giòn, đông trùng hạ thảo, mật ong và một số sản phẩm dược liệu…
Đây là minh chứng cho thấy Chương trình đã tạo ra một sân chơi bình đẳng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác, duy trì và phát huy được những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề, đặc sản vùng miền, sản phẩm truyền thống; tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Các sản phẩm sau khi chứng nhận và các sản phẩm tiềm năng được các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn hoàn thiện các tiêu chí của Chương trình; hỗ trợ thúc đẩy công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng các chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng nhà kho nhà xưởng, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc điện tử (Qrcod) … duy trì được sản lượng, chất lượng sản phẩm, nhiều cơ sở đã đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng mẫu mã bao bì phù hợp với quy định và thị hiếu của thị trường, quan tâm chú trọng đến công tác quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP lên một tầm cao mới vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh trong cả nước, tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho lao động tại địa phương, nâng doanh thu của chủ thể OCOP, góp phần ổn định kinh tế của địa phương, từ đó khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác được những giá trị tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP đảm bảo về chất lượng, sản lượng cho các năm tiếp theo.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, sản xuất, phát triển thị trường, nâng cao thu nhập cho lao động, cải thiện đời sống người dân nông thôn, sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, sản xuất theo hướng sạch, an toàn sinh học và thân thiện với môi trường, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, gắn kết chặt chẽ giữa người dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần hình thành và phát triển nhãn hiệu hàng hóa đặc trưng cho địa phương, góp phần trong công cuộc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lai Châu, tại Hội thảo khoa học "Thực trạng và tiềm năng sản xuất, tiêu thụ và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lai Châu" các đại biểu tham dự đã cùng nhau đề xuất tám giải pháp như sau:
Tiếp tục tuyên truyền đến các chủ thể và nhân dân hiểu rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn, đặc biệt quan tâm tới việc tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và lợi ích của các chủ thể khi tham gia thực hiện Chương trình để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia chương trình đạt kết quả cao;
Đẩy mạnh các hình thức liên kết, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm vào các hệ thống cửa hàng, siêu thị, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng Online... trong và ngoài tỉnh;
Hỗ trợ các chủ thể xây dựng bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, cấp mã cơ sở nuôi trồng, truy xuất nguồn gốc, xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất các sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm OCOP của tỉnh;
Lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, chính sách của Trung ương, của tỉnh để thực hiện mục tiêu của Chương trình OCOP, tăng cường huy động nguồn lực đầu tư ngoài xã hội để đầu tư phát triển sản phẩm OCOP, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận;
Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu Chương trình OCOP ở các cấp, nâng cao hiệu quả quản lý, năng lực hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… tham gia chu trình OCOP.
Có kế hoạch tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với công tác hoạt động sản xuất kinh doanh của các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành, liên ngành, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định tại Quyết định số 1414/QĐ-UBND ngày 26/10/2021 của UBND tỉnh Lai Châu về Ban hành Quy chế quản lý sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt hạng 3 sao trở lên trên địa bàn tỉnh Lai Châu và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến các quy định đảm bảo chất lượng sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP.
Thực hiện việc duy trì và nâng cao các điều kiện sản xuất sản phẩm OCOP như nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, tổ chức, quản lý chất lượng sản phẩm do cơ sở mình sản xuất phù hợp với quy định hiện hành. Tập trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò định hướng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng và quản lý thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP.